Giáo dục

Trường chuẩn quốc gia ký hợp đồng “lách luật” với giáo viên: “Vênh” giữa thực tế và chính sách?

Việc nhiều trường Tiểu học đã đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn Nam Đàn (Nghệ An) phải ký hợp đồng lao động “chui” với giáo viên là do sự bất cập giữa nhu cầu, tiêu chí trường chuẩn quốc gia và khả năng đáp ứng của địa phương. Bất cập này đã được nhận diện từ lâu nhưng đến nay chưa có giải pháp.

th XGBR
Nhiều trường Tiểu học tại Nam Đàn buộc phải ký hợp đồng "lách luật" với GV Tin học, Ngoại ngữ
lang sen rlzu2
Trường Tiểu học Làng Sen (Kim Liên, Nam Đàn) đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 nhưng vẫn thiếu một GV Tiếng Anh

Huyện thiếu 32 giáo viên tiếng Anh

Ngày 19.10, Báo Lao Động điện tử đăng bài “Nghệ An: Trường chuẩn quốc gia ký hợp đồng “lách luật” với giáo viên”, phản ánh trường Tiểu học Nam Cường (Nam Đàn) ký hợp đồng với 2 GV (một Tin học, một Ngoại ngữ), với hình thức từng tháng một, không nộp bảo hiểm.

Theo ông Đinh Xuân Quế, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn, việc làm nói trên, về nguyên tắc không được huyện cho phép.

Qua tìm hiểu, được biết nhiều trường Tiểu học trên địa bàn huyện Nam Đàn đều phải ký hợp đồng thời hạn dưới ba tháng với GV các môn Ngoại ngữ, Tin học để dạy buổi 2, đáp ứng yêu cầu của trường chuẩn quốc gia. GV hợp đồng thiệt thòi về quyền lợi, mặc dù có bằng cấp đạt chuẩn và trên chuẩn, ý thức tuân thủ kỷ luật tốt, nhiều GV dạy giỏi.



Các trường hầu hết đều áp dụng mức thu 90 nghìn/HS/tháng để trả lương GV hợp đồng và một số khoản khác.

Về nghịch lý các trường Tiểu học thực tế có nhu cầu, có nguồn thu xã hội hóa nhưng lại không được phép hợp đồng với GV, thầy Lê Trung Sơn, Trưởng Phòng GD – ĐT huyện Nam Đàn hay vì tỉnh có quy định không cho phép huyện hợp đồng. “Các trường căn cứ nhu cầu nhu cầu công việc, hợp đồng với giáo viên theo hình thức ngắn hạn. Nếu ký hợp đồng trên 3 tháng là sai quy định của tỉnh”, thầy Sơn nói.

PV trao đổi nếu làm như vậy là trái Luật Lao Động, Luật BHXH và thiệt thòi quyền lợi GV, thầy Lê Trung Sơn nói: Cấp huyện thì phải theo hướng dẫn của tỉnh. Nếu vậy, một là tỉnh cấp đủ biên chế 1,5 GV/ lớp; hai là cho phép huyện hợp đồng đối với những đơn vị thiếu; chứ nếu tỉnh không cho phép như vậy, khi các đoàn tỉnh về kiểm tra, phát hiện có hợp đồng như vậy sẽ kỷ luật. Tại Nam Đàn, huyện có nhu cầu 49 GV tiếng Anh, nhưng biên chế chỉ được 17 người. Vì vậy, các trường buộc phải hợp đồng để dạy cho HS.

Tỉnh sẽ xem xét

TS Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An cũng rất trăn trở về nghịch lý nói trên. Hiện Phòng GDĐT huyện cũng không nắm được các trường đang hợp đồng bao nhiêu GV.

TS Vinh giải thích: Do sự vênh nhau giữa thực tế và các chủ trương chính sách chưa thật đồng bộ, nên phải làm từ từ. Trường chuẩn quốc gia mức độ 2 theo Thông tư 59 thì phải bố trí đủ 1,5 GV/lớp, nhưng thực tế đang khó khăn, nên phải vận dụng sáng tạo, ví dụ có thể điều động GV ngoại ngữ dạy liên trường (vừa dạy THCS, vừa dạy Tiểu học). Theo Quyết định 1517 thì các trường dạy tăng buổi được hợp đồng GV, chi trả từ nguồn xã hội hóa; trong khi đó, Chỉ thị 30 của UBND tỉnh lại cấm các cơ quan không được hợp đồng, khi chưa được UBND tỉnh phê duyệt.

“Chúng tôi sẽ tham mưu, có hướng giải quyết vấn đề này”, TS Thái Huy Vinh khẳng định. Tuy nhiên, khi PV hỏi, khi nào thì có văn bản trình, thì được trả lời là “đang làm”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Minh Thông trao đổi: “Tỉnh chỉ đạo đối với những GV đã hợp đồng, bây giờ có chỉ tiêu thì phải làm các thủ tục để tuyển dụng. Hiện nay, tỉnh chỉ mới cho phép hợp đồng đối với GV Mầm non. Còn đối với Tiểu học, nếu thiếu GV, huyện cần có văn bản, tờ trình, nêu rõ số lượng, vị trí thiếu; tỉnh sẽ xem xét. Vấn đề này quan điểm của tỉnh là quản lý chặt chẽ”.

Clip về trường Tiểu học Nam Cường


Nghiêm cấm hợp đồng khi chưa được tỉnh phê duyệt

Quyết định 1517 ngày 20.4.2015 của UBND tỉnh Nghệ An do Phó Chủ tịch Đinh Thị Lệ Thanh ký, nêu rõ: “Bố trí đủ định mức 1,5 GV/lớp (kể cả biên chế và hợp đồng) và đảm bảo cơ cấu GV đối với các trường đã công nhận trường chuẩn quốc gia và trường trong lộ trình chuẩn bị kiểm tra đạt chuẩn quốc gia để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo quy định về tiêu chuẩn quốc gia cấp tiểu học”. Trước đó, Chỉ thị số 30/CT-UBND ngày 28.10.2013 của UBND tỉnh Nghệ An lại quy định: “Nghiêm cấm thủ trưởng các cơ quan, đơn vị hợp đồng lao động khi chưa được UBND tỉnh phê duyệt cơ cấu, số lượng, vị trí, chức danh hợp đồng lao động. Tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.

Tác giả bài viết: Quang Đại

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP