Pháp luật

Truy tố 13 bị can vụ chuyển 30 nghìn tỷ đồng ra nước ngoài

Nguyễn Thị Nguyệt cùng chồng và đồng phạm tổ chức đường dây vận chuyển trái phép hơn 30 ngàn tỷ đồng từ Việt Nam qua biên giới.


Viện KSND Tp.Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 13 bị can về tội Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới. Các bị can này bị cáo buộc đã chuyển 30 nghìn tỷ đồng ra nước ngoài.

Đây là vụ án từng gây xôn xao dư luận, được Công an Tp.Hà Nội triệt phá hồi tháng 9/2020.

Theo cáo trạng, 13 bị can cùng bị truy tố về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, quy định tại khoản 3 Điều 189 BLHS.

Năm 2016, nhiều người có nhu cầu thuê chuyển tiền trái phép ra nước ngoài. Nắm bắt được điều này, Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1985) mua hồ sơ tạm nhập, tái xuất của Phạm Hữu Thuật (41 tuổi, quê Quảng Ninh). Các bị can sau đó hợp thức hồ sơ để chuyển tiền thông qua Công ty TNHH xuất nhập khẩu Đại Phát và Công ty TNHH đầu tư Đại Phát.

Theo thỏa thuận, Thuật bán cho Nguyệt hồ sơ tạm nhập, tái xuất với giá 30-40 triệu đồng. Nguyệt gửi thông tin công ty nhận tiền, mẫu con dấu, chữ ký giám đốc để hoàn thiện hợp đồng.

Để có hàng hóa, hai bị can góp tiền mua linh kiện điện tử (IC) điều khiển từ Trung Quốc rồi làm thủ tục tạm nhập qua cửa khẩu Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) để tái xuất sang Trung Quốc và chuyển lại cho Thuật.

Kết quả điều tra xác định, Thuật mở 49 tờ khai hàng hóa với tổng giá trị nhập khẩu là 52,3 triệu USD, còn tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu là hơn 52,3 triệu USD. Sau đó, Thuật sử dụng các pháp nhân để thanh toán quốc tế 48/49 hợp đồng tại nhiều ngân hàng.

Năm 2017, biết được thủ đoạn và cách thức chuyển tiền trái phép ra nước ngoài, Nguyệt bàn với chồng là Phạm Anh Tuấn lên kế hoạch “làm lớn”.

Vợ chồng Nguyệt mượn chứng minh nhân dân của những người thân trong gia đình để thành lập tám công ty.

Trên thực tế, các công ty này không hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa mà chỉ làm “bình phong” để lập khống hợp đồng mua IC từ Singapore rồi xuất bán cho các công ty tại Trung Quốc theo hình thức tạm nhập, tái xuất.

Đồng thời, vợ chồng Nguyệt liên hệ với các nhân viên của một số ngân hàng để được hỗ trợ mở tài khoản, làm hồ sơ để giao dịch chuyển tiền.

Từ năm 2016 đến năm 2020, sau khi hợp thức được các hồ sơ tạm nhập, tái xuất, vợ chồng Nguyệt cùng các đồng phạm nhiều lần vận chuyển trái phép tổng số tiền hơn 30 ngàn tỷ đồng ra nước ngoài. Qua đó, Nguyệt thu lời bất chính hơn 30 tỷ đồng.

Tác giả: Han (t/h từ Pháp luật Tp.HCM, Tiên Phong)

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP