Nằm cách Quốc lộ 1A và trung tâm huyện Quỳnh Lưu hơn 5km, tọa lạc ngay tại trung tâm xã Quỳnh Yên, chùa Lam Sơn trở thành biểu tượng tâm linh, tín ngưỡng của người dân địa phương, các vùng lân cận và cả với du khách thập phương.
Ngày 8/11/2012, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định số 4446/QĐ-UBND-NC về chấp thuận phục hồi cơ sở Phật giáo chùa Lam Sơn (xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của bà con nhân dân và Phật tử.
Theo đó, ngày 19/11/2013, UBND tỉnh đã có quyết định số 5472/QĐ-UBND-ĐTXD phê duyệt quy hoạch chi tiết về xây dựng chùa Lam Sơn với tổng diện tích đất chùa được quy hoạch 5.482,37m2, trong đó diện tích xây dựng chùa 1.961.38m2.
Chùa Lam Sơn được xây dựng theo kiểu kiến trúc “nội công ngoại quốc” do những nghệ nhân từ Ninh Bình thi công. Đây là kiểu kiến trúc chùa chiền cổ phổ biến ở đồng bằng Bắc bộ. Chùa gồm các hạng mục nhà thờ Tổ; đại hùng bảo điện (hay còn gọi là Tam bảo); hai bên là lầu chuông và lầu trống; tả hữu hành lang; cổng tam quan và các công trình phụ trợ khác. Công trình này có tổng kinh phí 50 tỷ đồng, nguồn lực từ xã hội hóa. Dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018.
Đặc biệt, các hạng mục của ngôi chùa được xây dựng chủ yếu bằng gỗ lim và gỗ sến nhập khẩu từ châu Phi với tổng khối lượng khoảng 1.200m3. Riêng khu nhà thờ Tổ được làm hoàn toàn bằng gỗ kiền kiền. Trong đó, cột gỗ cao nhất là 7,58m, đường kính tất cả các cột là 55cm.
Sau hơn 3 năm phục dựng, đến nay chùa Lam Sơn, xã Quỳnh Yên (Quỳnh Lưu, Nghệ An) đang dần hoàn thiện và được coi là ngôi chùa gỗ lớn nhất Bắc Trung bộ.
Hiện nay công việc phục dựng đã hoàn thành công tác quy hoạch đất, dựng xong đại hùng bảo điện và đặt bộ Tam Thế Phật, bộ tượng Di Đà Tam Tôn, bộ Thích Ca Liên Hoa, và một số tượng Phật khác. Ở đây, các tượng Phật chủ yếu được chạm trổ bằng gỗ quý, hậu cung Tam bảo, nhà trung và nhà hạ của Tam bảo, nhà thờ Tổ, cổng tam quan, lầu chuông, lầu trống cũng đã cơ bản hoàn thành.
Theo tộc phả của các họ lớn đầu tiên ở xã Quỳnh Yên (Quỳnh Lưu) và các cụ cao niên thì chùa Lam Sơn được làm từ thời kỳ Lê Trung Hưng năm 1712. Trước đây, chùa được xây dựng giữa làng Thượng Yên, xã Quỳnh Yên, trên khoảng đất rộng, cao ráo, thời bình chùa là nơi che chở người tu hành và Phật tử thập phương, là nơi cầu an cho nhân dân trong làng.
Trong thời kỳ kháng chiến, chùa là nơi diễn thuyết, tổ chức các cuộc mít-tinh, kêu gọi nhân dân tham gia kháng chiến. Trải qua những biến cố, thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa đã bị phá bỏ vào những năm cải cách ruộng đất, các đồ tế khí, tượng Phật cũng dần mai một.
Theo Sư thầy Thích Quảng Văn, trụ trì chùa Lam Sơn: “Hiện công trình chùa Lam Sơn vẫn còn nhiều hạng mục, nhất là các công trình phụ trợ như ao sen, hệ thống bờ bao... chưa được hoàn thiện. Theo tiến độ như hiện nay thì có thể đến năm 2018, công trình phục dựng, tôn tạo chùa Lam Sơn sẽ hoàn thành. Khi đó, đây sẽ là ngôi chùa làm thuần gỗ có quy mô nhất Bắc Trung bộ”.
Không chỉ được biết đến là ngôi chùa bằng gỗ lớn nhất khu vực Bắc Trung bộ, mới đây, chùa Lam Sơn còn tiếp nhận thêm pho tượng Phật Bồ Đề Đạt Ma bằng gỗ nu nghiến nguyên khối lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm này với chiều cao 3,8m, nặng hơn 3 tấn.
Được biết, pho tượng Bồ Đề Đạt Ma do ông Hoàng Văn Long, một người con quê hương Quỳnh Yên cung tiến. Trước đó, doanh nhân này đã mua được cây gỗ nu nghiến tự nhiên từ nước Lào về và thuê một nghệ nhân ở huyện Đông Anh (Hà Nội) tạc trong 6 tháng.
Tượng được đưa về chùa Lam Sơn từ cuối tháng 11/2015 (âm lịch), tới ngày mùng 4 tháng Chạp thì được dựng trang trọng ở khu nhà thờ tổ.
Chùa Lam Sơn sau khi được phục dựng, tôn tạo sẽ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, giữ gìn truyền thống bản sắc văn hóa quê hương. Đồng thời, nêu cao lòng từ bi hướng thiện trong sinh hoạt cộng đồng trong nhân dân nói chung và của các Phật tử xa gần nói riêng, không chỉ phục vụ cho nhu cầu tính ngưỡng cho người dân mà còn phục vụ nhu cầu tham quan, lễ Phật của du khách thập phương, góp phần phát triển ngành du lịch trong tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Một số hình ảnh về ngôi chùa gỗ độc đáo đang dần hoàn thiện:
Nguồn tin: Báo Xây dựng