Kinh tế

Bộ trưởng Công Thương: Nếu cứ đào tạo theo cách cũ, nguy cơ tụt hậu và đào thải rất cao

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, nếu các cơ sở đào tạo vẫn sử dụng phương pháp cũ, thiếu tính tương tác, thiếu thực tiễn sẽ dẫn đến nguy cơ tụt hậu và đào thải rất cao trong cuộc cách mạng 4.0…

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng phương thức đào tạo hiện vẫn theo kiểu cũ, lối mòn, thiếu sự gắn kết với thực tiễn...

Ai cũng nói tới cách mạng 4.0, vậy nó là gì?

Một vài năm trở lại đây, báo chí truyền thông liên tục đưa tin về các cuộc họp, hội thảo, hội nghị về cách mạng 4.0. Các chuyên gia đều khẳng định, cuộc cách mạng này đã, đang và sẽ tác động mạnh mẽ tới tất cả các ngành nghề.

Tại hội nghị "Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ cách mạng 4.0" do Đại học Công nghiệp tổ chức ngày 26/2, ông Phan Xuân Dũng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nói: Ở đâu giờ cũng nhắc tới cụm từ cách mạng 4.0.

"Ai ai cũng nói tới, cũng nhắc tới nhưng hỏi cách mạng công nghiệp 4.0 là gì, vì sao lại gọi là cuộc cách mạng?", ông Dũng đặt vấn đề.

Theo ông Dũng, các cuộc cách mạng từ trước tới nay đều tạo ra nhiều việc làm hơn. Lập luận khoa học kỹ thuật phát triển làm mất công ăn việc làm chỉ là tạm thời, thay vào đó cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra nhiều loại hình việc làm mới.

"Chúng ta phải đủ mạnh dạn để xóa bỏ tư duy của cũ, dám chấp nhận những khái niệm mới, tư duy mới, có khi trái ngược với những gì ta đang quan niệm. Cùng với đó, đổi mới tư duy và phương thức quản lý phải dựa trên nền tảng công nghệ cao, có hệ thống tri thức, lý luận mới và tinh thần sáng tạo tương ứng", ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

Ông Dũng đánh giá, Việt Nam nói nhiều về cách mạng 4.0, điều này là dễ hiểu vì không ai muốn mình tụt hậu, thua kém hơn người khác. Trên thế giới cũng vậy, không có nước nào muốn mình thua trong cuộc cách mạng 4.0.

Có bài tham luận hơn 20 phút tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel cho rằng, từ tổng quát nhất để mô tả cuộc cách mạng 4.0 đó là từ "làm ngược".

"Làm ngược lại những gì chúng ta đang làm, suy nghĩ ngược những gì chúng ta đang nghĩ. Cuộc cách mạng này mở ra cơ hội để làm ngược, là cơ hội cho sự đột phá cho người đi sau", ông Hùng nói.

CEO Viettel cho rằng cơ hội trong cuộc cách mạng này không chỉ đến với những "đại gia" giàu có, sẵn tiềm lực. Thay vào đó, nó là cơ hội cho những người, những quốc gia "nghèo khó", không có gì.

Không để bị bỏ lại phía sau

Đề cập đến việc đào tạo nguồn nhân lực - khâu quyết định trong cuộc cách mạng 4.0, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng phải thẳng thắn nhìn nhận còn có những cơ sở đào tạo trong hệ thống các trường của Bộ Công Thương, đội ngũ giảng viên còn mỏng và yếu, cơ sở vật chất chưa đáp ứng với yêu cầu đào tạo.

Trong khi đó, phương thức đào tạo vẫn theo kiểu cũ, lối mòn, thiếu sự gắn kết với thực tiễn dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo chưa đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của xã hội trong xu thế phát triển vũ bão và tác động mạnh mẽ, sâu rộng tới mọi mặt đời sống xã hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Do đó theo Bộ trưởng, trong giai đoạn hiện nay cũng như định hướng phát triển trong giai đoạn tới, việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cần được xem xét, đánh giá toàn diện với nhiều yêu cầu và thách thức mới đặt ra cho các cơ sở đào tạo.

Trong đó lưu ý đến quá trình chuyển đổi mạnh mẽ và toàn diện mô hình tăng trưởng từ chiều rộng, chủ yếu dựa vào việc gia tăng đầu tư, khai thác lợi thế về tài nguyên, nhân công giá rẻ sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu.

"Điều này tạo sức ép rất lới đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải có sự chuyển đổi phù hợp nếu như không muốn bị bỏ lại phía sau", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết, có thể thấy, tâm điểm của cuộc Cách mạng này chính là việc hình thành các nhà máy thông minh, nhà máy số - nơi mà các máy móc sẽ được kết nối, tự động ra quyết định.

"Trong các nhà máy đó, chúng ta sẽ không còn thấy các công nhân lao động với các thao tác đơn giản trên các dây chuyền sản xuất gia công, lắp ráp mà thay vào đó là các robot tiên tiến và máy móc điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo. Con người lúc này sẽ chỉ tham gia vào việc giám sát, điều hành hệ thống sản xuất và các hoạt động đòi hỏi các kỹ năng và kiến thức mà máy móc không thể thay thế được", Bộ trưởng nói.

Do vậy rõ ràng, bài toán về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hiện nay đã có thêm những tiêu chí, điều kiện ràng buộc mới, hết sức khó khăn đòi hỏi sự đổi mới toàn diện trong công tác đào tạo.

Nếu các cơ sở đào tạo không thể vẫn sử dụng phương pháp cũ, thiếu tính tương tác, thiếu thực tiễn của mô hình sản xuất mới thì sẽ dẫn đến nguy cơ tụt hậu và đào thải rất cao, Bộ trưởng lưu ý.

Tác giả: Nguyễn Khánh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP