Du lịch

5 điểm trekking miền Trung - Tây Nguyên đầu xuân

Tà Năng - Phan Dũng, đường leo Hòn Bà hoặc dãy núi Chư Yang Sin đều là những cung đường trekking đầy hấp dẫn, cuốn hút không ít dân phượt nhất là vào các dịp nghỉ lễ Tết.

Các cung đường trekking luôn thu hút dân xê dịch bởi hành trình đầy thử thách và trải nghiệm thú vị giữa thiên nhiên. Với cung đường miền Trung - Tây Nguyên, bạn đừng bỏ lỡ các điểm trekking hấp dẫn sau.

Bidoup - Núi Bà

Bidoup là ngọn núi cao nhất Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, thuộc huyện Lạc Dương cách Đà Lạt khoảng 50 km. Bạn cần có các kỹ năng đi rừng và leo núi, trang bị những dụng cụ cần thiết cho chuyến chinh phục đỉnh cao 2.287 m cũng như lựa chọn hành trình phù hợp. Nếu là người lần đầu leo núi với sức khỏe vừa phải, có thể chọn hành trình ngày thứ nhất từ đường ĐT 723 lên đến bãi cắm trại gần đỉnh núi (dài 17 km), ngày thứ 2 từ bãi cắm trại lên đỉnh núi Bidoup và xuống chân núi tại trạm Long Lanh (dài 10 km). Cảnh vật trên hành trình chinh phục đỉnh Bidoup rất đẹp, những đồi thông, thảm thực vật, thác nước… khiến bạn xua tan bớt mệt mỏi.

Thác Thiên Thai, điểm tham quan ấn tượng trên đường chinh phục Bidoup. Ảnh: Má Lúm.

Tà Năng - Phan Dũng

Cung đường trekking xuyên rừng đi qua ba tỉnh Lâm Đồng - Ninh Thuận - Bình Thuận luôn có sức hút với những người ưa khám phá. Điểm xuất phát từ xã Tà Năng hoặc xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), cần khoảng 3 ngày 2 đêm để trải qua gần 60 km băng rừng, leo đèo, vượt suối, di chuyển từ độ cao 1.100 m xuống còn 500 m so với mực nước biển.

Cảnh vật ấn tượng nhất là những đồi cỏ bao la, lác đác hàng thông xanh rì, xa xa là mây trời lảng bảng, cảnh quan kỳ vĩ mà yên bình như tranh vẽ. Điểm cuối của hành trình là xã Phan Dũng, sau đó đón xe ôm ra ngã tư Liên Hương (Tuy Phong, Bình Thuận) để đón xe khách di chuyển về TP HCM hoặc tỉnh khác.

Cắm trại trên đỉnh đồi Tà Năng. Ảnh: Trung Hào.

Núi Chúa

Vườn quốc gia Núi Chúa thuộc địa phận huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) có vị trí khá đẹp, phía đông và nam là biển Đông, phía bắc là phần dưới vịnh Cam Ranh, phía nam là đầm Nại, còn phía tây nhìn ra quốc lộ 1A. Cung đường phổ biến là xuất phát từ thôn Đá Hang, băng qua ruộng bậc thang của người Raglai, dừng chân cắm trại ở suối Ô Liêm, sáng hôm sau tiếp tục lên đỉnh núi.

Trong suốt dọc đường trekking núi Chúa, bạn sẽ bắt gặp những con suối róc rách len qua khe đá, những đàn dê núi nhởn nhơ kiếm ăn hoặc nằm dưới tán cây. Khi gần xuống chân núi, bạn có thể băng rừng ra biển để tận hưởng vẻ đẹp hoang sơ của Vĩnh Hy.

Cảnh đẹp hữu tình nhìn từ đỉnh Núi Chúa. Ảnh: vqgnuichua.

Hòn Bà

Hòn Bà là một khu rừng nguyên sinh nằm ở độ cao 1.578 m, cách thành phố Nha Trang khoảng 60 km về phía tây nam. Theo quốc lộ 1A từ Nha Trang về TP HCM khoảng 20 km, đến ngã ba rẽ vào Hòn Bà tại xã Suối Cát, huyện Cam Lâm. Đi vào khoảng hơn 1 km gặp cột cây số đầu tiên báo đoạn đường 37 km lên đến đỉnh Hòn Bà. Từ đây, con đường đi qua một vài khu dân cư thưa thớt rồi đến hồ nước Suối Dầu khá rộng.

Trekking Hòn Bà sẽ là chuyến xuyên rừng thú vị, khám phá khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà với gần 600 loài thực vật phong phú như: thông hai lá dẹp, pơ mu, hồng quang, đỗ quyên, sồi… Bạn có thể ngủ qua đêm trong các phòng nghỉ nhỏ ven rừng trên đỉnh núi hoặc mang theo lều, túi ngủ để cắm trại. Lưu ý về khuya nhiệt độ có thể xuống dưới 10 độ C nên cần mang theo áo đủ ấm.

Đường lên Hòn Bà. Ảnh: baokhanhhoa.

Chư Yang Sin

Chư Yang Sin là một trong những dãy núi cao nhất và hùng vĩ nhất Đắk Lắk, có nhiều đỉnh núi nối liền nhau với độ cao, nằm gọn trong khuôn viên Vườn quốc gia Chư Yang Sin thuộc địa bàn hai huyện Krông Bông và Lak.

Hành trình chinh phục Chư Yang Sin cần ít nhất 3 ngày 2 đêm, xuất phát từ trung tâm huyện Krông Bông. Chặng đường trekking sẽ có điểm dừng ở điểm độ cao 1.700 m, dựng trại nghỉ qua đêm, và chinh phục điểm cao nhất tại 2.442 m. Tại đây bạn có thể quan sát toàn bộ thung lũng Lang Biang và thấy rõ toàn cảnh thành phố Buôn Ma Thuột như một tấm bản đồ thu nhỏ.

Để thực hiện chuyến đi, bạn cần liên hệ trước với Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Yang Sin, thực hiện theo các nội quy, không xâm hại đến tài nguyên rừng.

Băng rừng chinh phục Chư Yang Sin. Ảnh: Chu Du.

Tác giả bài viết: Má Lúm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP