“Ai ơi, về miệt Tháp Mười.
Cá tôm sẵn bắt - lúa trời sẵn ăn”
Câu ca dao trên cho thấy: Thiên nhiên rất đỗi hào phóng ban phát cho vùng Đồng Tháp Mười có nhiều sản vật và nguồn lợi tôm, cá khá dồi dào. Nơi đây, nguồn lợi thủy sản thì ai cũng biết, nhưng sản vật lúa trời thì chỉ có những người cao niên mới biết, còn thế hệ trẻ ngày nay thì rất ít người biết tới…
Theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức thì: Lúa trời còn gọi là “Quỷ cốc”; còn những cụ sống lâu năm ở vùng Đồng Tháp Mười cho biết lúa trời còn gọi là lúa ma! Bởi lẽ, loại lúa này không ai gieo sạ mà nó tự nhiên mọc trên cánh đồng mênh mông nước của vùng Đồng Tháp Mười xưa và sống khỏe trong môi trường khắc nghiệt như: Khô hạn, lũ lụt, phèn mặn và chống chọi được với sâu bệnh...
Lúa ma tại Vườn QGTC có tên khoa học Oryza rufipogon là giống lúa có nguồn gen quý kháng rầy nâu và rầy lưng trắng. Hằng năm, vào khoảng tháng 4 dương lịch, lúc trời bắt đầu sa mưa, hột lúa bắt đầu nẩy mầm và mọc cao lên chừng 5 tấc, thân lúa cứng, lá to bản; rễ lúa ma có khả năng khử các chất gây chua và hút lấy dinh dưỡng, nước trong đất để tăng trưởng… Từ tháng 8 đến tháng 12, cây lúa vươn dài, ngoi lên khỏi mặt nước, lúa trời trổ đòng, đơm bông, vô hạt chắc rồi chín từ hạt vào lúc nửa đêm khuya khoắt và rơi rụng vào lúc mặt trời vừa ló rạng… Bông lúa ma to, dài và thẳng hơn lúa thường, hạt lúa trên bông rất thưa, nhỏ…
Ông Lê Huỳnh Phương - Phó Trưởng Phòng kinh doanh Trung tâm Du lịch và Giáo dục môi trường Vườn Quốc gia Tràm Chim cho biết: “Về đặc tính của cây lúa trời là chống đối được với lũ rất tốt. Mùa lũ, nước dâng cao thì không bị ngập- lúa ma trong một đêm sẽ vượt lên cao khỏi mặt nước. Nước lên tới đâu, lúa trời sẽ lên tới đó. Đặc biệt, khác với lúa mình là hột lúa nhỏ và có đuôi rất dài, sản lượng lại thấp nên đa số chỉ còn trong Vườn mình bảo tồn chứ người dân ở ngoài người ta sẽ tiêu diệt hết. Lúa ma có tự nhiên nên tất cả các dưỡng chất trong lúa ma hoàn toàn là thiên nhiên rất tốt cho sức khỏe. Hàm lượng đạm cũng như protein cao…”
Các đầu bếp ở khu ẩm thực của địa danh du lịch sinh thái rừng tràm Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh chia sẻ: “Sau khi đập lúa trời xong, đem về ngâm trong nước ba ngày rồi đem phơi cho rụng đuôi trước khi cho vào cối giã thành gạo giống như lúa thường, nhưng không giã gạo quá trắng. Khi nấu, đổ gạo và nước vào nồi đất, úp một lá sen vào nồi trước khi đậy vung, chất đốt được đun bằng củi hoặc rơm, nếu sử dụng nhiên liệu khác để đun sẽ làm giảm hương vị lúa trời. Cơm nấu bằng gạo lúa trời có màu hồng nhạt và vị ngọt, béo, thơm, dẻo... đặc trưng của miền quê sông nước Tây Nam Bộ”.
Lúa trời đang được bảo tồn lưu trữ nguồn gen tại Vườn QGTC để gửi sang Viện Lúa Quốc tế (IRRI) làm thành giống lúa mới thuộc nhóm IR chịu phèn tốt nhằm đáp ứng nhu cầu canh tác thích hợp ở những vùng U Minh, Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên.
Say lòng vào bãi chim mùa chim đẻ
Vào thời điểm này, du khách đến Vườn QGTC có dịp trải nghiệm xuồng kayak thân thiện môi trường, trải nghiệm cuộc sống ngư dân… Đặc biệt là xem bãi chim sinh sản, tận mắt chiêm ngưỡng từng đàn chim bay lượn, đút mồi cho chim con ăn…
Theo BQL Vườn QGTC cho biết, hiện nay có khoảng 6.000 cá thể chim đã về nơi đây. Trong đó, đặc biệt có 2.000 con cò ốc. Chúng tôi đang dọn một số lung, rọc trên cơ sở tự nhiên để tránh tác động môi trường để tạo cho khách du lịch vào đó có giới hạn bằng các thuyền bơi thôi…”
Tác giả bài viết: Nguyễn Hành - Trần Trọng Trung
Nguồn tin: