Du lịch

Tia vũ trụ "xuyên thủng" kim tự tháp Giza, hé lộ bí mật sửng sốt

Một hành lang bí ẩn dài 9m, rộng 2,1m, vừa được phát hiện gần lối vào chính của đại kim tự tháp Giza 4.500 năm tuổi ở Ai Cập.

Theo đài BBC, phát hiện này đến từ Dự án ScanPyramids, sử dụng một kỹ thuật hình ảnh không xâm lấn có tên là muography để thám sát các khu vực chưa thể tìm ra lối vào của kim tự tháp còn đầy bí ẩn này.

Muography ứng dụng hạt muon, một hạt hạ nguyên tử có trong các tia vũ trụ, đủ sức xuyên qua các bức tường dày của đại kim tự tháp và tiết lộ mật độ của các cấu trúc bên trong, từ đó hé lộ nhưng khoảng không gian chưa từng biết.

Sau khi phát hiện bất thường ở độ cao khoảng 7m bên trên lối vào chính, các thử nghiệm sâu hơn đã được thực hiện với radar và siêu âm trước khi một ống nội soi rộng 6 mm được đưa qua một khớp nhỏ ở giữa các viên đá để tìm đường đến với hành lang bí ẩn nằm phía sau mặt Bắc của kim tự tháp.

Lối đi bí mật được phát hiện gần lối vào chính của đại kim tự tháp Giza. Ảnh: Bộ Cổ vật Ai Cập

Video từ thiết bị nội soi cho thấy hành lang dài 9m và rộng 2,1m, có cấu trúc hình chữ V và bằng đá. Các vách của hành lang được đẽo khá sơ sài.

Ông Mostafa Waziri, người đứng đầu Hội đồng Cổ vật Tối cao của Ai Cập, cho biết hành lang chưa hoàn thành có khả năng được tạo ra để phân bổ lại trọng lượng của kim tự tháp xung quanh lối vào chính hiện được khách du lịch sử dụng, cách đó gần 7m, hoặc xung quanh một căn phòng hoặc không gian khác chưa được khám phá.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục khám phá để xem có thể làm gì... để tìm ra những gì có thể tìm thấy bên dưới, hoặc ở cuối hành lang này", ông Waziri nói với báo giới.

Năm phòng bên trên lăng mộ của pharaoh ở một phần khác của kim tự tháp cũng được cho là đã được xây dựng để phân bổ lại trọng lượng của cấu trúc đồ sộ. Ông Waziri cho biết thêm, có thể pharaoh có nhiều hơn một phòng chôn cất.

Cho tới nay kỳ quan thế giới cổ đại duy nhất còn tồn tại vẫn còn rất bí ẩn với nhiều phần chưa được khám phá, thậm chí không có sự đồng thuận về cách mà nó đã được xây dựng.

Được biết, đại kim tự tháp được xây dựng như một lăng mộ hoành tráng vào khoảng năm 2560 trước Công nguyên dưới triều đại của Pharaoh Khufu, hay Cheops, người trị vì từ khoảng năm 2609 trước Công Nguyên đến năm 2584 trước Công Nguyên. Được xây dựng ở độ cao 146m, đại kim tự tháp cao 139m là công trình kiến trúc cao nhất do con người tạo ra cho đến khi có tháp Eiffel ở Paris, Pháp, vào năm 1889.

Đáng chú ý, đến nay mộ phần của Pharaoh Khufu - theo lẽ thường sẽ nằm trong kim tự tháp do ông xây dựng - vẫn chưa được tìm thấy.

Nhà khảo cổ Ai Cập Zahi Hawass cho biết hành lang này là một khám phá lớn, kỳ vọng nó có thể giúp tiết lộ liệu phòng chôn cất của Pharaoh Khufu có còn tồn tại bên trong kim tự tháp hay không.

Ông cũng suy đoán rằng có thể có "thứ gì đó quan trọng" ở khoảng trống bên dưới hành lang, mong rằng các bước khảo sát tiếp theo sẽ mang lại kết quả trong vài tháng tới.

Trước đó, năm 2017, các nhà nghiên cứu của dự án Scan Pyramids đã phát hiện một khoảng trống dài ít nhất 30m và cao vài mét bên trong đại kim tự tháp, cấu trúc bên trong lớn đầu tiên được tìm thấy kể từ thế kỷ 19.

Tác giả: Minh Hoa

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

  Từ khóa: Kim tự tháp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP