Thế giới

Tướng quân đội tử trận, Azerbaijan huy động UAV để trả đũa Armenia

Quân đội Azerbaijan đã sử dụng UAV để định vị các mục tiêu quân sự của Armenia và tung đòn trả đũa sau vụ đụng độ khiến một tướng nước này tử trận.

Các cuộc giao tranh đã bùng nổ từ hôm 14/7 tại khu vực phía bắc biên giới Armenia-Azerbaijan. Theo thông tin mới nhất từ Đại sứ quán Azerbaijan tại Hà Nội, cho đến 15h ngày 15/7 (giờ Việt Nam), phía Azerbaijan đã ghi nhận 11 quân nhân Azerbaijan tử trận và 3 dân thường của nước này thiệt mạng trong các ngày từ 12-15/7.

Quang cảnh buổi họp báo hôm 15/7 tại Đại sứ quán Azerbaijan ở Hà Nội.

Đáng lưu ý, trong các quân nhân Azerbaijan tử trận, có cả các sĩ quan cấp cao, bao gồm 1 thiếu tướng, 1 đại tá, và 2 thiếu tá.

Đại sứ Azerbaijan tại Việt Nam Anar Imanov thông báo rằng thông tin chính thức từ phía Armenia ghi nhận chỉ có 4 quân nhân Armenia thiệt mạng trong các vụ đụng độ này. Tuy nhiên, phía Azerbaijan tin rằng con số thương vong của phía Armenia còn cao hơn nữa.

Trong khi đó, phía Armenia cho biết họ có 4 binh sĩ thiệt mạng. Bộ Quốc phòng Armenia cáo buộc các máy bay không người lái (UAV) của Azerbaijan phát động cuộc tấn công vào thị trấn Berd. Nữ phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Armenia, bà Shushan Stepanyan cho biết một UAV của Azerbaijan đã bị bắn hạ.

Bà Stepanyan còn cáo buộc quân đội Azerbaijan dùng thường dân làm “lá chắn sống”, triển khai pháo binh đến một ngôi làng gần biên giới.

Theo đại sứ Azerbaijan Imanov, hai bên đã sử dụng các vũ khí như trọng pháo, xe tăng, pháo cối, và súng cối để giao tranh ở khu vực biên giới tây bắc Azerbaijan.

Đáng chú ý, ông Imanov cho biết, quân đội Azerbaijan đã sử dụng nhiều loại phi cơ không người lái (UAV) để định vị các mục tiêu quân sự của Armenia và tung đòn trả đũa.

Trong buổi họp báo hôm 15/7, Đại sứ Imanov kêu gọi cộng đồng quốc tế tích cực hỗ trợ giải quyết xung đột giữa Azerbaijan và Armenia bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế.

Ông Imanov cho biết, tình hình hiện nay giữa Azerbaijan và Armenia đang rất nguy hiểm do các vướng mắc đã tồn tại trong khoảng 30 năm mà các cuộc đàm phán vẫn chưa đem lại kết quả đáng kể nào, trong khi nhiều người dân Azerbaijan đã chán nản trước thực trạng đó và mong muốn chính quyền áp dụng biện pháp cứng rắn để giải quyết mâu thuẫn.

Cả Armenia và Azerbaijjan cùng đổ lỗi cho nhau về việc làm leo thang căng thẳng quân sự thời gian qua.

Các binh sĩ Armenia thường đụng độ với lính Azerbaijan tại khu vực Nagorno-Karabakh. Ảnh: Bộ quốc phòng Armenia

Nguyên nhân là hai nước láng giềng có xung đột ở Nagorno-Karabakh, một khu vực của Azerbaijan nhưng nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng người thiểu số Armenia được chính quyền Armenia hậu thuẫn kể từ khi chiến tranh kết thúc năm 1994.

Trước các diễn biến mới ở biên giới Armenia-Azerbaijan, Nga đã kêu gọi 2 bên ngừng bắn, đồng thời bày tỏ sẵn sàng đứng ra làm trung gian hòa giải. Cộng đồng quốc tế lo ngại nguy cơ bùng nổ chiến tranh quy mô lớn giữa hai bên.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres cũng bày tỏ lo ngại, kêu gọi Armenia-Azerbaijan kiềm chế và ngừng bắn.

Tác giả: Minh Khôi (T/h)

Nguồn tin: doisongphapluat.com

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP