Pháp luật

Trịnh Xuân Thanh nhiều lần bị đòi nợ tiền mua 3.400m2 đất Tam Đảo?

Sau khi chuyển nhượng 3.400m2 đất Tam Đảo, nguyên Chủ tịch PVC Kinh Bắc nhiều lần đòi nợ Trịnh Xuân Thanh nhưng chưa được.

Trong vụ án Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học (PVB), công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc PVC bị truy tố về cả hai tội danh trên.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh trả lời thẩm vấn của HĐXX.

Cùng bị đưa ra xét xử trong vụ án này còn có: ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Vũ Thanh Hà, nguyên Tổng GĐ PVB; Trần Thị Bình, nguyên Phó tổng giám đốc PVN; Phạm Xuân Diệu, nguyên Tổng giám đốc PVC; Nguyễn Ngọc Dũng, nguyên Phó tổng giám đốc PVC; Đỗ Văn Quang, nguyên Trưởng ban kinh tế PVC; Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Phó phòng Đầu tư PVB; Khương Anh Tuấn, nguyên Phó phòng Thương mại PVB; Lê Thanh Thái, nguyên Trưởng phòng Kinh doanh PVB; Hoàng Đình Tâm, nguyên Kế toán trưởng PVB bị truy tố về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo Đỗ Văn Hồng, nguyên Chủ tịch kiểm Tổng Giám đốc công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Kinh Bắc (PVC Kinh Bắc) bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc là lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Chủ tịch HĐQT PVC có tỷ lệ góp vốn tại PVC Kinh Bắc, đã bàn bạc với bị cáo Đỗ Văn Hồng về việc đầu tư mua 3.400m2 đất tại thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc của công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Mefrimex bằng tiền tạm ứng cho thực hiện sự án của PVC.

Cụ thể, bị can Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo cán bộ dưới quyền tại PVC cho PVC – Kinh Bắc tạm ứng trái quy định 25 tỷ đồng.

Để hợp thức việc cho tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng trái quy định, bị can Thanh và Hồng bàn bạc, thống nhất làm các thủ tục để chuyển 21 tỷ đồng tạm ứng thành tiền góp vốn điều lệ của PVC tại PVC Kinh Bắc trái quy định, gây thiệt hại cho PVC hơn 13 tỷ đồng.

Với mục đích sở hữu 3.400m2 đất nêu trên, năm 2011, Trịnh Xuân Thanh thành lập công ty Mai Phương và yêu cầu Hồng ký hợp đồng chuyển nhượng khu đất trên cho công ty Mai Phương với giá gần 23,8 tỷ đồng, nhưng chỉ thanh toán 20,8 tỷ đồng, hưởng lợi 3 tỷ đồng.

Liên quan đến nội dung này, trả lời thẩm vấn HĐXX vào chiều muộn ngày 08/3, bị cáo Trịnh Xuân Thanh phủ nhận vai trò của mình trong việc bàn bạc với Đỗ Văn Hồng tìm mua đất tại Tam Đảo.

Theo trình bày của Thanh, năm 2016, bị cáo lên Tam Đảo chơi, biết việc công ty của Hồng gặp khó khăn chưa triển khai được dự án, nên mới nói vợ Thanh huy động bạn bè mua giúp hoặc giới thiệu. Trong số những người chung tiền mua có cả vợ bị cáo Thanh, hoàn toàn không liên quan gì đến bị cáo.

Đối chất về việc này, trả lời thẩm vấn của đại diện VKS vào sáng nay (09/3), bị cáo Đỗ Văn Hồng thừa nhận việc mua 3.400 m2 đất tại thị trấn Tam Đảo, huyệnTam Đảo, Vĩnh Phúc. Sau đó vì kinh tế khó khăn, bị cáo đã chuyển nhượng lại cho gia đình Trịnh Xuân Thanh với số tiền 23,8 tỷ đồng. Việc thỏa thuận chuyển nhượng đất bị cáo Hồng khai trực tiếp làm việc với Thanh, một vài lần ông Giới chuyển tiền, còn bị cáo không làm việc với ai khác.

“Gia đình ông Thanh mới chuyển được 20,8 tỷ đồng, 3 tỷ đồng còn lại, bị cáo đòi nhiều lần nhưng chưa lấy được”, bị cáo Hồng khai.

Chiều nay, HĐXX tiếp tục thẩm vấn các bị cáo khác để làm rõ sai phạm trong vụ án.

Tác giả: Nguyễn Thị Thúy

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP