Còn nhiều người dân sống gần khu vực này cho biết trong hơn hai tháng từ ngày tuyến du lịch khai trương, lượng khách không đáng kể, chủ yếu là người nước ngoài.
Cô Trần Thị Kim Anh (52 tuổi, bán phở gần bến Thị Nghè) chia sẻ: “Tôi ngồi đây hoài nhưng ít thấy khách du lịch tham quan tuyến sông. Bản thân tôi cũng muốn đi thử cho biết nhưng mà nghe giá đắt quá, đi thuyền phụng đến 220.000 đồng/người mà cũng chỉ đi có một lượt thôi. Hơn nữa, nước ở kênh còn chưa sạch, đứng gần tanh mùi cá lắm chứ huống gì ngồi trên kênh. Tôi nghe nói nước ngoài cũng có tuyến du lịch như thế này nhưng mà sạch đẹp lắm. Dù giá cả có cao đi chăng nữa nhưng quan trọng làm thỏa mãn thị giác cũng như nhu cầu vui thú của khách thì người ta mới đi”.
Cô Trần Thị Kim Anh (52 tuổi, bán phở gần bến Thị Nghè) chia sẻ: “Tôi ngồi đây hoài nhưng ít thấy khách du lịch tham quan tuyến sông. Bản thân tôi cũng muốn đi thử cho biết nhưng mà nghe giá đắt quá, đi thuyền phụng đến 220.000 đồng/người mà cũng chỉ đi có một lượt thôi. Hơn nữa, nước ở kênh còn chưa sạch, đứng gần tanh mùi cá lắm chứ huống gì ngồi trên kênh. Tôi nghe nói nước ngoài cũng có tuyến du lịch như thế này nhưng mà sạch đẹp lắm. Dù giá cả có cao đi chăng nữa nhưng quan trọng làm thỏa mãn thị giác cũng như nhu cầu vui thú của khách thì người ta mới đi”.
Thuyền du lịch nằm đìu hiu tại bến đò gần chân cầu Thị Nghè (phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM). Ảnh: HOÀNG GIANG
Chú Nguyễn Văn Lộc (55 tuổi, làm thuê gần bến Thị Nghè) bày tỏ: “Tôi từ An Giang lên đây để làm thuê kiếm sống, mỗi ngày làm được hơn 100.000 đồng nên nói đi du lịch thăm thú mà mua vé từ 110.000 đến 220.000 đồng là không phù hợp với cuộc sống của tôi. Với lại tôi cũng không lạ gì sông nước nên cũng không hứng thú với dòng kênh nhỏ như thế này”.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn (đơn vị khai thác tuyến du lịch), cho biết tuyến du lịch chỉ đang ở mức khai thác và xây dựng, còn chưa hoàn thiện nên chưa tăng cường khuếch trương, quảng cáo. Lượng khách trung bình mỗi ngày 5-10 người, có ngày hơn 40 người, chủ yếu là khách nước ngoài; có ngày không có khách.
“Thời gian vừa qua chúng tôi chỉ mới đi vào guồng máy kinh doanh nên cần có thời gian đào tạo nhân lực, hoàn thiện giấy phép và xây dựng cơ sở vật chất. Thời gian tới, sau khi hai nhà vệ sinh và nhà chờ xây dựng xong (Sở GTVT TP.HCM đã cấp phép xây dựng), chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc quảng cáo, thu hút khách du lịch, thêm vào đó là bổ sung nhiều dịch vụ ăn uống, tổ chức sinh nhật, tiệc cưới, chụp ảnh cưới, chợ nổi và cả thắp đèn cho khách tham quan ban đêm” - ông Xuân Anh thông tin.
Theo ông Xuân Anh, khó khăn hiện tại là người dân còn xả rác gây ô nhiễm trên kênh và làm sao để thu hút nhiều khách Việt hơn nữa. “Đối với người nước ngoài, việc được đi thuyền, ngắm cảnh yên bình như thế này đã là điều thú vị rồi nhưng đối với người Việt thì khác. Người dân đã quen với sông nước và đòi hỏi những điều mới mẻ hơn. Vì thế chúng tôi phải suy nghĩ và tính toán nhiều hơn” - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn trăn trở.
Trước đó, ngày 1-9, Sở Du lịch TP.HCM đã khai trương tuyến du lịch đường thủy nội đô trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè với chiều dài hành trình là 4,5 km, qua các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, bắt đầu ở bến đò gần chân cầu Thị Nghè đến gần cầu Lê Văn Sỹ (quận 3). Tuyến du lịch do Công ty Thuyền Sài Gòn đầu tư xây dựng gồm hai nhà ga và 12 thuyền. Thuyền phụng có giá vé 220.000 đồng/người và thuyền chống có giá vé 110.000 đồng/người.
Tác giả bài viết: LÊ THOA