Chiều 13/4, GS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, để đánh giá tình hình dịch COVID-19 cần dựa trên 3 yếu tố, gồm: virus SARS-CoV-2; môi trường sống và các biện pháp đáp ứng.
Thứ nhất, với virus SARS-CoV-2, biến thể này đang lưu hành hầu hết các nơi trên thế giới và chiếm ưu thế. Đến thời điểm này, biến thể phụ Omicron đã xuất hiện được 16 tháng với hơn 500 biến thể phụ khác nhau. Các chuyên gia nhận thấy đây là biến thể có đặc tính lây lan nhanh, nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng về tăng ca nặng. Những nơi có tăng ca nặng là do số mắc tăng tương ứng.
Với vaccine phòng COVID-19, dù đặc tính hiệu quả trong phòng lây nhiễm đối với biến thể Omicron còn hạn chế nhưng vẫn phòng được ca nặng và nhập viện, tử vong hiệu quả. Với người lớn tuổi, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai có nguy cơ cao hơn, thậm chí tử vong.
GS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế. (Ảnh: An Bình) |
Thứ hai, môi trường sống và hành vi người dân. Biến thể Omicron có đặc điểm lây lan nhanh. Hiện hầu hết các nước đã mở cửa, nới lỏng toàn bộ các biện pháp phòng chống dịch, kể cả ở quốc gia ghi nhận lây nhiễm cao. Cùng đó nhu cầu đi lại, giao lưu sau 3 năm đại dịch rất lớn, điều này tạo điều kiện để virus lây lan.
Thời gian qua hoạt động phòng chống dịch của chúng ta đạt hiệu quả nhờ đẩy mạnh tiêm vaccine. Vì thế, nhiều người có tâm lý chủ quan với biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn. Điều này cũng làm gia tăng sự lây nhiễm.
Thực tế hiện số ca mắc tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc - nơi thời tiết đang giao mùa. Thống kê hiện nay số ca mắc tăng khoảng gần 4 lần với tuần trước đó. Bên cạnh đó, thời tiết tạo thuận lợi cho sự phát triển của virus, ý thức của con người, đặc biệt là việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, cơ sở khám chữa bệnh có nơi chưa đảm bảo.
Thứ ba, về các biện pháp đáp ứng, một trong những vũ khí hiệu quả nhất giúp Việt Nam mở cửa sớm từ tháng 3/2022, là do chúng ta bao phủ vaccine sớm. Hầu hết người dân được tiêm bao phủ mũi vaccine cơ bản. Mũi 3, mũi 4 ở người từ 18 tuổi trở lên đạt tỷ lệ 80 – 90%; trẻ 5 dướidưới 12 tuổi lên tới hơn 90%... Việt Nam là một trong số các quốc gia nằm trong top tiêm chủng COVID-19 cao trên thế giới.
Từ các yếu tố trên, ông Lân đánh giá, số ca COVID-19 trong thời gian tới có thể gia tăng. Tuy nhiên, Việt Nam đang ở cấp độ dịch 1- tất cả đều màu xanh. Cấp độ này không chỉ đánh giá trên số mắc mà còn dựa trên ca nặng, độ bao phủ vaccine và đáp ứng đảm bảo thu dung điều trị.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, các tỉnh, thành phố đẩy mạnh tăng cường rà soát cấp độ dịch và công bố rõ ràng để người dân biết và phòng chống. Cấp độ dịch này có ý nghĩa là dịch được phát hiện sớm nhất ở cấp xã, phường; khoanh vùng hiệu quả nhất, xử lý dịch tại nguồn để không ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, xã hội. Điều đó phụ thuộc lớn vào các địa phương, tránh sự hoang mang cũng như chủ quan của người dân.
Thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước xu hướng gia tăng từ đầu tháng 4 đến nay. Trong 7 ngày vừa qua (từ 5/4 đến 11/4/2023), cả nước ghi nhận 639 ca mắc mới, trung bình 90 ca mắc mới mỗi ngày, tăng 3,8 lần so với 7 ngày trước đó; trong đó nhóm từ 50 tuổi trở lên ghi nhận 193 ca (chiếm 30,2% số mắc mới). Số ca nhập viện cũng có xu hướng gia tăng; số bệnh nhân nặng ghi nhận trong tuần là 10, trung bình ghi nhận 1-2 ca nặng mỗi ngày. Tại Hà Nội do đang trong giai đoạn chuyển mùa đông xuân sang mùa hè nên những bệnh lây truyền qua đường hô hấp như cúm mùa hay virus càng có xu hướng gia tăng nhất định. Toàn thành phố Hà Nội hiện ghi nhận 240 ca COVID-19, trong đó 124 ca đang điều trị tại cơ sở y tế đều nhẹ, còn lại 116 ca là theo dõi tại nhà. |
Tác giả: AN BÌNH
Nguồn tin: vtc.vn