Kinh tế

VietinBank sẵn sàng vốn vay cho các doanh nghiệp FDI

Ngân hàng có những bộ phận chuyên biệt phục vụ riêng doanh nghiệp FDI như Japan Desk, Korea Desk và Chinese Desk.

Theo công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 6 năm nay, cả nước có 1.366 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 11,8 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kì năm ngoái. Tổng số vốn giải ngân là 180,74 tỷ USD, chiếm 54,6% tổng số vốn đăng ký.

Đầu tư gián tiếp nước ngoài cũng tăng mạnh với 2.749 thương vụ M&A đã ký kết, tổng số vốn đầu tư lên tới 4,1 tỷ USD. Trong những năm gần đây, nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) thu hút lượng đầu tư lớn và xu hướng này dự kiến còn tiếp tục trong tương lai.

Bất động sản được dự đoán sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư. Lĩnh vực tài chính - ngân hàng tiếp tục tạo điều kiện các hoạt động M&A nhờ các chính sách thúc đẩy tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Dù vậy, theo đánh giá của cơ quan quản lý, sự liên kết giữa khu vực FDI với khu vực doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị chưa đạt như kỳ vọng.

Ngân hàng có nhiều động thái để nhắm tới khách hàng doanh nghiệp FDI.

Với lợi thế nắm bắt thông tin tình hình tài chính các doanh nghiệp, có mạng lưới khách hàng doanh nghiệp uy tín, các ngân hàng trong nước được đánh giá là có khả năng nối doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI cùng với các tổ chức, hiệp hội.

Tại Việt Nam hiện có hơn 50 ngân hàng nước ngoài hoạt động, trong đó có 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Các nhà băng ngoại có lợi thế cạnh tranh về danh tiếng, kinh nghiệm, trình độ quản trị và sức khỏe tài chính. Dù vậy vẫn không thể phủ nhận nỗ lực và năng cạnh tranh của các ngân hàng nội thời gian qua.

Trong số đó có ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) với tiềm lực tài chính, am hiểu thị trường và khả năng kết nối các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI.

VietinBank là ngân hàng tiên phong hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp FDI ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản và thương mại.

Nhà băng khẳng định đã đầu tư bài bản nhằm phục vụ tốt nhất các nhu cầu tài chính của các doanh nghiệp FDI thông qua việc cung ứng các cơ chế chính sách đặc thù dành cho các doanh nghiệp này.

Ngân hàng đã thành lập Japan Desk, Korea Desk và Chinese Desk để chuyên nghiệp hóa và nâng cao hiệu quả phát triển khách hàng là doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và nhóm khách hàng nói tiếng Trung.

Các mối quan hệ hợp tác cũng được nhà băng này chú trọng thiết lập với các định chế tài chính uy tín trên toàn thế giới: JFC, Bank of America, Commerzbank, KDB, Krungsri Bank, Kasikorn Bank, KeximBank, các NH địa phương Nhật Bản. Từ đó, các chương trình kết nối kinh doanh (Business Matching) cho các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp Việt Nam được triển khai.

VietinBank nằm trong Top 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới trong 6 năm liên tiếp của Forbes và vị trí 310 trong Top 400 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất thế giới theo xếp hạng của Brand Finance.

Các đối tác chiến lược dài hạn của ngân hàng là tên tuổi hàng đầu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore như: LG Electronics, Lotte, Hyosung, Piaggio, Brotex, Gain Lucky, CP, Phú Mỹ Hưng, VSIP...

Hàng năm, tổng dư nợ cho vay của ngân hàng tăng 35%. Trong đó, số lượng khách hàng là doanh nghiệp FDI tăng 16% mỗi năm. Đến năm 2017, ngân hàng có gần 3.000 khách hàng là doanh nghiệp nước ngoài.

Với thông điệp "VietinBank - Ngân hàng nội địa dành cho doanh nghiệp quốc tế", ngân hàng này muốn khẳng định sẽ sẵn sàng đáp ứng nhu cầu cho các đối tác lớn toàn cầu, trong đó có các doanh nghiệp FDI và các nhà đầu tư đến với thị trường Việt Nam.

Tác giả: Thanh Thư

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: vietinbank , FDI

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP