Pháp luật

Xử ông Đinh La Thăng: 20 tỷ tiền tang vật trôi về đâu?

Trong khi PVN cho rằng số tiền 20 tỷ đồng này là chuyện cá nhân giữa bị cáo Ninh Văn Quỳnh và Nguyễn Xuân Sơn, Oceanbank muốn nhận lại số tiền.

Chiều 23/3, phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm vụ làm thất thoát 800 tỷ đồng của PVN tại Oceanbank tiếp tục với phần tranh luận.

Tại tòa, luật sư Nguyễn Văn Thái, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho PVN nêu ra vấn đề bối cảnh, điều kiện thực tế thời điểm PVN góp vốn vào Oceanbank để mong HĐXX có đánh giá khách quan, toàn diện trong quá trình giải quyết vụ án.

Việc PVN chủ động ký thỏa thuận với đối tác, ban hành các nghị quyết và quyết định nội bộ, sau đó xin ý kiến chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền khi quy định của pháp luật yêu cầu là cần thiết.

Việc này nhằm đáp ứng thực tiễn sản xuất kinh doanh, với điều kiện hiệu lực thực thi của các văn bản trên phụ thuộc vào chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, điều này giúp người phê duyệt có cơ hội tiếp cận tối đa thông tin trước khi ra quyết định.

Luật sư Nguyễn Văn Thái.

Quy trình này cũng phù hợp với thực tế công việc tại PVN nói riêng và hầu hết DN, cơ quan, tổ chức nói chung. Rất mong HĐXX lưu tâm để không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tính tự chủ của doanh nghiệp, trong đó có PVN.

Vẫn theo ông Thái, bối cảnh PVN góp vốn lần sau cùng vào Oceanbank khi có sự thay đổi của chính sách, pháp luật cũng là vấn đề rất đáng lưu tâm.

"Chúng tôi cho rằng, vào thời điểm Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, giới hạn lại mức trần vốn góp của một tổ chức không vượt quá 15% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, việc thực thi rất cần có hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền và có kế hoạch, lộ trình phù hợp, đặc biệt khi tồn tại sự khác biệt giữa các quy định pháp luật", lời ông Thái.

Về hậu quả của vụ án đối với PVN, luật sư cho rằng, việc mua lại toàn bộ cổ phần của Oceanbank với giá 0 đồng theo quyết định của NHNN đã chấm dứt tư cách cổ đông của PVN tại Oceanbank. Tuy nhiên, TAND TP Hà Nội đã kiến nghị Thủ tướng xem xét lại chủ trương mua 0 đồng tại bản án hình sự sơ thẩm số 330/2017/HS-ST ngày 29/9/2017.

Luật sư đề nghị HĐXX tiếp tục kiến nghị Thủ tướng "xem xét đánh giá lại việc mua cổ phần của các tổ chức tín dụng với số tiền 0 đồng đã thực hiện với một số tổ chức tín dụng, trong đó có Oceanbank, cho phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành". Qua đó cũng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của PVN.

Về vấn đề lãi ngoài hợp đồng tiền gửi tại OceanBank, luật sư nêu: "PVN hoàn toàn không có chủ trương và không nhận lãi ngoài từ OceanBank hay bất kỳ NH nào khác. Một số vị luật sư đã sử dụng và đặt ra nghi vấn về việc PVN có chủ trương và nhận tiền lãi ngoài hợp đồng tiền gửi từ OceanBank trong quá trình xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa đã gây ra định kiến và dư luận bất lợi cho hình ảnh, uy tín của PVN.

Luật sư Thái đề nghị HĐXX căn cứ vào kết quả điều tra và kết luận của cơ quan tố tụng để xác định trách nhiệm dân sự các bị cáo phải liên đới bồi thường cho PVN 800 tỷ đồng.

20 tỷ đồng trôi về đâu?

Về việc xử lý vật chứng 20 tỷ đồng mà bị cáo Ninh Văn Quỳnh chiếm đoạt, luật sư Thái cho rằng, đây là quan hệ cá nhân phát sinh giữa ông Nguyễn Xuân Sơn và bị cáo Quỳnh, chỉ liên quan đến tội danh VKS cáo buộc cho riêng ông Quỳnh.

Đề nghị HĐXX căn cứ vào các tình tiết khách quan của vụ án, trên cơ sở hồ sơ đã được thẩm tra công khai tại tòa để ra quyết định xử lý vật chứng phù hợp với quy định pháp luật, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các đương sự.

Luật sư Vũ Thị Kim Ngọc, người đại diện cho NH Oceanbank đưa ra ý kiến: Về khoản tiền 20 tỷ đồng mà bị cáo Quỳnh nhận từ bị cáo Sơn được ông Sơn xác là tiền mà Hà Văn Thắm đưa cho.

Việc này liên quan đến chuyện chăm sóc khách hàng và được giải quyết trong vụ án khác. Nhưng trong vụ án này, xác định giải quyết số tiền này là tang vật vụ án, đề nghị HĐXX xem xét, tuyên trả lại cho Oceanbank.

Tác giả: T.Nhung

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP