Trong nước

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Công chức giỏi mà “đánh võng” cũng phải… thay!

Từ chuyện Chủ tịch tỉnh, lãnh đạo bệnh viện lớn “phớt” lệnh Thủ tướng, chuyện “phát súng bắn chỉ thiên” tới chuyện xử lý mối quan hệ nhạy cảm “cùng là Bộ trưởng, sao anh kiểm tra, phê bình tôi?”... đều là những nhiệm vụ phải thực thi của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - người phát ngôn Chính phủ, Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng. Khép lại năm 2017 cũng là gần nửa nhiệm kỳ trên “ghế nóng” đã trôi qua, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dành cho PV báo Khuyến học & Dân trí cuộc trò chuyện thẳng thắn, cởi mở về những... chuyện thường ngày như thế tại Văn phòng Chính phủ.

Chuyện Chủ tịch tỉnh “phớt” lệnh Thủ tướng

Người phát ngôn Chính phủ được xem là “người truyền lửa” từ Thủ tướng để làm nóng bầu không khí chung nhưng độ “lạnh” ở nhiều nơi hiện vẫn khiến không ít người ái ngại. Có khi nào Bộ trưởng cảm thấy “đuối hơi”, giảm nhiệt trước những vùng “lạnh sâu” như vậy?

Thông điệp nhất quán của Thủ tướng từ khi bắt đầu nhiệm kỳ Chính phủ mới là xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng rất quan tâm, đã giao cho Bộ, ngành, địa phương đi vào từng vấn đề, yêu cầu cụ thể với việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Khi ban hành quy chế làm việc, Chính phủ cũng hết sức tạo điều kiện thuận lợi, đặc biệt quan tâm việc phân cấp và đề cao trách nhiệm người đứng đầu, đặc biệt rất coi trọng vai trò của các Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.

Về chuyện “trên nóng dưới lạnh”, “trên chuyển dưới không chuyển”, tôi muốn nói một điều, việc quan trọng nhất ở mỗi cơ quan là phải có sự chuyển động từ chính đơn vị tham mưu trực tiếp tại đó. Nếu có tác động tốt sẽ tạo được động lực, mang lại sức lan tỏa và ảnh hưởng cho cả bộ máy.

Nói về việc trên chuyển, dưới không chuyển, Bộ trưởng đánh giá thế nào về những hiện tượng không phải là cá biệt như việc Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu bị lãnh đạo Chính phủ phê bình vì 3 lần “phớt” lệnh của Thủ tướng hay chuyện “lơ” chỉ đạo huỷ gói thầu thiết bị y tế vi phạm luật tại 1 bệnh viện ở TPHCM?

Việc đáng nói ở đây là trách nhiệm của người đứng đầu khi có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ mà không thực hiện. Việc đấu thầu thiết bị y tế của bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, dù Bộ Y tế có ý kiến, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo mà đơn vị vẫn không dừng lại, thậm chí vẫn cho các đơn vị trúng thầu tiếp tục lắp đặt thiết bị. Đó rõ ràng là thực hiện không nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng. Thủ tướng đang tiếp tục giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với TPHCM để kiểm tra, báo cáo lại kết quả.

Còn việc liên quan đến Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu, từ khiếu nại của doanh nghiệp, dù có thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng rồi nhưng vẫn không tổ chức đối thoại, không tham gia giải quyết trực tiếp vấn đề, để doanh nghiệp phải ý kiến đi ý kiến lại. Như vậy là không đúng tinh thần phục vụ mà Thủ tướng đã quán triệt.

Ở Trung ương, Văn phòng Chính phủ “nắm” kênh đối thoại Chính phủ với doanh nghiệp, khi doanh nghiệp có ý kiến, chúng tôi phải báo cáo Thủ tướng và sẽ chủ trì, mời doanh nghiệp cùng các cơ quan tới trao đổi, đối thoại mới có thể giải quyết các vấn đề một cách hợp tình hợp lý. Sự việc ở địa phương như vậy, trách nhiệm trước hết của người đứng đầu.

Văn phòng Chính phủ 9 -10 giờ đêm điện vẫn sáng

Thủ tướng từng phát biểu: “Chính phủ kiến tạo là thay ngay những cán bộ… giao mãi không chịu làm”. Bộ trưởng cũng từng nói: “Thay người là nhanh nhất, thay người là văn bản nhanh ngay”. Vậy thực tế, đã có trường hợp nào Bộ trưởng nghĩ tới biện pháp “thay người” trong thời gian qua?

Thực tế hiện nay chế tài xử lý những việc như vậy còn thiếu. Tôi thấy từ việc doanh nghiệp Nhà nước chậm thoái vốn hay địa phương, đơn vị để xảy ra mất đoàn kết, để các nhiệm vụ quá hạn thực hiện… đều là do người đứng đầu.

Văn bản chậm, hiệu quả công tác kém thì có hai khả năng trong công tác điều hành, một là công chức trong bộ máy kém, hai là có người giỏi nhưng lại để anh ta “đánh võng”, đảo đi đảo lại. Vì vậy, nếu có chỉnh đốn, nhắc nhở mà anh em vẫn không làm được thì bắt buộc phải điều chuyển. Ví dụ, với trường hợp thấy công việc “quá sức”, có thể giảm bớt nhiệm vụ cho đầu mối đó nhưng giảm rồi vẫn không làm được thì phải chuyển làm việc khác. Còn cán bộ tham gia dự án mà có tư tưởng “đánh võng” thì nhất quyết không cho tiếp xúc với dự án nữa.

Ngay tại Văn phòng Chính phủ, vừa qua tôi cũng sắp xếp, điều chuyển một số cán bộ. Văn phòng Chính phủ làm mẫu luôn việc đó, cán bộ, công chức nếu không đáp ứng được công việc sẽ phải điều chuyển. Và chúng tôi làm trên tinh thần rất công tâm, sau khi kiểm tra, đánh giá cán bộ xong thì họp lãnh đạo Văn phòng và quyết định, công khai quyết định luôn.

Biện pháp mạnh tay như vậy mang lại hiệu quả ngay chứ, thưa Bộ trưởng?

Thủ tướng đã nói xây dựng Chính phủ kiến tạo, nếu Văn phòng chúng tôi không chuyển, không đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng thì không còn là cơ quan tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ được mà không cẩn thận còn thành rào cản thì không được. Ở đây mà còn không chuyển động, không gương mẫu thì không ổn.

Vậy nên quyết liệt trong đánh giá công chức, công việc thì Văn phòng Chính phủ cũng thúc đẩy mạnh mẽ việc áp dụng công cụ thông tin để minh bạch hoá mọi việc. Đã thao tác, làm việc với cả hệ thống thì không ai giấu diếm gì được vì làm bất cứ việc gì đều có dấu vết lưu lại.

Điều đó có nghĩa là đánh giá cán bộ cũng phải căn cứ trên thông tin xác đáng, công tâm. Đến lúc này, cán bộ Văn phòng Chính phủ đều làm việc rất tự giác, cán bộ tự gắn trách nhiệm với công việc, không cần đôn đốc, quẹt thẻ… các phòng, ban 9-10h đêm điện vẫn sáng, ngày nghỉ hầu như các vụ vẫn làm việc.

“Đã bắn đúng chỗ, đi đúng hướng”

Đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, tồn tại trong công tác điều hành của cơ quan hành chính lâu nay là “bắn chỉ thiên quá nhiều, không trúng vào ai cả”. Tổ Công tác của Thủ tướng được thành lập với đặt hàng là “bắn trúng địa chỉ”. Hơn 1 năm đảm nhiệm vị trí Tổ trưởng Tổ Công tác, Bộ trưởng đã giúp lãnh đạo Chính phủ “bắn trúng” những điểm cốt yếu?

Việc đó, tôi cho là đã đạt được mong đợi ban đầu của Thủ tướng. Có thể nói, việc kiểm tra chúng tôi thực hiện không phải cưỡi ngựa xem hoa mà đã triển khai có mục tiêu, theo từng thời kỳ cụ thể.

Đầu nhiệm kỳ, khi Chính phủ mới thành lập, việc đầu tiên, quan trọng nhất là phải rà soát và hoàn thiện toàn bộ thể chế. Trước đây, tình trạng nợ đọng văn bản dưới luật nhiều, giờ đã “cắt” được nợ thì Tổ công tác lại tập trung kiểm tra để yêu cầu các Bộ thực hiện những quy định, thể chế đã ban hành.

Vào giữa năm 2017, khi Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt giữ chỉ tiêu tăng trưởng, Tổ công tác giúp Thủ tướng đi thực tế, xuống các Tập đoàn, địa phương để thấy những điểm khó khăn cần tháo gỡ, đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đến tháng 8, khi Thủ tướng đưa ra Nghị quyết 75 và 115 của Chính phủ về cắt giảm chi phí chính thức và phi chính thức cho doanh nghiệp, cắt bỏ rào cản trong kiểm tra chuyên ngành và các điều kiện liên quan, Tổ công tác đã đi thực tế xuống hải quan Hải Phòng, hải quan khu vực 3 của TPHCM, kiểm tra tại các Bộ ngành có liên quan đến thủ tục kiểm tra chuyên ngành… Trong 41 lần kiểm tra các Bộ ngành, địa phương, chúng tôi đã dành ra 9 cuộc để kiểm tra chuyên ngành… Qua kiểm tra chuyên ngành có thể nói đã bắn đúng chỗ, đi đúng đường.

Bộ trưởng hài lòng với kết quả của những lần “nổ súng” đó?

Có thể nói, hoạt động của Tổ công tác, ban đầu đã đạt kỳ vọng. Tất nhiên chúng tôi cũng mong muốn làm được nhiều việc hơn nhưng thời gian cũng chỉ mới có hơn 1 năm thôi (cười)…

Vậy sức ép lớn từ các Bộ, ngành trong thời gian đầu hoạt động của Tổ Công tác như chuyện các Bộ ý kiến: “Anh cũng là Bộ trưởng, tôi cũng là Bộ trưởng, sao anh kiểm tra, phê bình tôi?” đến nay có còn?

Khi Tổ Công tác thực hiện cuộc kiểm tra đầu tiên tại Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính, đúng là có câu chuyện: “Anh cũng là Bộ trưởng, tôi cũng là Bộ trưởng, tại sao anh kiểm tra, phê bình tôi?”. Đây là chuyện Tổ công tác chúng tôi suy nghĩ nhiều và cũng lường trước được. Vậy nên khi đó tôi đã nói rõ, kiểm tra là nhiệm vụ Thủ tướng giao. Chúng tôi không có thẩm quyền phê bình Bộ trưởng (người đồng cấp - PV) mà chúng tôi chỉ chuyển tải thông điệp, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tới Bộ trưởng đó, như vấn đề nào Thủ tướng khen ngợi, vấn đề nào lãnh đạo nhắc nhở, phê bình.

Nhưng đây đúng là việc rất nhạy cảm, rất va chạm. Chúng tôi phải thể hiện được là làm việc không mang tính bới móc, soi mói mà để cùng hỗ trợ nhau để tìm ra lý do nhiệm vụ chưa thể hoàn thành, cùng nhau phối hợp để công việc “trôi” được. Chúng tôi cũng sẵn sàng nhận lỗi nếu Văn phòng Chính phủ tham mưu Thủ tướng giao những nhiệm vụ không trúng, không sát, không khả thi…

Vì thế, ban đầu thì có “vấp váp” như vậy nhưng sau một thời gian ngắn thì các Bộ trưởng khác đều thoải mái, thậm chí mong mỏi Tổ công tác về làm việc để giúp thêm cho Bộ.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Tác giả: P.Thảo

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP