Đền thờ được xây vào năm 1617, sau khi ông Tokugawa leyasu - người sáng lập Mạc phủ Tokugawa mất và được thần thánh hóa thành một vị thần của đạo Shito. Sau khi ông mất, con cháu của ông đã xây dựng rất nhiều đền thờ trên khắp nước Nhật và để phân biệt đền thờ ở Nikko là đền chính, nơi đây được gọi tên là Nikko Toshogu.
Kiến trúc tráng lệ của đền
Kiến trúc của đền thờ vô cùng tráng lệ, các cổng đền đều là tác phẩm điểu khắc có từ thế kỷ 17, các tác phẩm điêu khắc trong đền đều rất nổi tiếng Nhật Bản và có cách đây 300-400 năm. Một điểm đặc sắc nữa là là hình ảnh các con vật tại các công trình kiến trúc trong đền.
Nổi tiếng nhất phải kể đến bức điêu khắc 3 chú khỉ trên cửa vào ngôi đền: Một chú khỉ bịt mắt, một chú khỉ bịt miệng, một chú chú khỉ bịt tai hàm ý không nhìn điều xấu, không nói điều xấu, không nghe điều xấu. Người nghệ nhân đã dùng hình ảnh những chú khỉ để nói về người. Tác phẩm điêu khắc này là một trong những quốc bảo của Nhật Bản.
Bức điêu khắc 3 chú khỉ nổi tiếng
Trong quần thể đền chùa còn có đền dành cho người theo đạo Shinto vào cầu nguyện. Khi xây dựng, người ta dùng đồng để dán lên 2 bên tường bên trong đền, trên đó có 108 bức điêu khắc rồng và không bức nào giống bức nào. Một điểm đặc biệt nữa là bên trong đền không hề được lắp đặt hệ thống đèn, chính ánh sáng ngoài trời phản chiếu vào những tấm đồng giúp chiếu sáng cho cả đền.
Cây cầu Thần bắc qua sông dẫn vào đền
Một đền thờ đặc sắc nữa trong quần thể đền chùa là đền mô phỏng tiếng rồng kêu. Người ta đã chọn vị trí đắc địa, nơi có nhiều thuyết về rồng hiện để xây dựng đền. Trong đền có một vị trí được gọi là Mắt rồng. Khi đứng tại điểm này, chỉ cần cầm hai khúc gỗ gõ vào nhau sẽ thấy có tiếng vang dội từ trên trần lan tỏa xuống khắp đền.
Tòa tháp Gojunotou, cao 36m, chạm khắc hình 12 con giáp
Phía ngoài đền là rừng thông già cao chót vót có cách đây 400-500 năm với rất nhiều cây thông có đường kính thân cây từ 2-3m trở lên. Khu rừng thông được bảo tồn như rừng quốc gia và là điểm chụp hình lý thú của du khách khi đến thăm quần thể đền chùa này.
Rừng thông già cao vút hai bên lối vào
Năm 1999, UNESCO đã công nhận quần thể đền chùa Nikko Toshogu là di sản văn hóa thế giới.
Tác giả bài viết: Phương Anh