Trong nước

Vụ cựu lãnh đạo Sở VHTT làm lộ danh tính người tố cáo xử lý thế nào?

Theo quan điểm của luật sư, việc lãnh đạo Sở Văn hoá Thể thao (VHTT) không giải quyết đơn tố cáo, làm lộ danh tính người tố cáo đã vi phạm Luật tố cáo, do đó tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vừa qua, UBND TP Hà Nội giao Sở Nội vụ tham mưu xử lý đối với ông Tô Văn Động, nguyên Giám đốc Sở VHTT vì không giải quyết đơn tố cáo của công dân, làm lộ danh tính người tố cáo; Giao Sở VHTT tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm với bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc sở này và các cá nhân liên quan.

UBND TP Hà Nội giao Sở Nội vụ tham mưu xử lý đối với ông Tô Văn Động, nguyên Giám đốc Sở VHTT

Cụ thể, bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội bị tố cáo không giải quyết đơn của công dân liên quan việc quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội (gọi tắt là Trung tâm Huấn luyện).

Cơ quan chức năng xác định, nội dung tố cáo trên thuộc thẩm quyền giải quyết của Giám đốc Sở VHTT theo quy định tại Luật tố cáo. Tuy nhiên, Giám đốc Sở VHTT không giải quyết đơn tố cáo của công dân mà chuyển đơn đến Trung tâm Huấn luyện giải quyết, là không đúng quy định của Luật tố cáo; đồng thời làm lộ bí mật thông tin cá nhân của người tố cáo. Trách nhiệm thuộc về ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội.

UBND TP cũng giao Sở VHTT tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm với bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc sở

Liên quan đến vụ việc, luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng, việc lãnh đạo Sở VHTT chuyển đơn tố cáo Trung tâm Huấn luyện cho Trung tâm này xử lý là không đúng thẩm quyền, có sai phạm và UBND thành phố Hà Nội đã có đề nghị kỷ luật với những lãnh đạo này.

Luật sư Tuấn Anh dẫn chứng, tại Điều 8, Luật tố cáo, các hành vi bị nghiêm cấm trong tố cáo và giải quyết tố cáo bao gồm tiết lộ họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và thông tin khác làm lộ danh tính của người tố cáo; không giải quyết hoặc cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc giải quyết tố cáo để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây phiền hà cho người tố cáo, người bị tố cáo.

Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó giải quyết. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết.

“Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, người giải quyết tố cáo có hành vi quy định tại Điều 8 của Luật này hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật trong việc giải quyết tố cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật” – luật sư Tuấn Anh cho biết.

Tuy nhiên theo quan điểm của luật sư Tuấn Anh, thì khó có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người không giải quyết tố cáo hoặc giải quyết tố cáo không đúng, bởi không có điều luật chuyên biệt. Do đó, trong vụ việc này, tiết lộ danh tính người tố cáo là để lộ bí mật công tác và trên thực tế cũng khó xử lý về hành vi cấu thành tội này.

Còn về phía người tố cáo, nếu có thể chứng minh được bị thiệt hại trong vụ việc thì có thể yêu cầu lãnh đạo Sở VHTT bồi thường. Nhưng để chứng minh được hành vi này gây thiệt hại bằng một số tiền nhất định cũng cực kỳ khó khăn.

“Đây cũng là một bài học, các cán bộ cần phải nắm được quy định của pháp luật không thể chỉ là “nơi chuyển đơn” của người tố cáo cho người khác xử lý, ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của người dân dẫn đến việc tố cáo ngày càng phức tạp hơn và đây cũng là nguyên nhân xảy ra tình trạng khiếu nại vượt cấp, khiếu nạn không đúng và khiếu nại tràn lan” – luật sư Tuấn Anh nói.

Theo Điều 22, Nghị định số 31/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc xử lý kỷ luật đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo như sau:

1. Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây: (a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc giải quyết tố cáo để thực hiện hành vi trái pháp luật; (b) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo vệ người tố cáo dẫn đến việc người tố cáo bị trả thù, trù dập.

2. Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây: (a) Tiết lộ họ, tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và những thông tin khác làm lộ danh tính của người tố cáo; (b) Cố ý không thụ lý tố cáo, không ban hành kết luận nội dung tố cáo; không quyết định xử lý tố cáo theo thẩm quyền hoặc không kiến nghị người có thẩm quyền xử lý tố cáo.

3. Hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây: (a) Cố ý không giải quyết hoặc cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật gây mất ổn định, an ninh, trật tự xã hội; (b) Cố ý bỏ qua các bằng chứng, bỏ lọt các thông tin, tài liệu, làm mất hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ việc; bao che cho người bị tố cáo gây mất ổn định, an ninh, trật tự xã hội; (c) Không áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo thuộc thẩm quyền làm cho người tố cáo bị trả thù, trù dập dẫn đến thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe với tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc bị chết.

Tác giả: Thanh Hà

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP