Pháp luật

Từ đại án Phạm Công Danh và đại án Hà Văn Thắm: Không để “chìm xuồng” các nghi án lãi suất ngoài hàng nghìn tỷ đồng

Như Báo Công lý đã đưa tin về dấu hiệu chìm xuồng trách nhiệm của đại gia Trần Quý Thanh trong đại án Phạm Công Danh với hơn 2760 tỷ đồng lãi suất ngoài, nhìn lại các đại án gần đây của ngành dầu khí, cũng thấy còn bỏ ngỏ hàng loạt sự việc tương tự.

Đại án Phạm Công Danh: Cần tiếp tục điều tra tài sản liên quan đến ông Trần Quý Thanh

Tại Bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 1, Hội đồng xét xử đã tuyên đề nghị xem xét thêm trách nhiệm hình sự đối với ông Trần Quý Thanh và bà Trần Ngọc Bích. Bản án phúc thẩm còn ghi nhận ý kiến của Viện kiểm sát về việc làm rõ các khoản tiền lãi mà bà Trần Ngọc Bích, ông Trần Quý Thanh đã nhận từ Phạm Công Danh để truy thu thuế thu nhập cá nhân và làm rõ hành vi trốn thuế. "Đối với số tiền 5,190 tỷ đồng liên quan tới cha con ông Trần Quý Thanh trong vụ án ở giai đoạn 1, cấp tòa phúc thẩm cũng tuyên buộc thu hồi - vì đây là vật chứng của hành vi “Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”. Đồng thời buộc bà Trần Ngọc Bích và ông Trần Quý Thanh phải trả cho VNCB số tiền 5.190 tỷ đồng.

Bị cáo Phạm Công Danh

Tiếp tục tới giai đoạn 2, toàn bộ khoản tiền ông Phạm Công Danh trả lãi này có nguồn gốc từ hành vi vi phạm đã được cơ quan điều tra thu thập và các luật sư chứng minh. Tuy nhiên Hội đồng xét xử xem xét nhưng chưa quyết định thu hồi. Điều này đang khiến dư luận hoài nghi về việc có hay không, cơ quan xét xử đã “bỏ quên” số tiền khổng lồ từ hành vi vi phạm pháp luật và là vật chứng, mắt xích quan trọng để làm sáng tỏ các tình tiết quan trọng của vụ án.

Dư luận cho rằng, cần sớm điều tra tài sản gia đình ông Trần Quý Thanh và các hoá đơn, chứng từ liên qan để xử lý trách nhiệm hình sự triệt để theo đề nghị của Viện Kiểm sát, qua đó xác minh có hay không khoản trả lãi ngoài hơn 2760 tỷ. Nếu như không phải là trả lãi ngoài, chỉ là trả nợ như lời khai của phía ông Thanh, thì cũng cần phải điều tra, xác minh để có những căn cứ làm rõ. Hiện nay, qua nhiều lần toà triệu tập, riêng việc ông Trần Quý Thanh chưa bao giờ có mặt cũng là một dấu hỏi cần phải làm rõ.

Đại án Hà Văn Thắm: Những chuyện tương tự vụ Phạm Công Danh

Ngày 13/9/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đã ra quyết định khởi tố 3 vụ án hình sự lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP), Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP) và khởi tố bổ sung đối với bị can Ninh Văn Quỳnh - nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam).

Bị cáo Nguyễn Minh Thu khai nhiều người nhận tiền lãi suất ngoài hàng trăm triệu đồng

Theo đó, khi Cơ quan Cảnh sát điều tra điều tra mở rộng (giai đoạn 2) vụ án Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank và đồng phạm đã xác định: Thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Hà Văn Thắm - Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank về việc chi trả lãi ngoài huy động vốn cho khách hàng gửi tiền trên toàn hệ thống OceanBank; trong thời gian từ năm 2010 đến ngày 31/11/2014, tổng số tiền OceanBank đã chi trả lãi ngoài cho các khách hàng gửi tiền là 1.576.012.242.219 đồng, trong đó chi cho Vietsovpetro số tiền 24,27 tỷ đồng, Lọc dầu Bình Sơn (19,36 tỷ đồng) và PVEP (76,78 tỷ đồng).

Theo C46, việc nhận, sử dụng các khoản tiền ngoài lãi suất tại Vietsovpetro, Lọc dầu Bình Sơn, PVEP là hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu thỏa thuận, móc ngoặc giữa lãnh đạo Vietsovpetro, Lọc dầu Bình Sơn, PVEP với lãnh đạo OceanBank trong việc đưa, nhận tiền và để ngoài sổ sách kế toán nhằm chiếm đoạt, phạm vào tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo Điều 280 - Bộ luật Hình sự.

Sau một tháng xét xử vụ án với rất nhiều bị cáo bị truy tố, toà án đã xác định: Hành vi chi lãi ngoài hơn 1.576 tỷ đồng của các bị cáo phạm các tội: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Tham ô tài sản. Ngoài ra, việc để Oceanbank thất thoát 500 tỷ đồng liên quan đến khoản vay của Công ty Trung Dung – công ty con của Phạm Công Danh – cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam đã Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Sau 1 tháng xét xử và nghị án, Hà Văn Thắm bị tuyên 4 tội danh: Tham ô tài sản Chung thân; Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng 19 năm; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản 20 năm; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng 18 năm. Tổng hợp hình phạt: chung thân. Nguyễn Xuân Sơn bị Tòa tuyên 4 tội danh: Tham ô tài sản Tử hình; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản Chung thân; Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng 17 năm. Tổng hợp hình phạt: Tử hình

Trong vụ án này, Phạm Công Danh - Chủ tịch HĐQT tập đoàn Thiên Thanh Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, lĩnh án 14 năm tù (trước đó Danh bị tuyên 30 năm tù trong vụ án khác); Hứa Thị Phấn – nguyên Chủ tịch HĐQT công ty Phú Mỹ, Vi phạm về quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng bị tuyên phạt 17 năm tù. Các bị cáo là cựu giám đốc hội sở của Oceanbank đồng loạt được giảm án. Các bị cáo là giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch được tòa tuyên án treo. Một số bị cáo bị tuyên phạt cải tạo không giam giữ...

Tiếp tục bỏ ngỏ nhiều vấn đề cần làm rõ

Tuy nhiên, giống như tại vụ đại án Phạm Công Danh, vụ án này vẫn để treo câu hỏi sự thật về số tiền chi lãi suất ngoài hàng nghìn tỷ đồng cho những ai thì vẫn chưa được làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh.

Đơn cử như sự việc tại Công ty lọc hoá dầu Bình Sơn (BSRCo), Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã xác định Hà Văn Thắm chỉ đạo chi trả lãi ngoài cho khách hàng gửi tiền tại OceanBank; trong thời gian từ 2010 đến cuối tháng 11/2014, trong đó cho Công ty lọc hoá dầu Bình Sơn hơn 19 tỷ đồng. Việc nhận, sử dụng các khoản tiền ngoài lãi suất tại Vietsovpetro, BSR, PVEP là hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu thỏa thuận, móc ngoặc giữa lãnh đạo Vietsovpetro, BSRCo, PVEP với lãnh đạo OceanBank trong việc đưa, nhận tiền và để ngoài sổ sách kế toán nhằm chiếm đoạt, phạm vào tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” của Bộ luật Hình sự.

Thế nhưng tại phiên tòa ngày 11/09, lãnh đạo và nguyên lãnh đạo của BSRCo gồm ông Nguyễn Hoài Giang – Chủ tịch Hội đồng thành viên, ông Đinh Văn Ngọc – nguyên Tổng Giám đốc, ông Vũ Mạnh Tùng – Phó Tổng Giám đốc và ông Phạm Xuân Quang – Kế toán trưởng đã đồng loạt phủ nhận việc nhận lãi ngoài từ OceanBank.

Dư luận cho rằng số tiền 19,36 tỷ đồng lãi ngoài mới chỉ phản ánh một phần câu chuyện. Theo báo cáo tài chính công bố, tổng tài sản của BSR tới cuối quý II/2017 là 55 nghìn tỷ đồng, trong đó tiền và các khoản tương đương lên tới 15,2 nghìn tỷ đồng – xấp xỉ số dư tiền gửi tại một ngân hàng cỡ nhỏ. Nếu toàn bộ số tiền này được BSR gửi ngân hàng thì cứ mỗi phần trăm lãi suất tương ứng hơn 150 tỷ đồng.

Theo lời khai của bị cáo Nguyễn Thị Minh Thu về việc đã chi hàng chục tỉ đồng tiền lãi ngoài trái quy định để "chăm sóc" cho 4 lãnh đạo công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn. Tại phiên toà, ông Phạm Xuân Quang, Kế toán trưởng BSR từ năm 2008 đến nay cho biết, BSR đã gửi tiền tại OceanBank rất nhiều lần ở nhiều thời điểm khác nhau, lần cao nhất số tiền gửi lên đến 1.100 tỷ đồng, hợp đồng gửi tiền ít nhất cũng là 200 tỷ đồng nhưng không nhớ tổng cộng BSR đã gửi vào OceanBank bao nhiêu tiền. Ông Quang cũng như những người khác đều khai không hề nhận tiền lãi suất ngoài, lời khai của bà Thu chỉ là một chiều. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn cũng khai trước toà:“Đã vài lần PVN gửi công văn yêu cầu gửi tiền vào OceanBank nên chúng tôi phải chấp hành”. Ông Đinh Văn Ngọc, cựu TGĐ BSR giai đoạn 2012-2015 (hiện đang công tác tại Lọc hóa dầu Nghi Sơn) cũng nói lời khai đó là “hoàn toàn bịa đặt” và còn đề nghị xem xét bà Thu về tội danh vu cáo theo Điều 22 Bộ luật hình sự.

Việc chưa làm rõ các vụ việc liên quan đến lãi suất ngoài khiến cho nhiều vụ đại án còn bỏ ngỏ một mảng sự việc quan trọng, liên quan đến bản chất vụ án. Có lẽ đây là vấn đề mà các giai đoạn 2, giai đoạn 3 của các vụ án phải tiếp tục xác minh làm rõ, xử lý đúng người đúng tội, không để bỏ lọt tội phạm và gây oan sai.

Xử lý triệt để, không tiếp tay cho tội phạm tham nhũng

Trở lại với vụ án Hà Văn Thắm, giai đoạn 2 đang được C46 tiếp tục điều tra sau khi tuyên án sơ thẩm cho thấy còn nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh. Mới đây, ngày 25-1-2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Ngọc Sự (nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin - SBIC) về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015. Qua quá trình điều tra giai đoạn II vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm, với tài liệu chứng cứ thu thập được, xác định ông Sự đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong việc sử dụng nguồn tiền của Tập đoàn Vinashin gửi vào Oceanbank để một số cá nhân thuộc Vinashin nhận, chiếm đoạt hơn 105 tỷ đồng tiền ngoài lãi suất. Được biết, ông Sự từng là Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí nên sai phạm này có liên quan đến quan hệ và trách nhiệm của ông từ giai đoạn trước.

Đó mới chỉ là riêng với vụ án tại SBIC, trở lại với các vụ án đã được C46 khởi tố liên quan đến khoản tiền trả lãi ngoài ở Vietsovpetro số tiền 24,27 tỷ đồng, Lọc dầu Bình Sơn (19,36 tỷ đồng) và PVEP (76,78 tỷ đồng), đến nay dư luận cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề cần làm rõ liên quan đến trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị này cũng như các cán bộ ở PVN. Toà án và Cơ quan CSĐT cần tiếp tục vào cuộc làm rõ, xử lý nghiêm minh. Riêng vụ việc ở lọc hoá dầu Bình Sơn, cũng cần làm rõ thông tin phản ánh sai phạm trong việc nhập các loại hóa chất xúc tác không đảm bảo chất lượng dẫn đến Nhà máy Lọc dầu Dung Quất dù chưa đến định kỳ nhưng phải dừng hoạt động để bảo dưỡng, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho Nhà nước.

Lọc hoá dầu tại Dung Quất

Xâu chuỗi các vụ đại án có yếu tố trả lãi suất ngoài như các trường hợp liên quan đến ông Trần Quý Thanh hay một số lãnh đạo các đơn vị thuộc PVN, chúng ta sẽ thấy ngay mức độ thiệt hại của nó không kém các vụ đại án như Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng với những khoản tiền “có vấn đề” lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Đây là lỗ hổng quan trọng trong quản lý kinh tế mà toà án và các cơ quan pháp luật cần tập trung làm rõ. Đây cũng là quan điểm được đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh tại phiên toà sơ thẩm vụ án Hà Văn Thắm: Với số tiền hàng ngàn tỷ đồng chi cho cá nhân, tổ chức để những người này trục lợi, chiếm đoạt, số tiền này là của Nhà nước, giai đoạn 2 của vụ án sẽ làm rõ ai chiếm đoạt, chiếm đoạt như thế nào, nguồn tiền đem gửi Oceanbank có phải tiền nhàn rỗi hay không. Những vấn đề này sẽ được Cơ quan điều tra làm rõ và xử lý triệt để. Hậu quả của việc làm trái nêu trên không chỉ gây thiệt hại về vật chất mà còn là tiền đề tội phạm tham nhũng phát triển. Việc dùng số tiền hàng nghìn tỷ đồng dùng để chi lãi ngoài chăm sóc khách hàng, đã có các bị cáo bị buộc tội danh tham ô tài sản và tiếp tục có các vụ án khác đang khởi tố, điều tra. Hậu quả nghiêm trọng hơn là đánh mất lòng tin của người dân vào các tổ chức tín dụng, góp phần đẩy nợ xấu...Do đó, đã đến lúc tất cả những vấn đề chưa rõ và đề nghị của Viện Kiểm sát phải tiếp tục được điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh.

Tác giả: Quang Nam

Nguồn tin: Báo Công lý

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP