Giáo dục

Cần bổ sung hơn 57.000 phòng học khi áp dụng chương trình GDPT mới

Sáng nay 20/1, hội nghị triển khai việc xây dựng và chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới đã được UBND TP. Hà Nội tổ chức đầu tiên trên cả nước. Để áp dụng chương trình mới, cần đầu tư xây dựng bổ sung khoảng 57.084 phòng học. Trong đó, cấp tiểu học thiếu hơn 30.000 phòng học.

Nhiều nơi phải thuê, mượn phòng học bên ngoài

Đề chuẩn bị áp dụng Chương trình mới, Bộ GG&ĐT đã ban hành Công văn số 1428/BGDĐT-CSVCTBTH ngày 07/4/2017), hướng dẫn các địa phương thực hiện tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học.

Theo đó đề nghị UBND các tỉnh thành phố hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học; quản lý, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có; ưu tiên ngân sách địa phương, tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất.

Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các địa phương đề xuất danh mục và thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định để giao vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017 - 2020 thực hiện kiên cố hóa các phòng học mầm non, tiểu học tại các xã đặc biệt khó khăn.

Các cơ sở giáo dục, đặc biệt là vùng núi, còn nhiều phòng học tạm thời


Theo thống kê, cả nước có 28.177 cơ sở giáo dục phổ thông công lập (15.050 trường tiểu học, 10.697 trường THCS, 2.430 trường THPT), 14.883.647 học sinh, 476.924 lớp học và 419.903 phòng học.

Về phòng học: Các cơ sở giáo dục (đặc biệt ở các vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ), còn nhiều phòng học bán kiên cố, phòng học tạm thời và phải đi thuê, mượn các cơ sở bên ngoài.

Hiện cả nước có 419.903 phòng học, trong đó số phòng học kiên cố khoảng 323.551 phòng, đạt tỷ lệ 77,1% (tiểu học 68,7%, trung học cơ sở 85,7%, trung học phổ thông 93,9%).

Đối với phòng học bộ môn: Ở cấp THCS số phòng đáp ứng quy định là 20.573 phòng (đạt tỷ lệ 66,8%); cấp THPT đạt tỷ lệ 72,8%.

Về thiết bị dạy học tối thiểu: Hiện tỷ lệ đáp ứng yêu cầu tối thiểu ở cấp tiểu học là 56% (vùng miền núi phía bắc 49%, Tây nguyên 57%, Tây Nam bộ 51%); cấp THCS là 55% (vùng miền núi phía bắc 50%, Tây nguyên 70%, Tây Nam bộ 49%); cấp THPT là 58% (vùng miền núi phía bắc 52%, Tây nguyên 70%, Tây Nam bộ 45%). Số lượng thiết bị phòng học bộ môn mới chỉ đáp ứng được khoảng 68% nhu cầu giảng dạy.

Về thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin: Hiện trung bình tiểu học thì 2,1 trường mới có 1 phòng máy, tỷ lệ này ở cấp THCS là 1,3 trường, THPT là 1,9. Trong khi đó, để đáp ứng được nhu cầu giảng dạy tối thiểu, cấp tiểu học và THCS, mỗi trường cần ít nhất 1 phòng máy, cấp THPT là 2 phòng.

Về thiết bị dạy học ngoại ngữ: Hiện chủ yếu là những thiết bị cầm tay, đơn chiếc phục vụ cho việc giảng dạy của GV, các hệ thống dạy ngoại ngữ chuyên dùng còn ít. Diện tích xây dựng trung bình của thư viện cho 1 học sinh rất thấp (0,1 m2/0,6 m2 theo tiêu chuẩn thiết kế hiện hành).

Cần xây dựng bổ sung khoảng 57.084 phòng học

Theo tính toán của Bộ GD&ĐT, cần phải đầu tư xây dựng bổ sung khoảng 57.084 phòng học (Tiểu học 30.344 phòng học. THCS 20.571 phòng học, THPT 6.169 phòng học). Cùng đó, để kiên cố hóa các phòng học, đầu tư xây dựng thay thế 96.352 phòng học (tiểu học 55.035 phòng học, THCS 18.017 phòng học, THPT 3.330 phòng học).

Với các phòng học bộ môn: Cần xây dựng bổ sung khoảng 24.300 phòng còn thiếu và 10.244 phòng chưa đáp ứng quy định; cấp THPT (với quy mô quy ước 1 trường THPT 24 lớp, cần 6 phòng) cần xây dựng bổ sung khoảng 3.270 phòng còn thiếu và 3.195 phòng chưa đáp ứng quy định.

Thư viện: Cần bổ sung thêm 27.849 phòng cho thư viện (Tiểu học 15.538 phòng; THCS 9.831 phòng; THPT 2.480 phòng).

Đối với các thiết bị dạy học tối thiểu: Cần bổ sung 156.075 bộ thiết bị (theo danh mục sẽ ban hành) trong đó: Tiểu học 134.328 bộ; THCS 17.099 bộ và THPT 4.648 bộ.

Đồng thời, cần bổ sung thêm ít nhất khoảng 30.112 bộ thiết bị phòng học bộ môn (THCS là 23.613 bộ, THPT là 6.499 bộ).

Đảm bảo cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục phổ thông là trách nhiệm của các địa phương. (Ảnh: minh họa)


Trước mắt, Bộ GD&ĐT điều chỉnh Đề án Bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị trường học cho chương trình giáo dục mầm non, phổ thông phù hợp với lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đề xuất các nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và ngân sách địa phương để thực hiện Đề án; hướng dẫn các địa phương triển khai Đề án sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Rà soát, điều chỉnh các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường, lớp học phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới và điều kiện thực tế của các địa phương: Tiêu chuẩn thiết kế xây dựng trường học, Điều lệ trường học, các quy định về công nhận trường chuẩn quốc gia,...

Xây dựng, ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu theo chương trình giáo dục phổ thông mới đối với từng cấp học, môn học và rà soát, xây dựng kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất trường học giai đoạn 2021 - 2025.

Đối với các địa phương, tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh thực hiện các nội dung trong Công văn số 1428/BGDĐT-CSVCTBTH của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 07/4/2017 về việc tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động kiểm tra, rà soát thực trạng CSVC, TBDH để phân loại theo 3 nhóm: Còn sử dụng được; hư hỏng nhưng có thể cải tạo, sửa chữa được; hư hỏng nhưng không thể cải tạo, sửa chữa được.

Trên cơ sở đó tổ chức cải tạo, sửa chữa và tự làm thiết bị dạy học; thống kê, sắp xếp, quản lý và đưa vào khai thác sử dụng thiết bị dạy học phục vụ dạy học theo chương trình hiện hành một cách hiệu quả; xây dựng kế hoạch đầu tư, mua sắm bổ sung (có chọn lọc) phù hợp với lộ trình triển khai áp dụng CT giáo dục phổ thông mới.

Đảm bảo cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục phổ thông là trách nhiệm của các địa phương.

Trong giai đoạn tới, nguồn vốn trung ương hỗ trợ sẽ ưu tiên các tỉnh, các vùng kinh tế phát triển chậm, có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, các tỉnh thuộc các vùng trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long,.

Đặc biệt các địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, các địa phương cần chủ động huy động nhiều nguồn từ ngân sách địa phương, kêu gọi xã hội hóa và các nguồn tài trợ để góp phần từng bước giải quyết các nhu cầu về đầu tư cơ sở vật chất các trường học.

Trong quá trình đầu tư, mua sắm CSVC, TBDH cần tổ chức một cách khoa học, tiết kiệm, hiệu quả; đảm bảo nguyên tắc “Chỉ đầu tư, mua sắm những thứ chương trình yêu cầu; người trực tiếp sử dụng phải thực sự tham gia vào quá trình đề xuất đầu tư và tổ chức mua sắm; đặc biệt chú trọng công tác kiểm định, nghiệm thu sản phẩm trong quá trình đầu tư, mua sắm”.

Tác giả: Mỹ Hà

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP