Tin địa phương

Tiếp nhận, hỗ trợ sinh kế cho hàng trăm đối tượng yếu thế

Ngày 1/2/2018, Trung tâm cung cấp dịch vụ Công tác xã hội (thuộc Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng) tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch hoạt động công tác năm 2018.

Hộị nghị triển khai kế hoạch hoạt động năm 2018

Báo cáo tại hội nghị, Trung tâm cung cấp dịch vụ Công tác xã hội TP. Đà Nẵng (gọi tắt là Trung tâm) cho biết, trong năm 2017, Trung tâm đã tiếp nhận gần 570 trường hợp cần hỗ trợ liên quan đến công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em và trợ giúp người khuyết tật. Trong đó, chủ yếu là các trường hợp trẻ có khó khăn về giao tiếp, trí tuệ, hỗ trợ kỹ năng sống cho trẻ em, trẻ bị bạo hành, ngược đãi, xâm hại tình dục, chính sách về người khuyết tật và kết nối với các chương trình, dự án được hỗ trợ… Đặc biệt, với việc hỗ trợ trị liệu thường xuyên cho các cháu có khó khăn trong giao tiếp và hành vi, năm 2017 Trung tâm đã trợ giúp nhiều trẻ em trở lại hòa nhập cộng đồng và được kết nối với các cơ sở học tập thuận lợi.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm trợ giúp cho nhiều hơn những trường hợp cần sự hỗ trợ, bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm cung cấp dịch vụ Công tác xã hội TP. Đà Nẵng cho biết, năm 2017, đơn vị đã phối hợp với các địa phương, các trường học tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền về quyền trẻ em, Luật Trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; tuyên truyền hoạt động của Trung tâm, mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí, người tâm thần dựa vào cộng đồng cho hơn 7.000 lượt người tham dự.

Đặc biệt, với việc nhân rộng các mô hình xã phường làm tốt công tác xã hội đối với trẻ em, Trung tâm đã trợ giúp cho nhiều địa phương tư vấn, kết nối nguồn lực và các dịch vụ xã hội hiện có tại cộng đồng để trợ giúp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc và vượt qua hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Theo đó, tính đến nay, các địa phương đã mở hồ sơ quản lý và theo dõi trên 600 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Nhân viên Trung tâm cung cấp dịch vụ Công tác xã hội TP. Đà Nẵng tìm hiểu hoàn cảnh của một trường hợp cần sự trợ giúp tại xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng).

Ngoài ra, với việc thực hiện đề án “Mô hình cơ sở phòng trị liệu rối nhiễu tâm trí, hỗ trợ người bệnh tâm thần hòa nhập cộng đồng”, trong năm 2017, Trung tâm cũng đã tổ chức đánh giá tâm lý cho 450 trẻ trong độ tuổi mầm non tại các trường mầm non thuộc 4 quận trên địa bàn thành phố. Qua đó, phát hiện có khoảng 18% số trẻ được đánh giá cần can thiệp sớm và hơn 30 lượt tư vấn cho phụ huynh, nâng tổng số trẻ đã sàng lọc qua 3 năm lên đến gần 1.000 trẻ.
Bên cạnh các mô hình trợ giúp hiệu quả đối với trẻ em, năm 2017, Trung tâm cung cấp dịch vụ Công tác xã hội TP. Đà Nẵng cũng đã kết nối với các dự án, chính sách hỗ trợ sinh kế cho hàng chục trường hợp người khuyết tật là nạn nhân bom mìn có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí hàng trăm triệu đồng.

Đặc biệt, với việc được lựa chọn là địa phương thí điểm thực hiện mô hình trợ giúp người khuyết tật thông qua hoạt động hỗ trợ sinh kế từ Cục Bảo trợ xã hội, Đà Nẵng đã triển khai thực hiện mô hình đến 20 hộ thuộc huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu. Đến nay, Trung tâm đã hoàn thành việc đánh giá nhu cầu và hỗ trợ cho 20 hộ gia đình có trẻ em khuyết tật với tổng kinh phí gần 140 triệu đồng.

“Trợ giúp xã hội cho các đối tượng yếu thế trên địa bàn thành phố ngày càng được nâng lên rõ rệt, kể cả số lượng cũng như phạm vi hỗ trợ. Nhiều trường hợp đã được kết nối với các tổ chức Hội, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để hỗ trợ sinh kế, học bổng, giúp họ vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống”, bà Hoa cho biết.

Với những kết quả đạt được, Trung tâm cung cấp dịch vụ Công tác xã hội TP. Đà Nẵng cho biết, năm 2018, đơn vị sẽ tiếp tục củng cố và phát triển các mô hình dịch vụ công tác xã hội chuyên nghiệp tại Trung tâm và cộng đồng, tiến tới hình thành mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho trẻ em; mở rộng phạm vi cung ứng đến các đối tượng đặc thù góp phần từng bước phát triển nghề công tác xã hội trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, sẽ phấn đấu có 60% người dân trong cộng đồng, nhất là người nghèo, các đối tượng đặc thù biết đến hoạt động của trung tâm để có thể tiếp cận với loại hình dịch vụ công tác xã hội khi có nhu cầu; đảm bảo 100% người có nhu cầu cung cấp dịch vụ xã hội tại Trung tâm được tiếp nhận thông tin tư vấn, tham vấn, kết nối và can thiệp trong khuôn khổ phạm vi các dịch vụ sẵn có của Trung tâm cũng như mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội trên địa bàn thành phố.

Tác giả: BÙI MINH

Nguồn tin: Báo Dân sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP