Giáo dục

Vì sao điểm Lịch sử lại thấp thê thảm?

Sau khi công bố điểm thi, phân tích phổ điểm, Bộ GD&ĐT thừa nhận, hai môn Lịch sử và Tiếng Anh có điểm thấp nhất trong tất cả các môn.

Đề khó, học sinh không đầu tư chính là nguyên nhân khiến điểm Lịch sử thấp

Cụ thể môn Ngữ văn năm nay có mức điểm trung bình là 5,45 điểm (năm 2017 điểm trung bình là 5,51) và điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là điểm 6. Điểm cao nhất là 9,75 và toàn quốc chỉ có 7 thí sinh đạt mức điểm này; 168 thí sinh đạt mức điểm 9,5 và 412 thí sinh đạt điểm 9,25. Trong khi đó có tới 783 thí sinh bị điểm liệt, 32,3% thí sinh có mức điểm dưới trung bình (năm 2017 là 28,23%). So sánh tỉ lệ này với năm 2017 có 2.151 thí sinh đạt điểm 9-10 thì con số này năm nay thấp hơn rất nhiều. Tỉ lệ thí sinh đạt điểm trên trung bình 2017 cũng đạt 71,77%.

Lịch sử và Tiếng Anh là hai môn có điểm thấp nhất trong tất cả các môn. Cụ thể, môn Tiếng Anh có mức điểm trung bình là 3.91 điểm và có tới 2.189 thí sinh dưới 1 điểm (điểm liệt). Đặc biệt, có 78,22% thí sinh có điểm thi dưới mức trung bình (năm 2017 là 69%).

Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất năm nay ở môn Tiếng Anh là điểm 3. Theo đánh giá, Tiếng Anh là một trong hai môn thi có phổ điểm không đẹp vì điểm nghiêng chủ yếu về mức dưới trung bình và chỉ có 76 điểm 10; gần 5.000 điểm 9 trở lên (trong khi năm 2017 có gần 22.000 thí sinh đạt điểm 9 và 10).

Môn Lịch sử năm nay được cho là thấp thê thảm bởi toàn quốc có tới 83,24% thí sinh không đạt điểm trung bình, con số này năm 2017 là 61,9%. Môn Lịch sử năm nay có hơn 563.000 thí sinh đăng ký dự thi, điểm trung bình môn này là 3,79 điểm không thấp hơn điểm trung bình năm ngoái nhiều (4,6 điểm) trong khi điểm số nhiều thí sinh đạt nhất là 3,25.

Tuy nhiên, năm nay có ít thí sinh đạt điểm cao từ 8 trở lên và đặc biệt 1.277 thí sinh bị điểm liệt. Cụ thể, toàn quốc với hàng chục nghìn học sinh Trường THPT Chuyên cũng chỉ có 11 thí sinh đạt điểm 10 và 658 thí sinh đạt điểm 9 trở lên đến 9,75 điểm.

Môn Địa lý có phổ điểm tươi sáng hơn khi có mức điểm trung bình tuy không cao (5,46) nhưng số điểm nhiều thí sinh đạt nhất là 5,25 điểm và có tới 68,36% thí sinh đạt mức điểm trên trung bình. Đặc biệt,môn Địa lý có tới 29 thí sinh đạt điểm 10 và gần 3.000 thí sinh đạt điểm 9 trở lên. Tuy nhiên, dù được đánh giá đề thi dễ thở, được dùng Atlat để làm bài nhưng cũng có tới 513 thí sinh bị 0 điểm và 83 thí sinh bị 1 điểm.

Môn Giáo dục công dân được cho là tươi sáng nhất khi có tới 309 điểm 10 và 27.604 thí sinh đạt điểm 9 đến 9,75 trên tổng số 477,5 nghìn thí sinh đăng ký dự thi. Điểm trung bình môn này cũng cao nhất trong tất cả các môn khi lên tới 7,13 điểm, và số thí sinh đạt điểm dưới trung bình cũng có tỉ lệ nhỏ nhất trong tất cả các môn (4,93%). Tuy nhiên, cũng có 321 thí sinh bị điểm liệt.

GS TS Phạm Hồng Tung cho rằng, điểm môn Lịch sử, Tiếng Anh thấp là điều đáng buồn. Đặc biệt môn tiếng Anh được coi là "bàn chân" để bước ra thế giới nhưng năm nào điểm thi cũng thấp. Cũng theo GS, phương pháp ra đề năm nay được cho là bất ngờ nhất đối với thí sinh và giáo viên.

Bởi lẽ, trước đây, đề thi đánh giá cách dạy hiện hành là chỉ tiếp cận nội dung, truyền thụ kiến thức, thi cử kiểm tra lại việc ghi nhớ của học sinh. Trong khi năm nay, đề dành đa số cây hỏi để yêu cầu học sinh phân tích, đánh giá, suy luận đáp án đúng trên nền tảng kiến thức đã có. 15% câu hỏi kiểm tra khả năng vận dụng kiến thức.

Kỹ thuật ra đề cũng tiến bộ hơn những năm trước vì đã có nhiều yếu tố gây nhiễu trong đáp án, buộc học sinh phải có kiến thức mới trả lời được. Ngoài ra, một nguyên nhân nữa là đề vẫn nặng về khối lượng. Thí sinh chỉ có 50 phút làm bài mà có tới 40 câu hỏi, trong khi có nhiều câu thí sinh phải suy nghĩ, cân nhắc mới làm được. “Với thời gian này, đề chỉ cần 25-30 câu hỏi là phù hợp”, ông nói.

Ngoài ra, GS Tung cho rằng, kết quả môn Lịch sử đã bộc lộ chất lượng giáo dục theo cách cũ không đạt yêu cầu thi cử. Vì thế, cần có giải pháp thấu đáo, không nên đổ lỗi cho học sinh. Bởi lâu nay, học sinh chỉ được học cách ghi nhớ, ngồi nhét kiến thức nên học sinh cảm thấy nhàm chán. Các giáo viên trong trường THPT cũng không chỉ ra cho học sinh thấy ý nghĩa, học Lịch sử để làm gì.

Tác giả: NGUYỄN HÀ

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP