Du lịch

5 lễ hội đông người đến nghẹt thở ở miền Bắc

Trong số 7.966 lễ hội lớn nhỏ rải rác khắp mọi miền Tổ quốc thì miền Bắc chiếm đa số. Hầu hết các lễ hội đều diễn ra vào mùa xuân, nhiều nhất là vào tháng Giêng. Dưới đây là 5 lễ hội xuân đáng chú ý nhất tại miền Bắc, thu hút hàng vạn người mỗi năm.

Lễ hội đền Trần

Lễ khai ấn đền Trần diễn ra giữa đêm 14 và mở đầu cho ngày 15 tháng Giêng, tại Khu di tích đền Trần phường Lộc Vương, TP.Nam Định.

Đây là một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ trời, đất, tiên tổ, thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông…

Nhiều người tin rằng xin được một lá ấn đền Trần trong ngày hội xuân sẽ có một năm thuận buồm xuôi gió trong công việc. Chính vì vậy, nhiều năm nay, cứ đến ngày chính hội, hàng vạn du khách từ khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc đổ về tham dự lễ hội, gây nên cảnh chen chúc, tắc nghẽn, thậm chí giẫm đạp lên nhau và rao bán các lá ấn giả bên đường.

Năm nay, Lễ hội đền Trần sẽ được tổ chức từ ngày từ 18/2 - 23/2/ 2016 ( từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng năm Bính Thân) với trọng tâm là lễ khai ấn vào đêm 14 tháng Giêng.

Hàng nghìn người dân chen chân đêm phát Ấn tại đền Trần - Ảnh: Nguồn Internet

Hàng nghìn người dân chen chân đêm phát Ấn tại đền Trần - Ảnh: Nguồn Internet

Hội Lim

Hội Lim diễn ra ở chùa Lim, thị trấn Lim (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) vào ngày 13 tháng giêng. Hội Lim nổi tiếng với các màn diễn xướng quan họ, là nét kết tinh văn hoá độc đáo của vùng Kinh Bắc.

Hàng năm, đến hẹn lại lên, hàng vạn du khách tứ xứ thập phương đổ dồn về chùa Lim làm lễ, cầu may, nghe hát quan họ, chơi trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm...

Đặc sắc hơn cả là phần hát hội trên bến dưới thuyền với những làn điệu quan họ - nét văn hóa truyền thống miền Kinh Bắc đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Bên cạnh những nét đặc sắc, hội Lim còn nhiều điểm bị "chê trách" như liền anh liền chị hát ngả nón quai thao xin tiền, du khách chen chân nhau cọ tiền vào tượng Phật lấy may...

Hàng vạn người trẩy hội Lim - Ảnh: KL

Hàng vạn người trẩy hội Lim - Ảnh: KL

Lễ hội chùa Hương

Đầu xuân, hàng ngàn du khách khắp nơi lại nô nức đổ về chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) để trẩy hội.

Theo Ban tổ chức, tính đến thời điểm hiện tại, lượng khách năm nay đổ về chùa Hương tăng cao đột biến so với mọi năm.

Theo ước tính hết ngày mồng 5 Tết đã đạt trên 15 vạn lượt du khách. Trong đó, ngày mồng 3 Tết, lượng du khách về trẩy hội Chùa Hương là 3,9 vạn lượt khách, ngày mồng 4 Tết là 5 vạn.

Bến đò suối Yến đông nghịt người, thuyền - ảnh: Internet

Bến đò suối Yến đông nghịt người, thuyền - ảnh: Internet

Lễ hội cướp phết Hiền Quan

Cách Hà Nội gần 80 km, lễ hội Phết Hiền Quan được tổ chức ngày 12 - 13 tháng Giêng âm lịch, tại xã Hiền Quan huyện Tam Nông (Phú Thọ). Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ và tôn vinh công lao của nữ tướng Thiều Hoa công chúa - Đức Thánh Mẫu Đại Vương, người giúp Hai Bà Trưng đánh giặc cứu nước.

Hội Phết lớn nhất vào ngày thứ hai của hội lễ, tức 13 tháng Giêng. Quả Phết được làm bằng gốc tre, sơn son thếp vàng. Mỗi Hội Phết thường chỉ ném 3 quả Chúi, 6 quả Phết.

Với quan niệm gia đình hay cá nhân nào cướp được quả Phết thì cả năm đó gặp nhiều may mắn, do vậy mặc dù chủ tế chưa cầm Phết ra ngoài bãi, hàng trăm người đã vây quanh các hố nơi các quả Phết sẽ được thả xuống.

Tuy nhiên, lễ hội cướp phết đang gây ra nhiều tranh cãi bởi hàng trăm thanh niên tranh giành nhau, thậm chí đánh nhau chỉ để cướp một quả Phết. Không khí lễ hội cuồng nhiệt thái quá đã tạo ra một hình ảnh xấu xí khiến những người xem chỉ biết lắc đầu ngao ngán.

Đè đầu cưỡi cổ để cướp quả phết ở lễ hội Cướp Phết Hiền Quan - Ảnh: Internet

Đè đầu cưỡi cổ để cướp quả phết ở lễ hội Cướp Phết Hiền Quan - Ảnh: Internet

Lễ hội đền Hùng

Lễ hội Đền Hùng được coi là một trong những ngày lễ lớn của dân tộc Việt Nam được tổ chức vào ngày mồng 10/3 hàng năm.

Bên cạnh ý nghĩa tâm linh, lễ hội Đền Hùng thực sự là nơi quy tụ những sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc vùng Đất Tổ.

Lễ hội chính là dịp để cộng đồng giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, các hình thức văn hóa truyền thống, hiện đại được đan xen trở thành nếp sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng.

Biển người đổ về lễ hội đền Hùng - Ảnh: Kênh 14/Trí Thức trẻ

Biển người đổ về lễ hội đền Hùng - Ảnh: Kênh 14/Trí Thức trẻ

Tác giả bài viết: Tô Mạn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP