Đến Huế ngoài hệ thống cung đình lăng tẩm triều Nguyễn, du khách sẽ có dịp được thưởng thức vô vàn các món ăn ngon nơi đây. Từ các món ăn cầu kỳ theo kiểu vua chúa đến các món dân dã thôn quê, người Huế đã biến ẩm thực thành một thứ "tinh hoa" mà không nơi nào có được.
Dưới đây là những món ăn quen thuộc nổi tiếng mà bạn nhất định không thể bỏ lỡ khi đến Huế dịp Festival 2016, diễn ra đúng vào dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, từ ngày 29/4 tới 4/5 với chủ đề: 'Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, 710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế'.
Cũng giống như phở ở Hà Nội, bún bò là món ăn mà bạn có thể bắt gặp ở bất kỳ đâu xứ Huế.
Nguyên liệu chính là thịt bắp bò, giò heo, đôi chỗ có cả chả viên cua. Linh hồn món bún bò chính là thứ nước dùng được hầm từ xương bò, mắm ruốc đặc trưng của Huế và sả. Khi dùng được ăn nóng với các loại rau sống như: Giá, rau thơm, xà lách, bắp chuối xắt nhỏ...
Cơm hến vốn dĩ là một thức ăn nhà nghèo có nguồn gốc từ Cồn Hến, một doi đất nhô ra bên bờ sông Hương.
Một bát cơm hến đúng chuẩn Huế bao gồm cơm nguội trộn với hến xào, một bát nước hến ăn kèm, lạc (đậu phộng), tóp mỡ, rau thơm, bắp chuối xắt sợi...
Bánh bột lọc là món ăn rất phổ biến ở miền Trung nhưng có lẽ nổi tiếng nhất không đâu hơn được kinh thành Huế.
Vỏ bánh được làm từ bột sắn, nhồi hoàn toàn bằng tay, sau khi thêm nhân (tôm, thịt) sẽ đem hấp đến khi nào bánh trong suốt là thành công. Bạn có thể thưởng thức bánh bột lọc mặn hoặc chay, bánh lọc trần hay bánh lọc lá tùy sở thích, khẩu vị.
Một món ăn chơi rất chuộng ở Huế và hay thường được đem ra đãi khách chính là món bánh bèo.
Tuy vậy để làm ra loại bánh này lại rất công phu, từ việc chọn gạo xay bột đến công đoạn đổ bánh ra khuôn be bé xinh xinh... Khi ăn thực khách sẽ dùng thìa chắt nước chấm được làm từ nước mắm, đường, ớt, tỏi... lên đĩa bánh đã có bột tôm sấy và bì heo chiên, rồi cứ thế nạo bánh thưởng thức.
Bộ ba bánh nổi tiếng của Huế chính là "bèo, nậm, lọc".
Bánh nậm được làm từ bột gạo phết mỏng với nhân là thịt heo trộn tôm bằm, hành lá... được gói trong lá chuối đem hấp chín tới. Đây cũng là món ăn có tính "lành", rất được trẻ con và người già ưa chuộng.
Bánh ram ít là thức quà rất đặc biệt của Huế.
Đưa chiếc bánh lên miệng, bạn sẽ đồng thời cảm nhận được cái giòn rụm lẫn vào vị dẻo béo mà không ngấy. Chiếc bánh được làm bởi hai phần riêng biệt, phần "ram" phía dưới được chiên vàng để cứng lại làm đế, phần bánh ít phía trên nhân tôm và được rắc thêm bột tôm làm thành chóp, ăn kèm với nước mắm chua ngọt. Bánh ram ít đặc biệt vì có nguồn gốc từ nhân gian sau đã được tiến vua thành một trong những thức quà cung đình nổi tiếng.
Người Huế gọi tên bánh khoái để miêu tả sự "sướng, khoái" của mình khi thưởng thức loại bánh này.
Vỏ bánh khoái được làm từ bột gạo xay lẫn trứng gà, nhân bánh bao gồm giá, tôm, thịt, giò sống... cá biệt ở Đầm Chuồn còn đem nguyên con cá kình làm nhân bánh. Nước lèo sền sệt chính là hồn cốt đem lại sự hấp dẫn đặc biệt của bánh khoái, cách ăn thì cũng giống như bánh xèo miền Nam, ăn cuốn gói với rau sống gồm vả, chuối chát cùng khế thái lát mỏng.
Bún thịt nướng Huế.
Nếu có dịp ghé thăm chùa Thiên Mụ (Linh Mụ) bạn hãy nhớ dừng chân giữa đường tại phường Kim Long, phía Tây kinh thành. Kim Long rất nổi tiếng bởi hệ thống nhà vườn Huế còn nguyên vẹn, đặc biệt có một món ăn được liệt vào danh sách không thể bỏ lỡ khi đến với Huế: Bún thịt nướng.
Bánh canh Nam Phổ là một thức quà thứ thiệt của người Huế dành cho những người con phương xa đau đáu nhớ về quê hương.
Người Huế vẫn tự hào về món ăn này bằng danh hiệu "ngon nổi danh thiên hạ", và bạn phải rất may mắn khi có thể bắt gặp được món ăn này. Bởi bánh canh Nam Phổ được chính các mẹ các chị người làng Nam Phổ (huyện Phú Vang) gồng gánh vào kinh thành mỗi độ chiều về, không cố định địa điểm.
Cũng giống như các món ăn Huế, chè Huế cũng rất đa dạng với hình thức rất bắt mắt, tinh tế trong cách chế biến trình bày, từ loại bình dân đến thượng hạng cung tiến vua chúa ngày xưa.
Một số món tiếng vang đã lan truyền khắp nơi, phải kể đến món chè heo quay bột lọc, chè bắp Cồn Hến, chè khoai tía, chè hạt sen long nhãn, chè cau, chè đậu ván, đậu xanh, đậu đỏ...
Tác giả bài viết: Nam Chấy