Pháp luật

Trùm logo xe 'vua' khai đưa tiền cho cảnh sát giao thông để mướn xe ôm

Nguyễn Văn Thới khai số tiền chuyển cho nguyên cán bộ cảnh sát giao thông (CSGT) Đồng Nai là để đóng phạt và mướn xe ôm canh đường, chứ không phải để hối lộ cho CSGT "bảo kê" xe.

Sáng 19/4, TAND TP.HCM xét xử các bị cáo trong đường dây bán logo xe "vua". 10 bị cáo gồm Nguyễn Cảnh Chân (nguyên cán bộ Đội 1, Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai), bị truy tố về tội Môi giới hối lộ. Nguyễn Văn Thới, Trần Quốc Thái, Lê Thị Cẩm Vân cùng 6 bị cáo khác bị truy tố về tội Đưa hối lộ.

Tố bị ép cung

Trong phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Văn Thới, người bị cáo buộc cầm đầu đường dây bán logo xe "vua" khai chỉ dán logo cho 500-600 xe chứ không phải 15.000 xe như cáo trạng truy tố. Số tiền thu được từ việc bán những logo này cũng không phải 22 tỷ như trước đó Thới thừa nhận. Bị cáo cho rằng mình bị 3 điều tra viên chích điện, ép cung nên buộc phải khai không chính xác.

Thực tế, Thới đã chuyển cho Chân 1,2 tỷ đồng để Chân đóng phạt và mướn xe ôm canh đường, chứ không nhằm mục đích hối lộ cho cảnh sát giao thông (CSGT), thanh tra giao thông (TTGT) để "bảo kê" xe quá tải.

Bị cáo Thới bị dẫn đi sau phiên xử. Ảnh: Hoài Thanh.

Nguyễn Cảnh Chân khai số tiền của Thới đưa cho mình là để nhờ tìm người can thiệp cho những xe quá tải đi qua địa bàn Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, không bị xử phạt. Số tiền 1,2 tỷ đồng nhận từ Thới, được Chân giao cho 2 cán bộ công an tỉnh Đồng Nai.

Đối với đường dây do Lê Thị Cẩm Vân cầm đầu, Vân khai số tiền bán logo thu được khoảng 2 tỷ, chứ không phải 8 tỷ như trong cáo trạng quy kết. Bị cáo tố mình bị điều tra viên lấy lời khai hù dọa sẽ treo giò, chích điện nên sợ hãi mà khai theo những con số như trong cáo trạng đã quy kết.

Vân thừa nhận việc đưa hối lộ cho cán bộ đội CSGT TP.HCM. Tuy nhiên, số tiền chỉ là 150 triệu chứ không phải 627 triệu đồng.

Không đồng ý triệu tập cảnh sát giao thông

Trước đó, trong phần thủ tục phiên tòa, luật sư Lê Thị Bích Chi (bào chữa cho bị cáo Cẩm Vân cùng 6 đồng phạm) đã đề nghị HĐXX triệu tập điều tra viên để làm rõ một vài sự thật khách quan của vụ án.

Đồng thời, luật sư cũng đề nghị triệu tập những cảnh sát giao thông (CSGT), thanh tra giao thông (TTGT) của đội 7, đội 8 (đội TTGT TP.HCM). Luật sư Chi cho rằng đây là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vụ án mà kết quả điều tra chưa thể hiện được căn cứ buộc tội, nên cần được triệu tập.

Bị cáo Nguyễn Cảnh Chân nguyên cán bộ Đội 1, Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai, bị truy tố về tội Môi giới hối lộ. Ảnh: Hoài Thanh.

Luật sư Lâm Quang Quý (bào chữa cho bị cáo Thới, Thái) cũng đồng tình với đồng nghiệp. Luật sư cho rằng việc hối lộ xảy ra trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, nên những cán bộ giao thông ở đó phải có mặt để làm rõ việc hối lộ có xảy ra hay không và có hậu quả không.

Chủ tọa nhận thấy đối với người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, trong cáo trạng đã nêu toàn bộ cảnh sát mà bị cáo khai có nhận hối lộ không bị xem xét xử lý trách nhiệm vì không có cơ sở. Vì vậy, HĐXX chưa triệu tập những người này. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, nếu thấy việc có mặt của những người này là cần thiết thì sẽ xem xét quyết định.

Tác giả: Hoài Thanh - Nguyễn Diễm

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP