Pháp luật

Xét xử phúc thẩm vụ án ly hôn vợ chồng ông bà chủ Trung Nguyên

Sáng nay (ngày 18-9), TAND cấp cao tại TPHCM mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp hôn nhân và gia đình giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên.

Theo dự kiến, phiên tòa kéo dài trong 3 ngày. Tại phiên tòa lần này, bà Thảo có 2 người đại diện là ông Đặng Ngọc Hoàng Hưng và ông Hoàng Anh Tuấn.
Phía bà Thảo có sự thay đổi so với phiên tòa sơ thẩm về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, là 5 luật sư: Lê Thành Kính, Lê Thị Hoài Giang, Đoàn Thị Hồng Trang, Phạm Công Hùng, Lê Thị Kim Liên.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 3

Phía ông Vũ không có sự thay đổi so với phiên tòa sơ thẩm. Cụ thể, ông Vũ có người đại diện là bà Lê Thị Ước (mẹ ông Vũ) và ông Nguyễn Chính. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn là các luật sư Trương Thị Hòa, Hoàng Hữu Nhân, Nguyễn Minh Tâm.

Ngoài ra, tòa án cũng triệu tập 3 ngân hàng gồm Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Công ty CP nguyên liệu thực phẩm Á Châu Sài Gòn.

Trước đó, cuối tháng 3 vừa qua, TAND TPHCM xét xử sơ thẩm, tuyên cho vợ chồng ông Vũ – bà Thảo ly hôn và phân chia tài sản, nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.

Sau đó, cả hai bên đều kháng cáo. Bà Thảo kháng cáo không muốn ly hôn, xin được đoàn tụ với ông Vũ, đồng thời không đồng ý việc tòa phân chia tài sản theo tỉ lệ 6/4 và giao quyền điều hành Trung Nguyên cho ông Vũ.

Trong khi đó, ông Vũ cũng kháng cáo yêu cầu chia tài sản tranh chấp theo tỷ lệ ông sở hữu 70%, bà Thảo 30%.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại phiên tòa sơ thẩm

Cụ thể, theo bản án sơ thẩm, về quan hệ hôn nhân, tòa án chấp thuận cho bà Thảo và ông Vũ ly hôn theo nguyện vọng của hai bên. 4 người con chung được giao cho bà Thảo chăm sóc, nuôi dưỡng. Ông Vũ có trách nhiệm cấp dưỡng như thỏa thuận trước đó (cấp dưỡng 10 tỷ đồng/năm cho 4 con từ năm 2013 cho đến khi các cháu học xong đại học).

Về yêu cầu phân chia phần vốn góp của vợ chồng tại các công ty con thuộc Tập đoàn Trung Nguyên, hội đồng xét xử nêu quan điểm: việc chia tài sản là cổ phần của vợ chồng về nguyên tắc là chia đôi, có tính đến công sức đóng góp của hai bên. Ông Vũ là người có công đóng góp nhiều hơn trong việc thành lập, hoạt động, điều hành Tập đoàn Trung Nguyên và trong việc tạo lập tài sản chung của vợ chồng nên được chia 60%, bà Thảo được chia 40%.

Căn cứ vào sự đóng góp của ông Vũ và để không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, tòa quyết định giao ông Vũ quyền điều hành Tập đoàn Trung Nguyên.

Ông Vũ có trách nhiệm thanh toán trị giá cổ phần bà Thảo sở hữu bằng tiền mặt cho bà. Tổng cộng số tài sản chung của hai vợ chồng (trừ bất động sản) khoảng hơn 7.500 tỷ đồng, trong khi ông Vũ được chia tương đương hơn 4.500 tỷ đồng.

Đối với 13 bất động sản là tài sản chung, tòa ghi nhận sự thỏa thuận của hai bên. Theo đó, ông Vũ sở hữu 6 bất động sản đang quản lý, trị giá hơn 350 tỷ đồng; bà Thảo sở hữu 7 bất động sản đang quản lý, trị giá hơn 375 tỷ đồng.

Bà Thảo có nghĩa vụ trả lại cho ông Vũ phần chênh lệch 12,5 tỷ đồng. Về khối tài sản trị giá khoảng 1.764 tỷ đồng bà Thảo đang gửi tại 3 ngân hàng, hội đồng xét xử xác định đây là tài sản chung, sẽ chia đôi nhưng có tính đến công sức đóng góp của các bên.

Hội đồng xét xử giao bà Thảo tiếp tục quản lý phần tài sản này, số tiền chênh lệch được cấn trừ vào trị giá cổ phần ông Vũ nhận lại từ bà Thảo. Như vậy, ông Vũ phải thanh toán cho bà Thảo tài sản chênh lệch gần 1.224 tỷ đồng.

Tác giả: MAI HOA

Nguồn tin: Báo Sài Gòn Giải Phóng

  Từ khóa: Trung Nguyên , ly hôn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP