Pháp luật

Trưởng đoàn thanh tra bị tố cáo những gì?

Ngày 4/10/2019, Đoàn thanh tra Bộ Tư pháp do ông Đoàn Hải Quân (Trưởng phòng Tổng hợp – Hành chính) làm trưởng đoàn đã tiến hành thanh tra chính công ty của các thành viên hợp danh đang có đơn khiếu nại, tố cáo mình. Vậy trước đó trưởng đoàn thanh tra này bị tố cáo những gì?

Theo đơn tố cáo của ông Phạm Vũ Trường Duy - Giám đốc Công ty Đấu giá hợp danh Biên Hòa, với tư cách là Quản tài viên (QTV) của Công ty Hợp danh Quản lý và Thanh lý tài sản Đồng Nai, ông Duy tố cáo ông Đoàn Hải Quân có dấu hiệu “lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Trưởng đoàn thanh tra để lập báo cáo sai sự thật nhằm loại QTV ra khỏi vụ việc nhằm che đậy những sai phạm cực kỳ nghiêm trọng đã diễn ra trong quá trình tổ chức thanh lý tài sản Công ty CP Phát triển và kinh doanh Nhà Ninh Thuận theo Quyết định phá sản 01/2017/QĐ-PS ngày 31/5/2017, của TAND TP. Phan Rang - Tháp Chàm”.

Người trúng đấu giá đã chuyển nhượng tài sản tiếp cho người khác nhưng gần 2 năm qua Chi cục THA TP.Phan Rang - Tháp Chàm vẫn "giam tiền" không phân chia cho các chủ nợ

Trao đổi với Báo Nhà báo & Công luận về lý do tố cáo Trưởng đoàn thanh tra Đoàn Hải Quân, Giám đốc Công ty Đấu giá hợp danh Biên Hòa, QTV Công ty Hợp danh Quản lý và Thanh lý tài sản Đồng Nai Phạm Vũ Trường Duy cho biết, trong quá trình tham gia mở thủ tục phá sản Công ty CP Phát triển và kinh doanh Nhà Ninh Thuận theo quyết định chỉ định của TAND TP. Phan Rang - Tháp Chàm, Công ty Hợp danh Quản lý và Thanh lý tài sản Đồng Nai và cá nhân QTV Phạm Vũ Trường Duy liên tục bị can thiệp, gây sức ép làm ảnh hưởng đến thời gian, cũng như chất lượng đấu giá. Vì vậy Công ty Hợp danh Quản lý và Thanh lý tài sản Đồng Nai đã gửi đơn cầu cứu Thanh tra Bộ Tư pháp.

Theo đó, Thanh tra Bộ Tư pháp lập đoàn thanh tra và cử ông Đoàn Hải Quân làm trưởng đoàn. Làm việc với Đoàn thanh tra, ông Duy đã trực tiếp phản ánh đến ông Đoàn Hải Quân về những dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng của một số cá nhân giá trong quá trình thanh lý bán đấu giá tài sản Công ty CP Phát triển và Kinh doanh nhà Ninh Thuận theo Luật phá sản.

Tuy nhiên theo ông Duy, phản ánh này sau đó không được Trưởng đoàn thanh tra đưa vào báo cáo kết quả thanh tra. Ngược lại, Trưởng đoàn thanh tra lại báo cáo sai sự thật về tính chất của nội dung “Quản tài viên không thực hiện việc báo cáo Chấp hành viên trước khi ký hợp đồng thẩm định giá tài sản, hợp đồng bán đấu giá tài sản”. Và từ báo cáo không đúng sự thật này đã giúp chấp hành viên Nguyễn Ngọc Bảo - Chi cục THA TP. Phan Rang - Tháp Chàm có lý do để yêu cầu thẩm phán Trần Hữu Xuân - TAND TP. Phan Rang - Tháp Chàm ban hành quyết định thay đổi QTV số 01/2019/QĐ-TĐQTV ngày 6/9/2019.

Ông Duy cho biết, trách nhiệm quản lý và thanh lý tài sản của QTV và Công ty Hợp doanh quản lý và Thanh lý tài sản Đồng Nai đã kết thúc, tiền thu được từ việc bán đấu giá tài sản cũng đã được chuyển về Chi cục THA TP. Phan Rang - Tháp Chàm từ cuối năm 2017. Nên việc loại QTV và Công ty Hợp doanh quản lý và Thanh lý tài sản Đồng Nai ra khỏi vụ việc vào thời điểm này không ngoài mục đích nào khác là nhằm che dấu các dấu hiệu sai phạm cực kỳ nghiêm trọng của thẩm phán Trần Hữu Xuân và Chấp hành viên Nguyễn Ngọc Bảo, Chi nhánh ngân hàng BIDV Ninh Thuận. Tuy nhiên, mục đích của “liên minh” này không những gây thiệt hại về vật chất cho Công ty Hợp danh Quản lý và Thanh lý tài sản Đồng Nai, mà nghiêm trọng hơn là làm ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp của QTV. Và đây cũng chính là một trong những lý do khiến ông Duy khiếu nại, rồi tố cáo.

Lý giải việc Trưởng đoàn thanh tra Đoàn Hải Quân lập bao cáo thanh tra sai sự thật về nội dung “Quản tài viên không thực hiện việc báo cáo chấp hành viên trước khi ký hợp đồng thẩm định giá tài sản, hợp đồng bán đấu giá tài sản”. Trong đơn tố cáo, QTV Phạm Vũ Trường Duy cho biết, theo Luật phá sản 2014 và văn bản hướng dẫn về thi hành quyết định của tòa án liên quan đến giải quyết phá sản 3089/BTP-TCTHADS ngày 9/9/2016 của Bộ Tư pháp, QTV bắt buộc phải thực hiện việc thẩm định giá các tài sản còn lại của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định tuyên bố phá sản.

Thế nhưng, Quyết định tuyên bố phá sản của TAND TP. Phan Rang - Tháp Chàm ban hành ngày 31/5/2017 nhưng mãi đến ngày 26/6/2017 Chi cục THA TP. Phan Rang - Tháp Chàm mới ký quyết định cử Chấp hành viên Nguyễn Ngọc Bảo tham gia thi hành quyết định phá sản. Vì vậy, để đảm bảo việc thực thi quyết định theo đúng quy định pháp luật về thẩm định giá các tài sản còn lại của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản, QTV đã có văn bản gửi cho công ty thẩm định giá và đồng thời gửi báo cáo đề nghị ký hợp đồng thẩm định giá đến cơ quan Chi cục THADS, TAND TP .Phan Rang - Tháp Chàm.

Và sở dĩ các văn bản báo cáo này không được gửi cho Chấp hành viên vì tại thời điểm này vì Chấp hành viên Nguyễn Ngọc Bảo chưa được Chi cục THA TP.Phan Rang - Tháp Chàm ký quyết định cử tham gia giải quyết vụ việc. Thế nhưng đây lại là lý do mà Trưởng đoàn thanh tra dùng để “tuýt còi” QTV.

Cần phải nói thêm rằng, trong khi Luật quy định trong vòng 10 ngày sau khi có quyết định tuyên bố phá sản, QTV phải thực hiện việc thẩm định giá, thì sau gần 1 tháng, chấp hành viên Nguyễn Ngọc Bảo mới được phân công thì QTV không thể báo cáo trực tiếp cho CHV Bảo mà chỉ báo cáo cho Cơ quan Chi Cục THA TP. Phan Rang - Tháp Chàm.

Tương tự, ngày 20/6/2017, sau khi nhận được kết quả thẩm định giá, QTV cũng chỉ báo cáo kết quả đến cơ quan Chi cục THA mà không báo cáo trực tiếp cho CHV vì tại thời điểm này CHV Bảo cũng chưa được cơ quan này cử làm đại diện tham gia giải quyết vụ việc.

Qua đó cho thấy, từ thẩm định giá cho đến khi có kết quả thẩm định, QTV đều có báo cáo gửi cơ quan THA. Và sở dĩ QTV không gửi báo cáo cho đích danh CHV Bảo là do CHV Bảo quá thời gian quy định thực hiện Quyết định vẫn chưa được thủ trưởng Chi cục THA TP. Phan Rang - Tháp Chàm cử tham gia vụ việc.

Phải đến 26/6/2017, Chi cục THA TP. Phan Rang - Tháp Chàm mới chính thức có quyết định phân công ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó chi cục làm chấp hành viên tham gia. Theo đó, ngày 28/6/2017, CHV Nguyễn Ngọc Bảo mới ký văn bản đầu tiên yêu cầu QTV thanh lý tài sản. Và đến thời điểm này, các văn bản báo cáo, hồ sơ liên quan đến việc thanh lý tài sản đều được QTV gửi đích danh cho CHV Nguyễn Ngọc Bảo và Chi cục THA DS TP. Phan Rang - Tháp Chàm.

Việc QTV có báo cáo cho CHV, Chi cục THA TP. Phan Rang - Tháp Chàm hay không còn thể hiện trong các biên bản tổ chức đấu giá và bàn giao tài sản đấu giá… bằng việc có mặt chứng kiến và ký tên vào các biên bản này.

Ngoài ra, sau khi việc tổ chức bán đấu giá tài sản hoàn tất, CHV Nguyễn Ngọc Bảo còn có hàng loạt văn bản yêu cầu Công ty Hợp danh Quản lý và Thanh lý tài sản Đồng Nai phải chuyển tiền cho CHV để thực hiện việc phân chia cho các chủ nợ theo quy định. Theo đó, Công ty Hợp danh Quản lý và Thanh lý tài sản Đồng Nai đã chuyển gần 16 tỷ đồng cho Chi cục THA TP. Phan Rang - Tháp Chàm.

Tuy nhiên từ cuối năm 2017 đến nay, ngoài Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Ninh Thuận được nhận hơn 7,1 tỷ đồng thì số tiền còn lại Chi cục THA TP. Phan Rang - Tháp Chàm vẫn “giam”, không thực hiện việc phân chia cho bất kỳ chủ nợ nào, kể cả chi phí phá sản cho Công ty Hợp danh Quản lý và Thanh lý tài sản Đồng Nai. Dù chi phí phá sản của doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được quy định tại Điều 54 - Luật phá sản 2014 phải được ưu tiên thanh toán đầu tiên.

Báo Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin.

Tác giả: Thanh Hải

Nguồn tin: Báo Công Luận

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP