Giáo dục

Tuyển dụng giáo viên trái luật ở Nghệ An: Bí thư Huyện ủy chỉ đạo chi trả sai ngân sách

Như Báo Xây dựng đã thông tin, trước khi về hưu vài tháng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Yên Thành đã cho phép ký hợp đồng lao động trái luật với 55 giáo viên. Phát hiện ra sai phạm, thay vì họp kiểm điểm xử lý cán bộ, ban ngành liên quan, thì Bí thư Huyện uỷ lại ban hành văn bản chỉ đạo chi ngân sách quy định...

203934baoxaydung image001
Văn bản của Bí thư Huyện uỷ cho phép chi trả sai ngân sách.

Chi sai ngân sách vì có sự chỉ đạo

Vụ việc tuyển dụng giáo viên "bát nháo" ở huyện Yên Thành, ngay sau khi Báo Xây dựng phản ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản yêu cầu báo cáo sự việc, đồng thời Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Nghệ An cũng đã vào cuộc làm rõ.

Trong quá trình tìm hiểu thêm, PV đã làm việc với lãnh đạo UBND hyện cũng như gặp gỡ với nhiều giáo viên để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động.

Ông Phan Văn Tuyên, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành đã thẳng thắn thừa nhận việc chi hơn 1 tỷ đồng tiền lương cho giáo viên diện hợp đồng trái luật nói trên là sai quy định.

Về nguyên tắc, ông Nguyễn Tiến Lợi, nguyên Chủ tịch UBND huyện cho phép ký hợp đồng lao động trái luật, ông Lợi phải chịu trách nhiệm về mặt chỉ đạo điều hành, quản lý nhà nước. Đến tháng 12/2015, tức là 4 tháng sau khi 55 giáo viên đã được ký hợp đồng, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành mới là ông Phan Văn Tuyên phát hiện ra sai phạm, thay vì ra quyết định huỷ bỏ văn bản cho phép ký hợp đồng của ông Lợi, ông Tuyên đã tiến hành chi trả lương cho giáo viên hơn 1 tỷ đồng. Việc làm của ông Phan Văn Tuyên, trên cương vị chủ tài khoản, đã vi phạm quy định về quản lý ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên tìm hiểu thêm, chúng tôi phát hiện việc chi trả ngân sách trái quy định nói trên của Chủ tịch UBND huyện Yên Thành là làm theo chỉ đạo của Bí thư Huyện uỷ.

Cụ thể, sau khi UBND huyện Yên Thành có Báo cáo số 253/BC-UBND, ngày 08/12/2015 khẳng định ông Nguyễn Tiến Lợi, nguyên Chủ tịch UBND huyện cho phép 55 giáo viên ký hợp đồng lao động là trái luật, thì ngày 17/12/2015, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Bí thư Huyện uỷ Yên Thành lúc bấy giờ (nay đã chuyển lên làm Phó GĐ sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, người có buổi lễ nhậm chức hoành tráng mà Báo Xây dựng đã có bài phản ánh) đã ký văn bản số 120-CV-HU cho phép UBND huyện cân đối kinh phí để trả “tiền công” cho giáo viên. Trên cơ sở chỉ đạo này, ông Phan Văn Tuyên, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành đã quyết định chi 1 tỷ đồng sai ngân sách để trả lương.

Quyền lợi giáo viên đến đâu?

Chúng tôi đã gặp được nhiều giáo viên nằm trong bản danh sách “đen” đang đối mặt với nguy cơ mất việc làm. Nhiều người trong số họ đã có thời gian hợp đồng 7 đến 8 năm ở các trường để chờ cơ hội được UBND huyện cho phép ký hợp đồng dài hạn. Lương mỗi tháng chỉ hơn 1 triệu, họ cố bám trụ để mong có cơ hội ổn định.

204115baoxaydung 2
Thông báo cho phép ký hợp đồng trái luật.

Cô Trần Thị H. bức xúc: “Em đã cống hiến cho ngành giáo dục huyện nhà hơn 5 năm, lương ba cọc ba đồng. Hôm được ký hợp đồng cả nhà vui lắm, cứ nghĩ đã qua thời kỳ gian khó, ai ngờ...”. Tìm hiểu thêm, được biết cô H. bố mẹ đều mất sớm, ở với chị gái từ nhỏ. H. còn phản ánh sau khi được ký hợp đồng, chị gái đã phải đưa gần 50 triệu đồng để xuống cám ơn 1 vị lãnh đạo Phòng GD huyện Yên Thành?

Cô Phan Thị T. là giáo viên dạy hợp đồng mầm non được gần 3 năm. T cho chúng tôi biết, để được ông Nguyễn Tiến Lợi cho phép ký hợp đồng, cô đã mất gần 70 triệu đồng. Câu chuyện “chạy việc” của cô giáo T. cười ra nước mắt. Cô T. kể trong một lần nằm viện điều trị, có quen một người đàn ông tên là Hùng, quê ở xã Long Thành (quê của ông Nguyễn Tiến Lợi, Chủ tịch UBND huyện - PV), Hùng hứa sẽ xin cho T. được ký hợp đồng dài hạn. Như vớ được cọc, T cùng gia đình chạy vạy khắp nơi vay mượn tiền nong để lo việc. Để làm tin, đối tượng Hùng đã trực tiếp đưa T. đến nhà ông Nguyễn Tiến Lợi, Chủ tịch huyện chơi 2 lần, sau đó còn đưa T. lên Phòng Nội vụ huyện. Tổng cộng T. đã đưa cho Hùng gần 70 triệu để lo phong bì và quà cáp chạy việc. “Hùng đưa em đến nhà anh Lợi - Chủ tịch 2 lần. Anh Lợi nói em cứ yên tâm, sau đó Hùng còn đưa em lên Phòng Nội vụ trên huyện”, cô Phan Thị T. cho biết.

Khi biết mình nằm trong trường hợp bị cắt hợp đồng vì trái quy định, T. hết sức thất vọng. Gọi cho đối tượng Hùng đòi tiền thì Hùng trả lời thẳng tưng: Đã chi cho người khác rồi, đen thì phải chịu.

Cô H. và cô T. chỉ là 2 trong rất nhiều giáo viên ở Yên Thành đang lâm vào tình trạng mất việc làm, vỡ mộng sau nhiều tháng ngày cố gắng bám trường, bám lớp. “Tiền mất, tật mang”, câu thành ngữ này cứ ngỡ chỉ dành cho ai đó, nay đã vận vào niềm tin của nhiều cô giáo, thầy giáo đứng trên bục giảng.

Dư luận Yên Thành đang trông chờ sự phán quyết thấu tình, đạt lý cuối cùng của lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An.

Tác giả bài viết: Nguyễn Anh Tuấn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP