Gỏi trái điều
Ai đã từng đi hoặc đã nghe tới Bình Phước thì chắc chắn cũng biết rằng ở đây vốn là nơi của rừng cao su bạt ngàn hay vườn điều với những trái trĩu quả. Tuy sản phẩm chính đó là những hạt điều nhưng trẻ con nơi đây vẫn thích ăn những trái điều mọng nước, chín vàng để chấm muối ớt, vừa ăn vừa sặc mà thấy thú vị. Hơn nữa người dân nơi đây dùng trái điều để làm gỏi rất ngon, vị chua chua ngọt ngọt được thêm một chút gì đó mặn mà của gia vị, rồi lại thêm miếng tôm, miếng thịt là được một món ăn lạ mắt, lại rẻ.
Bánh hạt điều
Bánh hạt điều là đặc sản khác từ hạt điều được khách du lịch tới Bình Phước được ưa thích. Nguyên liệu chính để làm bánh hạt điều là hạt điều, bột nổi, bột quế, trứng gà, đường, bột mì, một chút dầu ăn.
Bánh hạt điều khi chín sẽ có màu vàng của trứng, màu trắng của bột, kết hợp với mùi thơm và vị giòn tan của hạt điều, mùi thơm của bột quế, vị ngọt của đường, vị béo của dầu ăn rất hấp dẫn.
Hạt điều rang muối
Là vùng đất chuyên trồng điều vì thế hạt điều rang muối Bình Phước luôn giữ được nguyên vỏ lụa, vị ngọt, hương thơm đậm đà. Khi ăn hạt điều giòn tan và giữ được hương vị lâu hơn hạt điều vùng khác.
Vỏ lụa là lớp vỏ mỏng màu loang lổ nâu đôi khi pha nhiều sắc trắng là lớp phân cách giữa nhân hạt điều ăn được và lớp vỏ cứng bảo vệ bên ngoài. Trong quy trình bóc tách hạt điều lấy nhân, khâu bóc tách lớp vỏ lụa này là một trong những khâu phức tạp nhất bởi rất dễ làm vỡ hạt gây giảm giá trị đáng kể cho sản phẩm. Tuy nhiên đối với hạt điều rang muối, việc bóc lớp vỏ này thực sự không khó, đặc biệt là với cách xử lý của đội ngũ rang mộc lành nghề của chúng tôi. Đây cũng là nguyên nhân người tiêu dùng dành nhiều thiện cảm cho loại hạt này.
Ve sầu sữa chiên giòn
Món ăn này chỉ mới phổ biến trong vài năm gần đây nhưng đã được rất nhiều nhà du khách yêu thích và tìm đến để thưởng thức. Nhắc đến ve sầu là người ta cũng biết là côn trùng sống tự nhiên thường có nhiều nhất vào mùa hè và sống nhiều nhất trên cây điều, cao su hoặc cây rừng ở Bình Phước. Những chú ve sầu này được bắt về trong khoảng thời gian chúng lột xác, sau đó chúng được bỏ vảo một chảo dầu nóng, khi ve bắt đầu có mùi thơm và chín vàng. Món này được ăn kèm với râu sống hay nước mắm ớt tỏi. Những con ve sầu béo ngậy, giòn tan cùng với hương thơm rất cuốn hút và hấp dẫn.
Heo thả rong
Heo thả rong là đặc sản của sóc Bom Bo (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) được nhiều du khách biết đến. Đây là loại heo được nuôi bán hoang dã, hoàn toàn không dùng thức ăn chế biến nên chất lượng thịt ngon, ít mỡ. Loại heo nuôi thả rong này còn được gọi bằng nhiều tên khác như: Heo tộc, heo do đồng bào nuôi…
Heo được nuôi bán hoang dã: ban ngày, chúng được thả rong và tự tìm thức ăn từ các loại rau, củ và những thứ gì tìm được; ban đêm, chúng trở về nhà chủ. Heo thả rong vận động suốt ngày và ăn nhiều chất xơ nên heo gần như không có mỡ, thịt ngọt và dai. Heo thả rong được chế biến nhiều món như giả cầy nướng… Thịt heo làm sạch, để nguyên da ướp với gia vị rồi nướng trên than hồng là món được xem là ngon nhất trong các cách chế biến thịt heo thả rong. Thịt heo nướng ăn kèm với chuối chát, rau sống, nhất là rau rừng được hái ở chân núi Bà Ra hay rừng Bù Gia Mập càng ngon.
Lá nhíp xào
Lá nhíp.
Lá nhíp xào tòi.
Ở Bình Phước mua lá nhíp dễ hơn mua đọt mây. Các phiên chợ huyện và dọc đường về buôn sóc của đồng bào S’tiêng là địa điểm dễ tìm mua. Lá nhíp non có màu đỏ phớt, dưới cuống lá màu xanh. Khi nấu chín, lá có vị dẻo, ngọt và bùi. Không chỉ thơm ngon, lá nhíp còn cung cấp nhiều năng lượng, giúp phục hồi sức khoẻ.
Ngoài dùng để nấu canh thụt, bây giờ lá nhíp còn được các quán ăn, nhà hàng biến chế thành nhiều món ăn hấp dẫn như: Lá nhíp xào với tỏi, lá nhíp xào thịt bò, lòng gà, nấu lẩu, nấu canh với cá, tôm…
Đọt mây nướng
Đọt mây là một món ăn không thể thiếu trong bữa cơm của người đồng bào S’Tiêng ở Bình Phước. Đọt mây nướng dưới than củi hồng, thơm thơm, ngầy ngậy.
Ăn đọt mây, bạn sẽ cảm thấy ở cổ họng vị đăng đắng xen ngọt và mát. Chấm đọt mây với muối ớt the nồng cộng thêm chút chanh, bạn đã tìm được ngũ vị tinh túy trên đời. Không chỉ vậy ăn đọt mây còn trị được chứng chướng bụng, đầy hơi và giải rượu.
Cơm lam
Cơm lam hay còn gọi là cơm ống là cơm được nấu chín trong ống tre, nứa hoặc ống lồ ô là món ngon của Bình Phước. Tùy theo người dùng có thể nấu bằng gạo tẻ hay gạo nếp và có thể trộn với các loại đậu xanh, đậu đen, đậu phộng… Ống tre được chọn để nấu không quá non cũng không quá già.
Cơm lam vừa dẻo vừa bùi lại thêm mùi thơm đặc trưng của ống tre nướng nên ai cũng thèm được thưởng thức. Cơm lam được dọn ra ăn cùng với thịt gà hay thịt heo rừng nướng, tuy nhiên cơm lam ngon nhất khi ăn với muối mè hoặc muối vừng.
Canh thụt
Cơm lam ăn kèm canh thụt là hai món ngon đặc sản khó quên của các gia đình đồng bào S’Tiêng (sóc Bom Bo, Bù Đăng, Bình Phước).
Canh chính là một món súp hỗn hợp, gồm nhiều loại rau (lá nhíp, lạc tiên, măng rừng, cà pháo, đọt mây…), cộng thêm cá trắng, cua, tép, ốc đá… bỏ chung vào trong ống tre để nấu. Khi canh sôi, người nấu dùng đũa cả (loại đũa to, làm bằng tre, dùng để xới cơm) thụt nhuyễn những thứ này thành một hỗn hợp sền sệt như súp.
Chính những hương vị rau sạch của núi rừng, cộng thêm tép, cua, cá… ở suối, rạch do người dân tự bắt và một chút kì công trong “nghệ thuật nấu không đụng hàng”, đã tạo nên món canh độc nhất vô nhị này của đồng bào S’Tiêng.
Rượu cần
Canh chính là một món súp hỗn hợp, gồm nhiều loại rau (lá nhíp, lạc tiên, măng rừng, cà pháo, đọt mây…), cộng thêm cá trắng, cua, tép, ốc đá… bỏ chung vào trong ống tre để nấu. Khi canh sôi, người nấu dùng đũa cả (loại đũa to, làm bằng tre, dùng để xới cơm) thụt nhuyễn những thứ này thành một hỗn hợp sền sệt như súp.
Chính những hương vị rau sạch của núi rừng, cộng thêm tép, cua, cá… ở suối, rạch do người dân tự bắt và một chút kì công trong “nghệ thuật nấu không đụng hàng”, đã tạo nên món canh độc nhất vô nhị này của đồng bào S’Tiêng.
Rượu cần
Nếu xem cồng chiêng là ngôn ngữ để con người giao tiếp với thiên nhiên, thì rượu cần là “phương tiện” để người S’tiêng gần nhau, hòa nhập, trao đổi, cởi mở với nhau. Rượu cần S'tiêng không chỉ là thức uống đơn thuần mà nó gắn chặt với đời sống văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng, không thể thiếu trong lễ hội và những nghi lễ có tính dấu mốc của đời người…
Khi được mời uống rượu cần, để thể hiện tình cảm với người mời, bạn dùng tay vuốt nhẹ cần từ dưới lên rồi mới xin phép được uống. Lúc uống phải uống thật lòng. Vì khi cùng uống, chủ nhân thường nhìn thẳng mặt khách, vừa tỏ lòng tôn trọng, thiện cảm nhưng cũng vừa tỏ ý thăm dò khách có thật tình không.
Tác giả bài viết: Tùng Anh