Giáo dục

Bao giờ căn bệnh trầm kha mang tên "thành tích" bị đẩy lùi trong giáo dục?

Hành động của cô Thủy bắt học sinh tát bạn 231 cái đã tạo nên làn sóng bất bình trong công luận những ngày qua. Dư luận đặt ra câu hỏi đến bao giờ người đứng đầu ngành giáo dục có giải pháp để ngăn chặn bệnh thành tích trong giáo dục?.. Và đến bao giờ thì các trường mới không vì những thành tích mà chạy đua theo thành tích,thói háo danh tạo áp lực nặng nề lên các giáo viên và các em học sinh?

Dư luận đặt ra câu hỏi đến bao giờ người đứng đầu ngành giáo dục có giải pháp để ngăn chặn bệnh thành tích trong giáo dục? Ảnh minh họa.

Căn bệnh trầm kha chưa có thuốc giải

Chúng ta không bao che, lấp liếm, hay vỗ tay tán dương những sai lầm của học sinh. Nhưng cái cách xử lý của cô với 231 cái tát là không thể chấp nhận được, không phù hợp với môi trường sư phạm. Bởi nếu với cái cách xử lý “chợ búa”, ăn miếng trả miếng như thế này thì em học sinh kia hàng ngày đến trường nghe những lời cô giáo giảng dường như đã không còn tác dụng.

Cô chủ nhiệm dùng hình phạt học sinh tát học sinh vì áp lực thành tích, cô hiệu trưởng mong báo chí đừng đưa tin vì "công sức của trường sẽ đổ sông đổ biển". Thậm chí, cô hiệu trưởng chia sẻ rằng, chỉ còn ít ngày nữa ngôi trường này sẽ đón nhận một danh hiệu quan trọng mà bao lâu nay cả cô và trò đã cố gắng phấn đấu. Vì vậy nhà trường không muốn câu chuyện về 231 cái tát "rùm beng" làm ảnh hưởng đến thành tích toàn trường.

Người ta sẵn sàng muốn cho qua, muốn quên đi thật nhanh sự thật về một cô giáo ra lệnh tát hàng trăm cái tát vào mặt học sinh mắc lỗi mà như không phải chuyện lớn. Người ta sẵn muốn quên đi có một em học sinh mới bước vào cấp 2 phải nhập viện vì lãnh 231 cái tát đau đớn trên má và cả đau đớn trong tâm hồn?

Sự việc này càng thấy rõ hơn chuyện áp lực thi đua, thành tích đã “ngấm” vào máu của nhiều lãnh đạo, giáo viên của một số nhà trường khiến cho bức tranh giáo dục có thêm nhiều khoảng tối. Dù trải qua thời gian dài với bao nhiêu nhiệm kỳ của các Bộ trưởng vẫn không chuyển biến gì khiến người dân mất niềm tin khi nhìn vào những thực trạng nhức nhối liên tục “bục phát” trong ngành thời gian qua.

Bấy lâu nay người ta nói nhiều đến việc đổi mới giáo dục, giảm áp lực thi cử, “đấu tranh chống bệnh thành tích” nhưng trong các trường học, mọi thứ dường như vẫn dừng lại ở lời nói, lới hứa, nói thẳng ra là vẫn là lý thuyết suông chứ hiệu quả thực tế dường như chưa có.

Thành tích ảo ngành nào cũng có, nhưng phải nói trầm kha nhất là ngành giáo dục. Thầy cô "chịu trận" và cuối cùng là học sinh chịu bất hạnh cho chuỗi hành động triền miên thi đua lập "thành tích ảo".

Câu khẩu hiệu “Thi đua lập thành tích” tràn lan trong các báo cáo tổng kết của nhiều ngôi trường - một thứ tưởng chừng làm cho con người có động lực làm điều tốt đẹp cho xã hội đang dần “biến tướng” thành một thứ giả dối lan tràn trong trường học. Sức ép thành tích từ cá nhân hay tập thể đang biến thầy cô phải vũng vầy trong môi trường giáo dục vốn đang quá nhiều áp lực.

Tại sao, cứ đầu năm, chúng ta lại cứ đưa ra năm nay tập thể này phải tiến tiến, toàn học sinh giỏi, trường phải đạt chuẩn quốc gia,… rồi cuối cùng để làm gì? Có ai tự đặt câu hỏi là khi có danh hiệu xong cả học sinh và cô giáo có mang tới tầm vóc cao hơn?

Sức ép thành tích, háo danh, đã đẩy những người có trách nhiệm phải cố gắng đạt chỉ tiêu đề ra và không đạt thì họ bị trừ lương, hạ hạnh kiểm, không được nhiều quyền lợi như người đạt chỉ tiêu.

Và chính họ cũng biến mình thành nạn nhân của câu chuyện đó, tự biến mình thành “tâm điểm chỉ trích” như cô giáo Thủy kể trên. Nhiều ý kiến cho rằng, giá như... nhà trường không đặt ra những sức ép cho cô giáo về trường chuẩn, trừ điểm thi đua, thì chắc cô Thủy sẽ không hành động nóng vội như vậy.

Bởi lẽ, không biết từ bao giờ, người ta thường nhìn vào tỉ lệ học sinh giỏi, học sinh đạt giải trong các phong trào học tập, các cuộc thi đua... để khẳng định “đẳng cấp” từng trường. Không ít thầy cô phải đau đầu vì “cân đối” điểm cho học sinh, nếu đánh giá đúng năng lực học trò bằng điểm số thực mà quá thấp sẽ bị Ban giám hiệu phê bình, hoặc không đạt chỉ tiêu đăng ký hồi đầu năm học sẽ khiển trách.

Hẳn nhiều người còn nhớ, tại phiên đăng đàn và trả lời chất vấn đại biểu quốc hội của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ, vấn đề điểm số và bệnh thành tích được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho biết, giấy khen hiện nay ở các nhà trường đang dần mất giá trị, bởi vì điểm số hiện nay cho quá dễ, kéo theo đó là số lượng học sinh khá, giỏi quá nhiều.

Không chỉ ở các thành phố lớn, tỷ lệ học sinh giỏi gần chạm tới con số tối đa mà ngay cả các trường THPT miền núi, tỷ lệ học sinh giỏi năm học 2017 - 2018 cũng rơi vào khoảng 55-70%. Điều này cho thấy, bệnh thành tích trong giáo dục dường như đang ngày càng lan rộng.

Trên bình diện cả nước, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong năm 2017, ở cấp tiểu học, mức độ hoàn thành và phát triển phẩm chất đạt 100%; mức độ hoàn thành và phát triển năng lực đạt 99,9%.

Điểm kiểm tra cuối năm các môn học tỷ lệ học sinh có điểm trung bình trở xuống chỉ chiếm chưa đầy 1% ở tất cả các môn, còn lại đều trên trung bình. Ở bậc trung học, cả nước có tới vài triệu học sinh khá giỏi và tỷ lệ này tăng dần đều theo các năm...

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, 2 năm học gần đây, số lượng học sinh tiểu học đạt điểm 10 môn toán ở mỗi khối đều trên 35.000; môn tiếng Việt đều trên 20.000; cấp trung học (gồm THCS và THPT) có tới hàng trăm nghìn học sinh giỏi...

Theo các chuyên gia, một nền giáo dục kiểu rập khuôn, “đồng phục” như vậy sẽ gây hậu quả vô cùng lớn, tiêu diệt tư duy, tính độc lập suy nghĩ, tinh thần phản kháng và đấu tranh, "mũ ni che tai" trước mọi sự việc. Đó mới chính là những "cái tát" đau đớn cho ngành giáo dục.

Thuốc nào chữa "bệnh thành tích" trong giáo dục?

Không ít người nhận định 231 cái tát, không chỉ là tát em học sinh ớp 6 trường Duy Ninh, mà chính là cái tát vào những triết lý giáo dục đang được nhiều nhà nghiên cứu đề xuất, tát vào tự do và phẩm giá của học sinh, tát vào tư duy phản biện, tinh thần tự chủ của học sinh.

Vì vậy, đừng vì thi đua, thành tích mà làm hoen ố hình ảnh nhà giáo trong mắt mọi người. Và dư luận đặt ra câu hỏi đến bao giờ ngành giáo dục có giải pháp để ngăn chặn bệnh thành tích trong giáo dục? Đến bao giờ các trường không vì thứ thành tích không có giá trị thực tiễn để không tạo áp lực lên các giáo viên và các em học sinh không phải gánh chịu hậu quả của căn bệnh trầm kha này?

Phải thay đổi giáo dục, không còn con đường nào khác. Ngành giáo dục đang tồn tại những vấn nạn như những căn bệnh ung thư, không có thuốc đặc trị. Từ chạy trường, chạy lớp, lạm thu, thành tích, thi đua, dạy thêm, học thêm, bạo lực học đường...

Vì lẽ đó, giáo dục sẽ không thể tạo ra những sản phẩm tinh túy, không thể tạo ra những thế hệ trí tuệ, bản lĩnh và đạo đức. Giáo dục chỉ đang tạo ra một thế hệ “gà công nghiệp”, thế hệ giả dối ăn theo căn bệnh thành tích, thi đua...

Để chống được căn bệnh gian dối, thành tích ảo, thiết nghĩ đi tiên phong không ai khác chính là đội ngũ giáo viên. Cụ thể, giáo viên cần công tâm, chuyên nghiệp, bản lĩnh, kiên quyết phản biện, đấu tranh trước những chỉ tiêu, tỉ lệ “trên trời” của cấp trên đưa ra.

Những cuộc họp đầu năm học, khi bàn thảo về chỉ tiêu thi đua, các tổ, khối, giáo viên cần có tiếng nói xây dựng nghiêm túc. Chỉ tiêu thi đua phải được xây dựng, cân nhắc trên cơ sở thực tế, đặc thù từng môn, từng lớp, từng trường. Chỉ khi giáo viên đi tiên phong, kiên quyết chống bệnh gian dối, thành tích ảo thì môi trường giáo dục mới sáng sủa lên được.

Một khi căn bệnh thành tích vẫn còn "ngự trị" trong ngành giáo dục vẫn còn thì dù nói nhiều, hô hào chấn chỉnh nhiều nhưng xem ra vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện được bao nhiêu. Trách nhiệm đó, nhân dân vẫn đang chờ giải pháp thiết thực của người đứng đầu ngành giáo dục.

Tác giả: Minh Châu

Nguồn tin: Báo Công Luận

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP