Thành phố Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) nổi tiếng với những làng hoa nổi rất độc đáo, như làng Tân Quy Đông. Cách trồng ở đây không giống các nhà vườn ở Đà Lạt: hoa được trồng trong giỏ đan bằng tre, gác lên giàn cũng làm bằng tre trên những con lạch nhỏ. Các công đoạn từ trồng, chăm sóc đến thu hoạch... đều dùng xuồng. Ngày thường yên ắng, nhưng càng gần Tết, những nơi này càng nhộn nhịp. Hoa hồng, cúc mâm xôi, vạn thọ khoe sắc, theo những chiếc xuồng nhỏ ra bến sông, rồi từ đó tỏa đi khắp các tỉnh miền Nam.
Sẽ thiếu sót lớn nếu về Sa Đéc mà bạn chưa ghé thăm ngôi nhà được lấy làm bối cảnh trong phim “Người tình”. Ngôi nhà nằm trên đường Nguyễn Huệ, sát bờ sông Tiền. quanh năm đón gió sông mát rượi. Ngôi nhà được gia đình ông Huỳnh Cẩm Thuận, một gia đình gốc Hoa giàu có thời bấy giờ xây dựng vào năm 1895. Kiến trúc ngôi nhà là sự kết hợp độc đáo giữa văn hóa Trung Hoa, Việt Nam và Pháp. Nơi này vốn được gọi với cái tên “Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê”. Nhưng cuốn tiểu thuyết “Người tình” của nữ văn sĩ Pháp Marguerite Duras ra đời, viết về mối tình của chính bà với thiếu gia nhà họ Huỳnh, sau đó tác phẩm được chuyển thể thành phim, với nhiều cảnh quay được thực hiện tại chính ngôi nhà này. Du khách trong và ngoài nước tìm đến đây, với mong muốn được ngủ một đêm trong ngôi nhà của “Người tình” đầy lãng mạn.
Từ Sa Đéc về Cao Lãnh, du khách sẽ có dịp thưởng ngoạn những lò gạch ven sông.
Không vang danh bằng Sa Đéc, thành phố Cao Lãnh vẫn đủ sức hút với những địa danh như lăng cụ Phó bảng, khu du lịch, đồng thời là di tích lịch sử Xẻo Quýt...
Khu di tích lăng cụ Phó bảng, ngoài mục đích tưởng niệm, ghi ơn cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi đây còn được xây dựng như một làng quê đúng chất Nam Bộ. Khu di tích là một quần thể kiến trúc và văn hóa độc đáo với những ngôi nhà tranh vách lá, giàn bầu xanh soi bóng xuống con lạch nhỏ, và những vườn nhãn thơm ngọt.
Cách thành phố Cao Lãnh 30 km, thuộc địa phận 2 xã Hiệp Mỹ và Mỹ Long của huyện Cao Lãnh, với diện tích 50 ha, trong đó có 20 ha rừng tràm, căn cứ địa một thời - Xẻo Quýt - hiện có khoảng 170 loài thực vật với 158 loài hoang dại và 12 loài cây thân gỗ. Hệ động vật có 200 loài hoang. Nơi đây có 13 loài động vật quý hiếm được ghi vào Sách đỏ Việt Nam như trăn mốc, rắn hổ trâu, rùa hộp, chim sả mỏ rộng và loài rái cá thường. Du khách có thể lựa chọn cách đi bộ theo những con đường xuyên rừng, hoặc ngắm cảnh trên những chiếc xuồng nhỏ, len lỏi qua những con lạch.
Về xứ “đẹp nhất bông sen”, du khách không thể bỏ qua những cánh đồng sen thơm ngát. Vùng Đồng Tháp Mười với những đồng sen bát ngát khiến du khách khó tính cũng phải mềm lòng.
Chỉ cần bạn lên tiếng, những người nông dân chân chất sẵn sàng lội xuống ruộng sen, hái cho bạn những gương sen chín nhất, ngon nhất, mang về làm quà cho bạn bè người thân.
Ngoài ra, tuy là giống nhập ngoại, nhưng sen vua (cây nong tằm) với đặc điểm lá rất lớn, có thể đứng cả trên lá, cũng là một gợi ý cho du khách trải nghiệm.
Vườn quốc gia Tràm Chim đóng vai trò quan trọng trên bản đồ du lịch Đồng Tháp. Nằm ở địa phận huyện Tam Nông, nơi đây là khu bảo tồn thiên nhiên, nổi tiếng với nhiều loài động thực vật đặc hữu quý hiếm như sếu đầu đỏ, hoa hoàng đầu ấn… Mùa cuối năm, đến Tràm Chim, ngoài cánh đồng vàng sắc hoa hoàng đầu ấn, du khách dễ dàng bắt gặp hàng nghìn con chim bay đi kiếm ăn trong ánh bình minh, hoặc từng đàn chim bay về tổ trong chiều tà rực lửa.
Quýt hồng và nem là hai đặc sản nổi tiếng của xứ Lai Vung. Giáp Tết âm lịch, nhà vườn rộn ràng thu hoạch những vườn quýt sai trĩu quả. Được nuôi dưỡng bằng dòng phù sa sông Hậu, quýt Lai Vung căng mọng, sáng bóng, vừa ngọt vừa thơm.
Về Đồng Tháp, du khách không thể bỏ qua món chuột đồng độc đáo, lẩu, canh chua cá lóc đồng, cơm hạt sen vừa thơm vừa bùi. Ngoài ra, nơi đây còn có nem Lai Vung, nhờ hương vị độc đáo, đã nhanh chóng trở thành một đặc sản, đem lại cả danh tiếng lẫn thu nhập cho người dân. Nem làm ngon và đúng cách phải có đủ 8 phần thịt, 2 phần bì, thêm tiêu, ớt… lót kèm lá vông, gói lại bằng lá chuối và để lên men tự nhiên trong 3-5 ngày. Vị nem hơi ngọt theo khẩu vị của người miền Tây, có thể ăn cùng cơm, bún hay bánh mì đều rất ngon.
Tác giả bài viết: Cỏ Biếc