Giáo dục

Triết lý giáo dục: Không thể tách rời rèn đức, luyện tài

Dù triết lý giáo dục là gì đi chăng nữa thì mục tiêu của ngành giáo dục Việt Nam vẫn phải song hành giữa "rèn đức" và "luyện tài".

Triết lý giáo dục Việt Nam là gì? là câu hỏi được đặt ra từ lâu và mới đây nhất, lại được đưa ra bàn thảo tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14. Không ít ý kiến cho rằng, Việt Nam chưa có triết lý giáo dục rõ ràng nên những định hướng trong cải cách giáo dục thời gian qua không hiệu quả, thiếu sự ổn định, tạo cảm giác như ngành giáo dục vẫn đang vướng trong "mớ bòng bong" cải cách. Thế nhưng, như ý kiến của các chuyên gia giáo dục hàng đầu hiện nay, dù triết lý giáo dục là gì đi chăng nữa, thì mục tiêu của ngành giáo dục Việt Nam vẫn phải song hành giữa "rèn đức" và "luyện tài".

học sinh

Có không ít ý kiến cho rằng Việt Nam thiếu triết lý giáo dục, nên thiếu sự ổn định. (Ảnh: KT)

Theo một số nhà nghiên cứu, chuyên gia giáo dục, triết lý giáo dục nói nôm na là “kim chỉ Nam” cho mọi hoạt động dạy và học trong nhà trường hiện nay. Có một thực tế là từ năm 1945 đến nay, chưa có văn kiện nào của Đảng cũng như chính sách của Chính phủ dùng cụm từ “triết lý giáo dục” và chưa đưa ra một mẫu số chung cho định nghĩa triết lý giáo dục của Việt Nam là gì. Chính vì thế, trong những năm gần đây, nhu cầu đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam trở nên cấp thiết hơn.

Tiến sỹ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nêu ý kiến: "Tôi nghĩ chúng ta cần triết lý giáo dục bởi hiện nay chính vì không có triết lý giáo dục cho nên chúng ta đang hoạt động giáo dục giống như một miếng chăn vá. Chúng ta thiếu ở đâu vá ở đó. Nhưng vì vá như vậy, chúng ta không thể cân nhắc được mức độ nặng nhẹ của hình thức vá, dẫn đến là sẽ bục chỗ nọ, chỗ kia. Khi xây dựng triết lý giáo dục giống như chúng ta thay hẳn một cái chăn mới. Có thể ban đầu chúng ta dệt những sợi vải đầu tiên chưa định hình rõ gì cả, nhưng càng về sau những sợi vải tiếp theo thì càng rõ ràng hơn, khi tấm chăn hoàn thành, chúng ta sẽ có một màu sắc rất rõ ràng của dân tộc Việt Nam".

Chúng tôi đã đem câu hỏi "triết lý giáo dục Việt Nam là gì" tới giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và câu trả lời mà chúng tôi nhận được là: Văn kiện của Đảng, chính sách của Nhà nước không đặt ra “triết lý giáo dục” nhưng điều đó không có nghĩa là sự nghiệp giáo dục không có lý luận chỉ đạo. Từ năm 1945 đến nay, mỗi giai đoạn lại có những định hướng cụ thể khác nhau bằng những quan điểm chỉ đạo giản dị, dễ nhớ như: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”; “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”; hay “dạy tốt, học tốt”... Những khẩu hiệu này cũng được coi là “triết lý giáo dục” bởi đã đưa Việt Nam từ 5% người dân biết chữ trước Cách mạng tháng Tám, lên hơn 97% người dân trong độ tuổi 15 đến 50 biết chữ ở thời điểm hiện nay. Điều đó không ai phủ nhận. Song tới thời điểm hiện nay, những "triết lý" tạm gọi ấy phần nào đã hoàn thành sứ mệnh.

Giáo sư Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, định hướng mục tiêu cho đúng sẽ quyết định một nền giáo dục tốt: "Cách mạng thành công, chúng ta chuyển từ nền giáo dục này sang nền giáo dục khác về bản chất là khác hẳn, mình có nêu lên triết lý đâu. Mình chỉ nêu lên tính chất của nền giáo dục mới là gì, là dân tộc khoa học đại chúng. Đấy không phải là triết lý mà là tính chất của giáo dục. Nền giáo dục muốn cho tốt thì định hướng mục tiêu cho đúng. Cái mà rối ren nhất của giáo dục Việt Nam tức là không đúng mục tiêu. Đề ra mục tiêu một đằng và làm một đằng. Triết lý chỉ là một sự định hướng cho hành động. Còn hành động có làm được là phải theo đúng công nghệ của nó".

Một số ý kiến cho rằng, trong thời điểm hiện nay, Nghị Nghị quyết số 29 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa 11 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế cũng có thể coi là “kim chỉ Nam” cho hoạt động giáo dục của Việt Nam.

Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội nêu quan điểm: "Theo quan điểm của tôi là việc giải quyết triết lý giáo dục là cần thiết, là quan trọng nhưng không phải là quan trọng hàng đầu. Những định hướng của chúng ta đã có, vì vậy tập trung với nhau bàn cách thực hiện những định hướng mà ta đã thống nhất thì có phải hơn là chúng ta cứ đi loanh quanh cãi nhau ở những điều gì đấy rồi cuối cùng không hành động để cho giáo dục tốt hơn. Hiện nay phê phán giáo dục thì rất dễ nhưng hành động cho giáo dục tốt hơn thì chưa thấy mấy người đề ra cách hành động, đóng góp công sức vào đấy, chỉ ra cách làm mới, bằng cách của mình để cải tạo giáo dục. Chắc chắn nhiều người đều tham gia, đều làm thì chúng ta sẽ đến đích".

Tuy chưa thống nhất quan điểm về “triết lý giáo dục” của Việt Nam là gì nhưng các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu, chuyên gia giáo dục đều khẳng định, triết lý giáo dục phải trả lời được câu hỏi hoạt động dạy và học nhằm mục đích gì, nền giáo dục muốn đào tạo con người như thế nào. Định hướng giáo dục sẽ mang tính thời đại, là những mục tiêu ngắn hạn, phù hợp trong từng giai đoạn. Triết lý giáo dục là đích đến và sẽ định hướng phát triển sự nghiệp giáo dục một cách ổn định, có thể kéo dài cả trăm năm mới có kết quả rõ nét. Và bởi vậy, dù là triết lý giáo dục hay định hướng giáo dục thì không thể tách rời với công cuộc rèn đức luyện tài trong các trường hoc Việt Nam./.

Tác giả: Minh Hường

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP