Giáo dục

Trường nâng điểm cao để... khỏi dạy: Nếu học, thí sinh cũng "sống dở chết dở"

Trường CĐ Sư phạm Gia Lai khẳng định nâng điểm để đánh trượt thí sinh là cách tốt nhất, bảo đảm quyền lợi cho thí sinh. Trước đây, trường này cũng từng năn nỉ thí sinh học trường khác vì không thể mở lớp.

Sáng 11-8, tiến sĩ Trịnh Đào Chiến, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Gia Lai, cho biết qua theo dõi trên hệ thống điện tử đã thấy thí sinh Linh (người Ba Na vùng này không có họ) đã đậu nguyện vọng 3 vào ngành giáo dục tiểu học của trường.

Thí sinh Linh đạt 22,5 điểm (cộng cả điểm ưu tiên) trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua nhưng vẫn trượt nguyện vọng 1 vì Trường CĐ Sư phạm Gia Lai lấy tới 23 điểm.

Theo tiến sĩ Chiến, qua theo dõi trên hệ thống mạng, Linh đã nộp nguyện vọng 2 ở trường khác, nguyện vọng 3 vào hệ cao đẳng ngành sư phạm giáo dục tiểu học của nhà trường và đã có tên trong danh sách trúng tuyển. Đây là ngành còn "hot" hơn cả sư phạm ngữ văn mà Linh đăng ký nguyện vọng 1.

Nâng điểm cao để đánh trượt thí sinh là cách làm bất đắc dĩ của Trường CĐ Sư phạm Gia Lai

Theo tiến sĩ Chiến, ngành sư phạm ngữ văn mới chỉ tuyển được 1 thí sinh. Nếu không công bố kết quả mà sẽ chờ thêm thời gian để tiếp tục tuyển sinh, trong trường hợp không tuyển được thêm một thí sinh nào thì thí sinh trúng tuyển vào trường trước đó sẽ bị mất hết cơ hội đăng ký nguyện vọng ở các trường khác. Bên cạnh đó, vì không đủ điều kiện để mở lớp nên thí sinh trúng tuyển này cũng phải chờ đợi để đủ người mới mở lớp. Như vậy sẽ thiệt thòi hơn cho thí sinh.

"Giải pháp của trường có vẻ cứng nhắc, không hay nhưng mà tốt cho thí sinh. Thí sinh biết là rớt nguyện vọng 1 thì sẽ nộp hồ sơ nguyện vọng 2, 3 vào trường khác. Còn nếu cứ để nguyên nguyện vọng 1, đến lúc thí sinh đi theo vào trường thì mới "chết dở sống dở" – thầy Chiến nói và cho biết cũng không thể gửi thí sinh đi học các trường khác vì đây là ngành tuyển sinh theo hộ khẩu. Hiện nay, nhiều trường để ở mức 15 điểm, sau này không đủ để mở lớp mới là "giết" thí sinh.

Cách đây 2-3 năm, có 4 thí sinh đậu vào ngành công nghệ thông tin của trường nhưng cuối cùng không đủ thí sinh để mở lớp. Nhà trường đành phải năn nỉ và tư vấn cho các thí sinh này theo học các trường khác nhưng không bằng nguyện vọng của thí sinh mong muốn.

Theo thầy Chiến, Bộ GD-ĐT quy định số lượng tối thiểu là 20 em/lớp. Nhà trường có thể mở "ráng" để dạy 15-18 em/lớp. Tuy nhiên, 2 đến 3 năm sau, một số em thi lại, bỏ học thì không thể đảm bảo được. Nhà trường cũng không thể sắp xếp để chỉ dạy một vài sinh viên trong thời gian 3 năm được.

Cũng theo tiến sĩ Chiến, đây là năm đầu tiên nhà trường gặp phải tình huống này do quy định điểm đầu vào ngành sư phạm của Bộ GD-ĐT phải đạt điểm sàn loại khá. Quy định của Bộ GD-ĐT là đúng nhưng các trường CĐ sẽ thiệt thòi, sẽ tự "tiêu vong" vì không tuyển được thí sinh.

Tác giả: Hoàng Thanh

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP