Giữ ổn định phương án tuyển sinh giai đoạn 2018-2020
Lãnh đạo trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, giai đoạn 2018-2020 Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cơ bản giữ ổn định phương thức tuyển sinh như năm 2017, tuy nhiên có điều chỉnh và công bố hàng năm phù hợp với quy định của Bộ GD&ĐT.
Về phương thức tuyển sinh, có 2 phương thức, cụ thể:
+ Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển kết hợp.
+ Xét tuyển theo ngành và theo các chương trình đào tạo đặc thù.
Trường giữ ổn định các tổ hợp xét tuyển (A00, A01, B00, D01, D07), hàng năm điều chỉnh thêm các tổ hợp mới (có môn Toán và tiếng Anh) hoặc hủy các tổ hợp ít thí sinh đăng ký.
Từ năm 2019, trường nghiên cứu xây dựng phương án tuyển sinh độc lập và từng bước thực hiện với mục tiêu đến năm 2021 hoàn thiện đề án này.
Nghiên cứu đào tạo theo ngành cấp IV, xây dựng Chương trình đào tạo ngành định hướng chuyên sâu và hội nhập quốc tế để sinh viên tự chọn;
Chuyển dịch cơ cấu đào tạo theo hướng tăng dần tỷ trọng các chương trình tiên tiến, chất lượng cao, chương trình đào tạo bằng tiếng Anh.
Từ năm 2021: Sẽ tuyển sinh 2 kỳ/năm
Phù hợp với lộ trình đổi mới phương thức thi THPT Quốc gia và tuyển sinh đại học của Bộ GD&ĐT, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân từ năm 2021 định hướng xây dựng Đề án tuyển sinh kết hợp, đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, thời gian tuyển, cụ thể:
Tuyển sinh kết hợp đa phương thức với cơ cấu chỉ tiêu phù hợp và linh hoạt:
- Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPTQG và kết quả thi của các Trung tâm khảo thí quốc gia, kết quả thi của nhóm tuyển sinh chung (nếu có);
- Xét tuyển kết hợp tương tự hiện nay có cập nhật, bổ sung và hoàn thiện phù hợp với thực tiễn;
- Tổ chức kỳ thi tuyển riêng theo dạng bài thi đánh giá năng lực tương tự SAT
Thực hiện 02 kỳ tuyển sinh/năm: kỳ mùa Thu và kỳ mùa Xuân.
Dự kiến phương án tuyển sinh năm 2018
Trường thực hiện theo quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đối tượng xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Đối tượng xét tuyển kết hợp
Trường xét tuyển riêng các đối tượng sau:
Đối tượng 1. Thí sinh đã tham gia vòng thi tuần trong cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” trên Đài truyền hình Việt Nam (VTV), tốt nghiệp THPTQG năm 2018 và có tổng điểm thi THPTQG năm 2018 theo tổ hợp môn xét tuyển của Trường đạt từ 18 điểm trở lên.
Đối tượng 2. Thí sinh có Chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày 22/06/2018) đạt IELTS 6.5 trở lên hoặc TOEFL ITP 575 trở lên hoặc TOEFL iBT 90 trở lên và có tổng điểm 02 (hai) bài/môn thi THPTQG năm 2018 trừ bài thi Ngoại ngữ Tiếng Anh, đạt từ 15 điểm trở lên, trong đó có môn thi Toán.
Đối tượng 3. Thí sinh có 3 môn thi THPTQG năm 2018, trong đó có môn thi Toán và 2 môn thi bất kỳ thuộc các môn trong các tổ hợp xét tuyển của trường (A00,A01, D01, D07, B00), cụ thể là: Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tiếng Anh, đạt 27 (hai mươi bảy) điểm trở lên, điểm thực, không làm tròn, không tính điểm ưu tiên.
Phương thức tuyển sinh:
- Trường xét tuyển theo ngành và theo chương trình đào tạo đặc thù.
- Không có chênh lệch điểm giữa các tổ hợp xét tuyển.
Đối với diện xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 xét từ cao xuống thấp, không phân biệt thứ tự nguyện vọng;
Đối với diện xét tuyển kết hợp xét theo hồ sơ dự tuyển;
Đối với thí sinh đăng ký xét tuyển liên thông từ cao đẳng chính quy lên đại học, điểm trúng tuyển thấp hơn không quá 03 (ba) điểm so với cùng đối tượng, khu vực tuyển sinh tương ứng, đồng thời đảm bảo ngưỡng chất lượng đầu vào theo quy định.
Các điều kiện phụ sử dụng trong xét tuyển:
+ Đối với diện xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2018: ngoài các quy định trong Quy chế tuyển sinh năm 2017 của Bộ GD&ĐT, trường không áp dụng điều kiện phụ trong xét tuyển.
+ Đối với diện xét tuyển kết hợp:
Đối tượng 1: không áp dụng điều kiện phụ trong xét tuyển; Đối tượng 2: điều kiện phụ thứ nhất là điểm Chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế, thứ hai là tổng điểm 02 (hai) bài/môn thi THPTQG năm 2018 dùng trong xét tuyển; Đối tượng 3: không áp dụng điều kiện phụ trong xét tuyển;
+ Trường không sử dụng kết quả miễn thi bài thi môn ngoại ngữ, không sử dụng điểm thi được bảo lưu theo quy định tại Quy chế thi THPTQG và xét công nhận tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.
Về chỉ tiêu tuyển sinh:
Trường ĐH Kinh tế quốc dân dự kiến đối với diện tuyển thẳng:chiếm không quá 5% chỉ tiêu mỗi ngành và tổng chỉ tiêu của trường;
Đối với diện xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2018: chiếm không ít hơn 75% chỉ tiêu mỗi ngành và tổng chỉ tiêu của trường;
Đối với diện xét tuyển kết hợp: chiếm không quá 20 % chỉ tiêu mỗi ngành và tổng chỉ tiêu của trường.
Lãnh đạo nhà trường cho biết, các ngành xét tuyển năm 2018,dự kiến tăng thêm một số ngành và CTĐT đặc thù. Tổ hợp xét tuyển tùy theo ngành và CTĐT, dự kiến giữ nguyên như năm 2017, bao gồm các tổ hợp A00, A01, B00, D01 và D07.
Trường xếp chuyên ngành sau khi sinh viên nhập học; Quy mô tối thiểu để mở lớp chuyên ngành là 30 sinh viên; phương thức xếp chuyên ngành và điều kiện cụ thể.
Dự kiến từ năm 2019 trường đào tạo theo ngành, thí sinh sẽ học theo chương trình đào tạo của ngành trúng tuyển.
Tuyển sinh các lớp chương trình tiên tiến, chất lượng cao: Trường sẽ tuyển chọn sau khi sinh viên nhập học, tất cả sinh viên sau khi nhập học đều được tham gia thi tuyển vào chương trình Chất lượng cao, với chương trình Tiên tiến chỉ các sinh viên đạt điểm trúng tuyển 3 môn xét tuyển (hệ số 1) bằng hoặc cao hơn điểm trúng tuyển của ngành thấp nhất (tính hệ số 1) của trường được tham gia tuyển sinh.
Tác giả: Hồng Hạnh
Nguồn tin: Báo Dân trí