Tin địa phương

“Cán bộ từ thiện” và “ký gửi bàn chải đánh răng”

Thời gian qua, mặc dù báo chí và các phương tiện truyền thông đã phản ánh, cảnh báo về những chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tiền, vàng... nhưng vì nhẹ dạ cả tin mà nhiều người dân vẫn thiếu cảnh giác, trở thành nạn nhân của các đối tượng. Những vụ việc sau đây chuyển đến độc giả, chúng tôi một lần nữa khuyến cáo mọi người cần nêu cao cảnh giác trước những thủ đoạn của bọn tội phạm.

Ngôi nhà vợ chồng ông C. nằm nơi vắng vẻ là mục tiêu kẻ xấu dễ dàng tiếp cận lừa đảo.

“Cán bộ từ thiện” về quê

10 giờ 30 ngày 19-9, vợ chồng ông L.C (1932) - bà P.T.P (1935, trú xã Hòa Phong, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) đang ở nhà thì có một phụ nữ lạ mặt, trạc 30 tuổi, chạy xe máy vào sân hỏi thăm: “Bác có biết nhà ông C. ở đâu không ạ?”. Khi nghe tên mình, ông C. trả lời “tui là C. đây” thì người phụ nữ hớn hở ra mặt, tự giới thiệu mình là cán bộ làm từ thiện ở xã về liên hệ trước, lát nữa có đoàn công tác trên huyện xuống kiểm tra thực tế và có kế hoạch hỗ trợ tiền sửa chữa nhà, xây tường rào cho vợ chồng ông C.

Đồng thời, “cán bộ từ thiện” không quên dặn ông C.: “Bác nhớ đừng cho ai biết việc được nhận hỗ trợ, kẻo người trong xóm lại so bì, mất hay”. Người phụ nữ còn gợi ý: “Vợ chồng bác muốn được hỗ trợ 100 triệu đồng xây mới nhà thì phải nộp trước 20 triệu đồng để lo các thủ tục.

Mà nếu không có tiền mặt thì có thể thay thế bằng vàng quy ra giá trị hiện nay”. Nghe vậy, bà P. liền gom số vàng đang cất giữ trong nhà đưa cho người phụ nữ kiểm tra. Người phụ nữ nhanh chóng xem số vàng đó rồi gói bằng tờ giấy, xong bỏ vào túi áo bà P.

Thấy nhà neo người, người phụ nữ tiếp tục gợi ý để ông C. đi mua vài chai nước về tiếp khách, còn bà P. được người phụ nữ “áp sát” giúp sức lau chùi bộ bàn ghế. Sau đó vài phút, bà P. nghe người phụ nữ lễ phép thưa: “Cháu chạy xe ra trước đường đón đoàn từ thiện”. Chờ mãi, chờ mãi vẫn chẳng thấy ai đến nhà, “cán bộ từ thiện” cũng không quay trở lại nên bà P. sinh nghi, kiểm tra túi áo thì gói vàng 8 chỉ đã “không cánh mà bay”.

Tương tự, ngày 6-9, vợ chồng ông H. P (1938), bà N.T.N (1941, trú xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang) cũng bị một phụ nữ giới thiệu là cán bộ của Hội Người cao tuổi xã tiếp cận về việc sửa chữa nhà và lừa lấy 9 chỉ vàng mà vợ chồng bà N. dành dụm hàng chục năm nay.

Được biết, việc giả danh làm từ thiện để lừa đảo diễn ra khá nhức nhối với nhiều thủ đoạn tinh vi. Các đối tượng ngang nhiên mạo danh các cơ quan, đoàn thể, tổ chức từ thiện để lợi dụng lòng tin, tiếp cận các nạn nhân để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Hình thức lừa đảo này tuy không mới nhưng cách lừa đảo thì có dấu hiệu của sự đầu tư, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình các nạn nhân rất cặn kẽ trước khi thực hiện hành vi.

Cho nên, ngoài việc các địa phương thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, bà con nông thôn còn phải hết sức cảnh giác, nhất là đối với những người già sống neo đơn, nhà nằm nơi vắng vẻ hoặc gia đình có con cái ra ở riêng. Đồng thời, khi phát hiện đối tượng nghi vấn thì kịp thời tin báo cho người dân xung quanh hỗ trợ, hoặc lực lượng CA nơi gần nhất để cùng phối hợp kiểm tra xử lý, tuyệt đối không được đưa tài sản nhằm tránh bị kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo.

Sau khi ký kết hợp đồng, các đối tượng đã lấy tiền và “bùng”, không liên lạc được nữa.

“Ký gửi bàn chải đánh răng”

Cũng tại Đà Nẵng, một số đối tượng lừa đảo dùng mác của các nhà phân phối để “câu nhử” chủ cửa hàng tạp hóa bằng thủ đoạn ký gửi bàn chải đánh răng. Bằng màn kịch được dựng tương đối công phu, những đối tượng này đã khiến nhiều cửa hàng “bay” hàng triệu đồng. Sau khi bị các đối tượng lừa chiếm đoạt 7,5 triệu đồng và mất liên lạc, chị Nguyễn Thị L. (chủ cửa hàng tạp hóa tại đường Đinh Thị Vân, Q. Thanh Khê) đã có đơn trình báo cơ quan CA. Chị L. mong muốn cơ quan CA sớm tìm ra các đối tượng lừa đảo, đồng thời cũng cảnh báo chủ các cửa hàng tạp hóa hãy tỉnh táo để tránh sa vào mất tiền, ôm hàng như mình.

Trưa 11-9, trong khi quán đang vắng khách thì có 2 người đàn ông khoảng 40 tuổi ghé vào để chào hàng và ký gửi sản phẩm bàn chải đánh răng của Cty TNHH Thương mại T&T Na Nô tại Việt Nam. Hai người này nói Cty có sản phẩm nhưng không thực hiện chiến dịch quảng cáo trên tivi mà muốn đưa trực tiếp đến các cửa hàng để ra mắt người tiêu dùng. Mỗi tháng trưng bày, cửa hàng sẽ nhận 490 nghìn đồng.

Vì thấy không mất mát gì, lại có thêm sản phẩm để cửa hàng đa dạng hơn, chị L. ký hợp đồng nhận sản phẩm trưng bày. Tuy nhiên, sau đó hai người này gợi ý chủ quán phải mua thêm 4 hộp với giá tiền 2,16 triệu đồng thì sẽ được để lại 6 hộp trưng bày. Vì trên hợp đồng có tên tuổi của nhân viên cụ thể là Bùi Văn Thanh (trú Q. Liên Chiểu) kèm theo số điện thoại liên lạc, đồng thời thấy người này chụp ảnh các khu vực của cửa hàng nên chị L. cũng tin tưởng ký và giao tiền.

Thấy “cá đã cắn câu”, chiều cùng ngày, hai người đàn ông khác đi trên chiếc xe BKS 37... xưng là người giám sát của Cty TNHH TM T&T METRO tại Việt Nam xuống trực tiếp cửa hàng để tư vấn, đồng thời đưa ra bảng giá các mặt hàng của Cty. Sau khi tư vấn, những người này nói rằng vì lấy hàng trực tiếp nên chị L. sẽ được ưu đãi giá gốc kèm cam kết được chiết khấu hoa hồng.

Điều kiện để được hưởng những ưu đãi này là phải mua thêm một thùng bàn chải đánh răng, nếu bán doanh số không cao thì sẽ được thay bằng các mặt hàng khác. Nghĩ vì kiểu gì cũng phải đi nhập hàng, giờ có nhà cung cấp đưa tận nơi với nhiều ưu đãi, chị L. tiếp tục ký một hợp đồng khác với nhân viên bán hàng xưng là Lê Tuấn Anh, đồng thời giao 5,4 triệu đồng để lấy thùng bàn chải đánh răng 10 hộp.

Bàn chải đánh răng để lại sau khi các đối tượng đã lừa của chị L. hơn 7,5 triệu đồng.

Sau khi “nhân viên tư vấn bán hàng” ra về, chị L. lên mạng tra cứu các sản phẩm và đơn vị phân phối thì phát hiện tên Cty ghi trong hợp đồng đã dừng hoạt động. Nghi bị lừa, chị L. tìm mọi cách để liên lạc với những người đã giao dịch thì được hứa sẽ xuống làm việc nhưng chờ mãi không thấy, các số điện thoại cũng dần mất liên lạc. Những người đã tư vấn chị mua hàng lần lượt chặn số, chị dùng các số khác để gọi thì không có người nghe.

Theo lời giới thiệu của chị L., chúng tôi đã tìm tới một số cửa hàng tạp hóa nhỏ hoặc trung bình tại địa bàn Q. Thanh Khê thì được các chủ cửa hàng cho biết là họ đã từng gặp những trường hợp như vậy. Một số cảnh giác thì thẳng thừng từ chối nhưng số khác lại sập bẫy, người ít thì 1-2 triệu đồng, người nhiều thì 5-7 triệu đồng. Nhiều người chờ các đối tượng này xuống tư vấn sản phẩm lần hai để báo cơ quan CA nhưng họ đã không quay trở lại. Tuy vậy đa số ngại cung cấp thông tin cụ thể vì sợ xui xẻo trong kinh doanh, mất uy tín cửa hàng.

“Vì chân ướt chân ráo buôn bán nên tôi đã không thể ngờ được họ dựng màn kịch liên hoàn đến vậy. Lúc đầu thấy gần như mình không chịu thiệt thòi gì, lại được lợi, nhưng giờ thì tôi đã mất tổng cộng tới hơn 7,5 triệu đồng, đổi lại là mấy thùng bàn chải đánh răng, không dễ gì để bán hết từng đó. Hiện tôi đã có đơn trình báo cơ quan CAQ Thanh Khê. Mong mọi người đừng tin vào những đối tượng như thế này” - chị L. cho biết.

Tác giả: VY HẬU - BẢO NAM

Nguồn tin: Báo Công an TP Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP