Trong nước

7 ca tử vong vì tay chân miệng, Bộ Y tế họp khẩn các tỉnh thành phía Nam

Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh tay chân miệng, khu vực phía Nam đã có 7 ca tử vong, trong sáng nay (23/6), tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh thành khu vực phía Nam.

Viện Pasteur TP.HCM cho biết, qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tại miền Nam đã ghi nhận khoảng 9.000 ca bệnh tay chân miệng trong 5 tháng đầu năm nay, trung bình khoảng 400 ca mỗi tuần, thấp hơn 45% so với cùng kỳ năm 2022.

Năm nay có nhiều ca tay chân miệng nặng hơn.

Tuy nhiên số ca mắc mới đang có xu hướng tăng từ cuối tháng 4 đến nay. Trong đó đáng chú ý hơn nữa là số ca nặng và số ca tử vong do bệnh tay chân miệng cũng đang gia tăng và đã cao hơn cùng kỳ năm trước.

Riêng trong tuần qua, toàn miền Nam ghi nhận hơn 2.000 ca mắc, tăng hơn 23,3% so với tuần trước đó.

Hiện miền Nam đã ghi nhận có 7 ca tử vong do tay chân miệng, trong đó 5 ca tử vong xác định do virus EV71, còn 2 ca tử vong trên biến chứng lâm sàng chưa có kết quả.

Phân tích dựa trên các ca nặng, Viện Pasteur TP.HCM nhận thấy An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Kiên Giang, Cần Thơ, TP.HCM là những tỉnh thành có tỷ trọng ca nặng cao.

Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM nhận định tình hình tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng, EV71 chiếm ưu thế. Đây là chủng gây bệnh nặng và nguy cơ tử vong cao. Các địa phương chưa báo cáo rõ ràng về phân độ lâm sàng tay chân miệng, gây ảnh hưởng đến việc đánh giá độ nặng và xu hướng của bệnh tật. Bệnh đang diễn biến phức tạp hơn và sẽ có nguy cơ lây lan nhiều hơn khi trẻ bước vào năm học mới.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương họp trực tuyến với các tỉnh thành phía Nam

Đáng chú ý, khoảng 80% người lớn mắc tay chân miệng không có biểu hiện lâm sàng nhưng có thể lây cho trẻ em mà không hề biết. Do đó, việc phòng ngừa tay chân miệng không chỉ tập trung ở trẻ nhỏ, bảo mẫu, trường mầm non mà cả người lớn cũng phải thực hiện rửa tay sạch, vệ sinh sạch…nhằm bảo vệ các bé.

Đồng quan điểm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp cho rằng người lớn là “người lành mang trùng” có thể lây bệnh tay chân miệng gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Đến nay Đồng Tháp đã ghi nhận 902 ca mắc, 68% là trẻ dưới 3 tuổi, 1 ca tử vong.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, tình hình dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp và đã có trường hợp tử vong. So với năm 2022, các tỉnh đã chủ động hơn về công tác nhân lực, chuẩn bị kinh phí chống dịch. Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các tỉnh thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2023, trong đó đảm bảo 4 tại chỗ.

Bà Hương phân tích, do người dân có xu hướng thăm khám ở phòng khám tư nhân, cơ sở y tế nhỏ lẻ điều trị khi bệnh nhẹ nên cần lưu ý và n giám sát chặt chẽ các cơ sở này. Ngoài truyền thông trong trường học, cần tăng cường truyền thông trong cộng đồng, vì có những người lớn là “người lành mang trùng” có thể lây cho trẻ em.

Cũng trong sáng nay, đoàn công tác Bộ Y tế cũng có buổi làm việc riêng với lãnh đạo TP.HCM về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Tác giả: Kim Dung

Nguồn tin: Báo VOV

  Từ khóa: tay chân miệng , bộ y tế

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP