Phóng viên Dân trí đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Phạm Hồng Chương – Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân về vấn đề này.
PGS.TS Phạm Hồng Chương – Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Thông tin trường Đại học Kinh tế quốc dân tăng học phí đã gây “sốc” đối với sinh viên, ông giải thích vì sao lại có sự tăng đột ngột này?
Sinh viên khi nhập học trường Đại học Kinh tế Quốc dân đều đã được thông báo công khai mức học phí. Lộ trình tăng học phí được nhà trường tuân thủ theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính Phủ ban hành ngày 2/10/2015.
Năm học 2016-2017 nhà trường đã tăng mức học phí của 5 chuyên ngành “xã hội hóa cao” lên mức bình quân 17,5 triệu/sinh viên/năm trong khi 12 chuyên ngành chỉ ở mức bình quân 12 triệu/sinh viên/năm.
Như vậy, về tổng thể mức tăng học phí của trường thấp hơn nhiều trần học phí cho phép thu tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính Phủ (17,5 triệu/năm). Khi đi đến quyết định tăng học phí, nhà trường cũng đã cân nhắc nhiều khía cạnh và xác định mức học phí này được xây dựng trên cơ sở cân đối chi phí đào tạo, đồng thời vẫn đảm bảo cơ hội tiếp cận các chương trình đào tạo đối với các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên thuộc đối tượng chính sách. Theo thông tin hiện tại, đây là mức học phí không phải cao nhất trong các trường công lập khối kinh tế.
Tôi cũng được biết trên một số mạng xã hội có bàn về việc trường Đại học Kinh tế Quốc dân tăng học phí gây “sốc”. Việc một số sinh viên cảm thấy “sốc” với mức học phí mới tăng trong năm học 2016-2017 có thể do các em chưa có được thông tin đầy đủ.
Đối với các em sinh viên đã nắm rõ lộ trình tăng học phí của nhà trường thì không có gì là bất ngờ. Tôi khẳng định nhà trường thực hiện đúng những cam kết của mình trước xã hội và đúng các quy định của Nhà nước.
Nhân đây, nhà trường rút kinh nghiệm sẽ triển khai thực hiện công tác truyền thông tốt hơn để các em sinh viên và xã hội hiểu rõ hơn về các quyền và nghĩa vụ của các em cũng như của nhà trường.
Khi đưa ra mức học phí cao này, trường có tính đến các đối tượng sinh viên nghèo, hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách không?
Mức học phí cao (530.000/tín chỉ) chỉ áp dụng đối với 5 chuyên ngành xã hội hóa cao đối với sinh viên K57, K58. Có 12 ngành đang có mức học phí thấp hơn nhiều với mức 375.000/tín chỉ. Đối với sinh viên K56 trở về trước, mức học phí chỉ là 290.000/tín chỉ.
Như tôi đã nói, mức học phí đều đã được công bố công khai trước khi các em sinh viên đăng ký vào trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Vì vậy, đối với các em sinh viên nghèo, hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách các em vẫn có thể học ở trường Đại học Kinh tế Quốc dân ở các ngành có mức học phí thấp. Bên cạnh đó, nhà trường thực hiện nghiêm túc các chính sách miễn giảm học phí để đảm bảo các em sinh viên hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách có cơ hội tiếp cận các chương trình đào tạo của trường.
Ngoài ra, đối với các em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên thuộc đối tượng chính sách mong muốn được học các ngành “xã hội hoá cao” của trường Đại học Kinh tế Quốc dân, các em vẫn có cơ hội được học với các mức học bổng phù hợp. Hiện nay, Nhà trường đã có Quỹ học bổng do các Tập đoàn lớn như Vingroup, Hoà Phát, Bảo Việt và các cựu sinh viên của trường tài trợ. Quỹ học bổng này đã lên tới tương đương 50 tỷ và là một trong những quỹ học bổng lớn nhất các trường đại học hiện nay. Những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên thuộc diện chính sách có lực học tốt đều được xét cấp học bổng.
Một điểm mới trong chính sách hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên thuộc diện chính sách của trường Đại học Kinh tế Quốc dân là hỗ trợ việc làm cho sinh viên. Hàng năm, nhà trường đã hỗ trợ và tạo việc làm cho hàng trăm sinh viên để có thêm thu nhập trang trải học phí và sinh hoạt phí. Các em sinh viên có có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên thuộc diện chính sách nếu có quyết tâm, nỗ lực đều có thể vươn lên ở mái trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Như vậy, tôi khẳng định, mức tăng học phí của trường Đại học Kinh tế Quốc dân không làm mất đi cơ hội tiếp cận các chương trình đào tạo của trường đối với các em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên thuộc đối tượng chính sách.
Trước phản ứng của một số sinh viên về việc tăng học phí, nhà trường thấy thế nào?
Trước hết tôi rất chia sẻ với những ưu tư của sinh viên và gia đình. Tuy nhiên, Nhà trường cũng rất mong nhận được sự thấu hiểu và đồng cảm từ phía xã hội, từ sinh viên và gia đình đối với lộ trình tăng học phí đã được phê duyệt và công bố từ trước. Tăng học phí như hiện nay lựa chọn bắt buộc đối với Nhà trường và là một trong những bước thực hiện Đề án Tự chủ của trường để xây dựng trường thành trường Đại học định hướng nghiên cứu đạt chuẩn khu vực và thế giới.
Về phía nhà trường, chúng tôi cam kết sử dụng nguồn thu một cách có hiệu quả để nâng cao chất lượng đào tạo của trường. Các em sinh viên, hơn ai hết sẽ là những người hưởng thụ những thành quả từ sự đổi mới của trường.
Trên thực tế, Nhà trường đã luôn cố gắng thông qua những chương trình học bổng, miễn giảm học phí để ghi nhận sự cố gắng của những sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, giảm bớt gánh nặng tài chính, thực hiện giá trị của tiếp cận giáo dục đại học công bằng, khích lệ các em sinh viên vượt qua khó khăn, thử thách, cố gắng trong học tập.
Trong năm qua, sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân được trao tặng 03 suất học bổng toàn phần trị giá 50 triệu/ suất/năm; các suất học bổng bán phần trị giá 25 triệu/ suất; cùng khoảng 2600 suất học bổng khuyến khích học tập, học bổng hỗ trợ sinh viên vượt khó, học bổng phát triển tài năng, học bổng ưu tiên xét tuyển cho học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế giá trị lên tới hơn 8 tỉ đồng…
Nhiều chính sách học bổng đang chờ những sinh viên giỏi
Như ông đã nói việc tăng học phí này là một trong những bước thực hiện đề án Tự chủ của nhà trường. Nhưng có ý kiến cho rằng nhà trường vẫn phải thuê phòng học ở ngoài, chất lượng đào tạo chưa có nhiều cải thiện, ông nghĩ sao?
Năm học 2013-2014 nhà trường đã phải thuê ngoài tới 72 phòng học tại 3 cơ sở ngoài trường do đang thi công Nhà trung tâm đào tạo. Sau khi rà soát, đánh giá điều kiện cơ sở vật chất tại các giảng đường thuê ngoài, nhà trường đã quyết định đầu tư thêm giảng đường thuộc khuôn viên trường với các điều kiện tốt.
Đến nay nhà trường chỉ còn thuê ngoài tại 1 địa điểm (54 Vũ Trọng Phụng) với 35 phòng học. Đây thực sự là nỗ lực rất lớn của nhà trường để giảm đến mức tối thiểu giảng đường thuê ngoài. Kế hoạch đến năm 2017 nhà trường sẽ không còn phải thuê ngoài giảng đường. Các em sinh viên sẽ được học trong các giảng đường hiện đại và tiện nghi của Toà nhà Trung tâm đào tạo, trước kế hoạch 1 năm.
Nói vậy không có nghĩa nhà trường đã bằng lòng với những gì đã làm được. Trong năm học 2016-2017, nhà trường sẽ tiếp tục đầu tư thêm cơ sở vật chất cho điều kiện dạy và học của giảng viên và sinh viên. Các giảng đường thuê ngoài tại 54 Vũ Trọng Phụng sẽ được đảm bảo về máy chiếu, hệ thống chiếu sáng, âm thanh và các tiện nghi cơ bản cho quá trình dạy và học đạt chất lượng.
Bên cạnh việc đầu tư thêm cho cơ sở vật chất, nhà trường cũng đã đầu tư mạnh vào việc nâng cao chất lượng đào tạo và môi trường học tập cho các em sinh viên. Hệ thống giáo trình học liệu, cơ sở dữ liệu điện tử đã được nhà trường đầu tư và cập nhật thường xuyên, sách và giáo trình phục vụ sinh viên được bán với giá rất ưu đãi, thấp hơn chi phí xuất bản.
Tôi có thể khẳng định cơ sở dữ liệu và tài liệu phục giảng dạy và học tập, đội ngũ giảng viên của trường Đại học Kinh tế Quốc dân thuộc nhóm đứng đầu trong khối các cơ sở đào tạo ngành kinh tế và quản trị kinh doanh. Chương trình đào tạo của trường cũng thường xuyên được cập nhật và hoàn thiện theo hướng tăng cường tính hội nhập quốc tế.
Như vậy, trong những năm qua nhà trường đã luôn cố gắng dành mọi nỗ lực để nâng cao chất lượng đào tạo, tạo điều kiện tốt nhất cho các em sinh viên có được một môi trường học tập thân thiện, đảm bảo chất lượng hướng tới đạt chuẩn quốc tế.
Ông chia sẻ gì với sinh viên đang theo học tại trường và các thí sinh sắp bước vào giảng đường Trường đại học Kinh tế Quốc dân?
Đối với các em sinh viên đang theo học tại nhà trường, dựa trên kết quả học tập của mình, các bạn hãy tìm hiểu kỹ các điều kiện tiếp cận với các nguồn hỗ trợ tài chính (học bổng) của nhà trường để tiếp tục thực hiện hoài bão và ước mơ của mình.
Đối với các thí sinh dự kiến đăng ký vào Trường năm nay, các em hãy tìm hiểu các chương trình đào tạo khác nhau của Nhà trường phù hợp với điều kiện và mong muốn của riêng mình. Hãy tìm hiểu các quy định liên quan đến chính sách miễn giảm học phí, các quỹ học bổng hiện có của nhà trường cũng như các nguồn vay ưu đãi của nhà nước. Hãy coi đây là một khoản đầu tư cho tương lai và sau khi tốt nghiệp sẽ hoàn trả từng phần.
Các em sinh viên hãy học thật tốt, cố gắng với nỗ lực cao nhất để đảm bảo hiệu suất của khoản đầu tư cho học tập đạt mức tối ưu. Các quỹ học bổng luôn rộng mở để tiếp sức cho những nỗ lực và quyết tâm theo đuổi ước mơ của các em.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Tác giả bài viết: Hồng Hạnh (thực hiện)