Miễn 25 USD visa/khách, thu thêm 1.500 USD/người đi tour
Sắp hết thời hạn miễn thị thực (visa) có thời hạn cho công dân 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha), từ lâu các Hiệp hội Du lịch đã gửi đề xuất lên lãnh đạo Chính phủ về chính sách thị thực cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Kiến nghị gửi đi đã lâu và đến giờ, các doanh nghiệp lữ hành cũng như khách du lịch vẫn đang thấp thỏm “ngồi trên đống lửa” … chờ.
Theo thống kê, trong năm 2017, tổng lượng khách Châu Âu đến Việt Nam xấp xỉ 1,9 triệu người, trong đó riêng 5 nước Tây Âu đã có gần 900.000 người, tăng hơn 16% so với năm 2016, trong đó, thị trường Tây Ban Nha tăng 20%, 4 nước còn lại đều tăng 10-15%.
Những năm trước đó, lượng khách đến từ 5 nước Tây Âu đều có mức tăng trưởng rất tốt. Nếu như 12 tháng đầu tiên(tháng 7/2015 - tháng 6/2016)tăng 15,4% so với cùng kỳ thì sang năm 2016 đã đạt gần 781.000 lượt, tăng 19% so với năm 2015.Đây là mức tăng trưởng cao đối với thị trường xa như Tây Âu và được xem là thành quả rõ rệt nhất của chính sách miễn thị thực.
Những tác động tích cực được cho là đã thấy rõ. Nhưng đến giữa năm nay (30/6/2018), thời hạn thực hiện việc miễn thị thực với công dân 5 nước Tây Âu này sẽ kết thúc mà các kiến nghị tiếp tục thực thi chính sách này vẫn chưa có hồi đáp.
Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lưu Đức Kế than, thời gian “thí điểm” chính sách như vậy là quá đủ. 2 năm thực hiện miễn visa cho 5 nước Tây Âu đã cho thấy rõ những được - mất của chính sách này.
Cụ thể, việc miễn thị thực khiến nguồn thu từ visa giảm đi 25USD/1 khách nhưng so với chi phí 1.500USD/khách/tour 15 ngày, điều đó không phải vấn đề lớn. Điều quan trọng hơn, việc Chính phủ chỉ cho phép miễn thị thực không quá 15 ngày đối với công dân 5 nước này đã làm thay đổi hoàn toàn thói quen mua tour của khách ở Việt Nam. Thay vì mua tour 3 tuần đến 4 tuần như trước đây, nay khách Tây Âu thường chỉ mua 15 ngày. Trong khi đó, 1 ngày tour tương đương 100 USD/khách. Vì thế, nếu miễn visa 30 ngày (tức là thêm 15 ngày), sẽ thu thêm 1.500 USD/đầu khách, tổng thu sẽ tăng thêm rất lớn.
Với du khách quốc tế, việc miễn thị thực không chỉ dừng ở vấn đề họ “đỡ” được 25USD chi phí mà là tránh được những phiền hà từ thủ tục xuất nhập cảnh, là tâm lý hào hứng khi đến một vùng đất mới lạ mà họ được chào đón.
Trong khi đó, lãnh đạo công ty du lịch Liên Bang cũng than thở, doanh nghiệp lữ hành gặp rất nhiều khó khăn trong việc quảng bá chào bán tour, xây dựng sản phẩm và không biết “nói năng” với du khách như thế nào khi chính sách “đứt quãng”, chậm trễ.
“Kinh tế mũi nhọn” chịu lực cản visa
Khách Châu Âu mang đến nguồn thu lớn cho du lịch bản địa |
Gần đây, cơ quan phụ trách du lịch Anh đã phản ứng về thủ tục thị thực phức tạp với thị trường Trung Quốc đã khiến quốc gia này “mất không” 2,8 tỷ bảng Anh (4,1tỷ USD)/năm. Câu chuyện đó là lời cảnh báo với các nước đang nỗ lực thúc đẩy lĩnh vực du lịch.
Nghịch lý thường xảy ra khi những quốc gia có sức phát triển ở top dưới lại là những nước có phí visa cao nhất, thủ tục cấp thị thực phức tạp, phiền toái nhất. Trong khi một quốc gia được hưởng lợi về mặt kinh tế bao nhiêu từ việc thu phí visa so với nguồn thu được từ việc chi tiêu của khách nước ngoài đến du lịch đều có thể nhìn thấy rõ.
Nói về những nỗ lực để cải thiện chính sách thị thực của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam khẳng định, sau khi có Luật Xuất nhập cảnh mới, hệ thống visa giờ đã đơn giản hơn, thoáng hơn rất nhiều, được các nước rất hoan nghênh.
Gần 1 triệu lượt người đã truy cập vào trang thông tin cấp thị thực điện tử (e-visa); hơn 96.000 lượt người nước ngoài đề nghị đã được cấp thị thực điện tử là những con số được thống kê sau những tháng đầu triển khai việc cấp thị thực điện tử cho công dân đến từ 40 quốc gia, kể từ 1/2/2017. Những kết quả này phần nào khẳng định tính hiệu quả, ưu việt của chính sách cấp thị thực điện tử. Dù vậy, theo đánh giá chung, chính sách thị thực vẫn là “điểm nghẽn” lớn nhất trong quá trình thúc đẩy du lịch thành nền kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn nhận định: “Chúng ta đã chứng kiến mức tăng trưởng rất cao của ngành du lịch trong thời gian vừa qua nhưng dư địa để phát triển thực tế còn rất là lớn. Chính phủ đã có những chỉ đạo rất quyết liệt nhưng bấy nhiêu là chưa đủ. Chính sách miễn visa hiện nay vẫn còn ít về số lượng, chưa thông thoáng và kém cạnh tranh”.
Cụ thể, hiện tại, Việt Nam thực hiện miễn thị thực cho 23 quốc gia, 2/3 trong số đó là thời gian ngắn. Trong khi các quốc gia Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia, Singapore miễn thị thực cho nhiều quốc gia trên thế giới. Thái Lan miễn thị thực cho 61 quốc gia, Singapore miễn thị thực cho 158 quốc gia, Indonesia miễn thị thực cho 169 quốc gia…
Không chỉ vậy, các nước còn áp dụng một cách linh hoạt chính sách thị thực nhằm tạo điều kiện tối đa cho du khách như thị thực, thị thực điện tử, thị thực nhận tại cửa khẩu, thị thực quá cảnh… Ngoài ra, phần lớn các quốc gia trên miễn thị thực cho du khách 30-90 ngày và công bố chính sách trước sáu tháng và áp dụng 3-5 năm chứ không áp dụng “ngắn ngày” và nhỏ giọt như chính sách visa của Việt Nam. Các nước ASEAN đều xem chính sách này như đòn bẩy để thúc đẩy khách quốc tế đến với họ.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: Báo Dân trí