Giáo dục

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Không yêu cầu tỉ lệ học sinh lên lớp để “áp” thi đua cho giáo viên

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, sắp tới Bộ sẽ rà soát toàn bộ hoạt động của giáo viên, cái gì không phù hợp thì cắt giảm, kiên quyết không đưa tỉ lệ học sinh lên lớp để “áp” thi đua cho giáo viên.

Trong bối cảnh nhiều vụ bạo hành học đường xảy ra vừa qua một phần do áp lực dạy học của giáo viên, ngày 14/12, Bộ GD&ĐT phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức tọa đàm “Áp lực của giáo viên: Nguyên nhân và giải pháp”.

Không vin vào áp lực để đi ngược chuẩn mực nhà giáo

Tại Hội thảo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lắng nghe ý kiến của các đại biểu liên quan đến áp lực giáo viên. Ông cho hay, ngành giáo dục có nhiều việc phải làm và có kết quả. Tuy nhiên, nhiều việc yếu kém cần nhìn nhận, xây dựng để giải quyết vấn đề.

“Ai cũng biết giáo dục phải ổn định nhưng theo Nghị quyết 29- NQ/TW-2013, thay đổi thế nào để không sốc và tạo động lực giáo viên? Khi thực sự xem đổi mới là nhiệm vụ của mình, giáo viên sẽ tìm thấy cơ hội và thành công”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Theo người đứng đầu ngành giáo dục, gần đây, dư luận bàn luận nhiều về áp lực giáo viên, ông cũng rất trăn trở về việc này. Phần lớn thầy cô đều tâm huyết, yêu nghề nhưng trước tiên họ phải có công việc, thu nhập ổn định. Đó là một nhu cầu lớn.

Bộ trưởng đánh giá vị thế của thầy cô trong nghề rất cao quý nhưng cũng chính vì thế đôi khi lại tạo ra áp lực và cần sự chủ động trong cách tìm ra nguyên nhân, giải pháp.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại tọa đàm.

Áp lực của giáo viên rất rộng, từ cơ chế chính sách, thu nhập, phụ cấp, đến môi trường xã hội, gia đình và học sinh. Thực tế cho thấy nhiều phụ huynh hiện nay chỉ có 1-2 con, rất đầu tư, chăm sóc, thậm chí có những người chiều con quá.

“Giáo viên chịu áp lực nhưng không phải vì thế mà vin vào áp lực để đi ngược chuẩn đạo đức. Cũng không phải vì trường hợp cá biệt mà khái quát lên khiến thầy cô lo lắng. Trách nhiệm của chúng ta là làm cho thầy cô yên tâm, còn làm sai ở đâu sẽ sửa. Nếu không sửa, giáo viên sẽ được đưa ra khỏi ngành. Thầy cô làm tốt, chúng ta phải động viên, bảo vệ”, ông Nhạ phát biểu.

Sẽ cắt giảm nhiều hoạt động để giáo viên đỡ áp lực

Theo người đứng đầu ngành giáo dục, trường sư phạm phải đào tạo giáo sinh phù hợp, có tri thức, kiên nhẫn, yêu nghề. Phần dạy chữ có thể yên tâm nhưng dạy người, rèn luyện giáo sinh phải được chú trọng, phát huy phẩm chất nhà giáo. Khi ra trường, họ sẽ trở thành giáo viên tự ứng xử được các vấn đề, chủ động giảm áp lực cho chính mình.

“Tôi quan tâm đến một số vấn đề, trước hết chính sách tuyển sinh vào các trường sư phạm có phù hợp không. Trong quá trình đào tạo, chương trình đào tạo bồi dưỡng, phần dạy chữ có thể yên tâm nhưng phần dạy người, đặc biệt rèn giáo sinh phát huy phẩm chất nhà giáo, để khi ra trường với phẩm chất, kỹ năng ấy, các em có thể tự ứng xử được nhiều vấn đề của nhà trường, từ đấy chủ động giảm áp lực”, bộ trưởng khẳng định.

Nhìn nhận về một số câu chuyện không hay trong giáo dục vừa xảy ra gần đây, nguyên nhân một phần do áp lực thi đua, Bộ trưởng cho rằng, nhiều thầy cô hiểu sâu sắc về khoa học giáo dục, tâm lý, có kỹ năng xử lý tình huống, sẽ chủ động hơn, ít áp lực hơn.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT

Rất nhiều quy định cần rà soát lại, những gì không phù hợp, gây áp lực cho giáo viên sẽ cắt bỏ.

Ngược lại những thầy cô chưa được trang bị, không phù hợp với nghề. Thậm chí có những cơ sở đào tạo ngắn, chỉ có chứng chỉ là ra làm giáo viên mà rèn luyện phẩm chất, kỹ năng là một quá trình.

Những yếu tố trong nhà trường để hình thành nên một cô thầy trong tương lai ảnh hưởng rất lớn đến năng lực xử lý tình huống và giảm áp lực cho giáo viên.

Do đó, ông bày tỏ, muốn nghe kỹ về khía cạnh này, trước khi nghe những khía cạnh khác như áp lực từ phụ huynh, một số học sinh không nghe lời thầy cô, môi trường xã hội nhiều tiêu cực, truyền thông…

Để các thầy cô có một môi trường yên tâm trong giảng dạy và tiếp tục phấn đấu đóng góp cho ngành, tới đây, ngành giáo dục triển khai nhiều hoạt động bổi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại, thực hiện các chuẩn, đặc biệt là thực hiện dân chủ trong nhà trường.

Rất nhiều quy định cần rà soát lại, những gì không phù hợp, gây áp lực cho giáo viên sẽ cắt bỏ. Thậm chí thi giáo viên giỏi cũng phải thực chất. Việc cắt giảm này không phải cắt một cách cơ học mà những gì không phù hợp thì bỏ.

“Trước đó, Bộ đã chỉ đạo cắt giảm nhiều cuộc thi nhưng tới đây, cả việc làm sổ sách đánh giá cũng phải giảm bớt, đặc biệt kiên quyết không đưa tiêu chí 100% học sinh phải lên lớp để “áp” thi đua cho giáo viên, như thế là không đúng với tinh thần giáo dục.

Điều này, yêu cầu các Sở GD&ĐT phải triển khai mạnh hơn nữa”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo.

Tác giả: Mỹ Hà

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP