Trong nước

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Tôi phản đối và kiên quyết chống tiêu cực"

Trong ngày 26-10, Quốc hội (QH) lắng nghe phần giải trình của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ - vị tư lệnh ngành nhận phiếu "tín nhiệm thấp" nhiều nhất trong số 48 lãnh đạo chủ chốt được lấy phiếu tín nhiệm - trước nhiều ý kiến góp ý của đại biểu (ĐB) QH.

Nhắc lại vụ gian lận nghiêm trọng xảy ra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT hay việc phát hành sách giáo khoa (SGK), ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) bày tỏ băn khoăn khi vẫn chưa thấy rõ "ai phải chịu trách nhiệm". "Lỗi khách quan hay do quy trình? Chỉ tìm ra người chịu trách nhiệm chính của sai phạm, xử lý nghiêm thì sai phạm đó mới không tái phạm" - ông Hiếu nói. Còn theo ĐB Nguyễn Hữu Cầu, cử tri tỏ ra thất vọng với đổi mới thi cử. Theo ông, kỳ thi "2 trong 1" còn quá nhiều lỗ hổng, khó thành công.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội về gian lận thi cử, phát hành sách giáo khoa Ảnh: HOÀI DƯƠNG

Giải trình, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng ngành giáo dục thực hiện chủ trương của Nghị quyết Trung ương 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo hướng giảm áp lực, ít tốn kém cho xã hội. Theo đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 44 nhằm tiến tới một kỳ thi đáp ứng được các nhiệm vụ. "Đây là kỳ thi chúng tôi cân nhắc rất nhiều. Trước hết, chúng tôi nhận thức rằng công tác chuẩn bị câu hỏi chuẩn hóa và đề thi là vô cùng quan trọng và đã rất cố gắng. Từng năm đều có cải thiện, nâng cao và sẽ tốt hơn" - Bộ trưởng Nhạ nói.

Về việc gian lận thi cử vừa qua, ông Nhạ giãi bày: "Kỳ thi nào cũng vi phạm, vấn đề là khắc phục đến mức tối đa. Tinh thần sai là xử và xử nghiêm theo đúng quy chế. Cá nhân là bộ trưởng, tôi phản đối và kiên quyết chống tiêu cực". Về việc dư luận cho rằng nên dừng kỳ thi THPT "2 trong 1", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói Bộ Giáo dục và Đào tạo kiên định mục tiêu đổi mới. Bộ đã xin ý kiến Thủ tướng được tiếp tục ổn định kỳ thi với những khắc phục cần thiết.

Về vấn đề SGK, Bộ trưởng Nhạ nhắc lại Nghị quyết 40 QH khóa 10 năm 2000 có quan điểm đổi mới SGK với tinh thần có một bộ SGK được sử dụng trong cả nước. Tuy nhiên, điểm bất cập là rất nhiều thầy cô dựa vào SGK và phụ thuộc SGK, dẫn đến cứng nhắc, rập khuôn máy móc; chưa khai thác được trí tuệ của các ngành, tầng lớp. Do vậy, QH thống nhất khi đổi mới chương trình sẽ làm theo hướng một chương trình và một số bộ SGK để khắc phục điểm này.

"Thời gian tới, khi ban hành chương trình mới thì bộ sẽ chỉ đạo khắc phục các hạn chế, làm sao sai sót, bất cập phải ở mức thấp nhất, đặc biệt là khâu thiết kế" - ông Nhạ khẳng định.

Tác giả: THÙY DƯƠNG

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP