Kinh tế

Thương lái Trung Quốc mua rễ tiêu: Tiềm ẩn rủi ro!

Cho rằng việc mua bán rễ tiêu để xuất khẩu sang Trung Quốc là bất thường, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã có biện pháp ngăn chặn

Giữa lúc nông dân phá bỏ vườn tiêu kém hiệu quả để chuyển đổi cây trồng, rễ tiêu là thứ bỏ đi nhưng thương lái đến mua với giá 20.000 đồng/kg (rễ tươi), 80.000 đồng/kg (rễ khô) - sự việc xảy ra tại xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.

Theo UBND xã Xuân Thọ, hiện có 14 hộ dân tại địa phương cải tạo vườn tiêu diện tích từ 0,1-0,7 ha đã tận thu rễ tiêu bán cho thương lái. Số rễ tiêu này sau đó được bán cho Công ty Ân Nga cũng đóng trên địa bàn xã Xuân Thọ. Công ty này lại tiếp tục bán cho thương lái Trung Quốc để làm thuốc bắc.

Từ báo cáo của UBND xã Xuân Thọ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Đồng Nai cho rằng việc thu mua rễ hồ tiêu có mục đích không rõ ràng và có dấu hiệu bất thường. "Có nguy cơ gây nên tình trạng người dân phá bỏ vườn tiêu để lấy rễ, đào trộm rễ tiêu để bán, lây lan dịch bệnh, gây thiệt hại đến sản xuất, trồng trọt, ảnh hưởng đến trật tự an ninh nông thôn và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn" – văn bản do ông Trần Đình Minh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai nêu rõ.

Ngành nông nghiệp Đồng Nai cho rằng việc mua bán rễ hồ tiêu có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu mặt hàng này

Để ngăn chặn tình trạng trên, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn thông tin, tuyên truyền để người dân biết việc thương lái thu gom gốc, thân cây hồ tiêu chết khô có thể đem về băm, xay nhuyễn trộn với tiêu xay gia vị, rất nguy hiểm cho sức khỏe con người vì tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trước đó, ảnh hưởng đến xuất khẩu hồ tiêu. Đồng thời, vận động người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, khi phát hiện tổ chức, cá nhân có liên kết với nước ngoài thu mua rễ cây hồ tiêu báo với chính quyền gần nhất để kịp thời theo dõi, làm rõ mục đích thu mua, ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Giữa lúc hồ tiêu xuống thấp, giá hiện chỉ còn 60.000 đồng/kg (tương đương 25%-30% giá thời hoàng kim), nhiều vườn tiêu không đạt hiệu quả kinh tế nên bị phá bỏ để chuyển đổi cây trồng. Đầu năm 2018, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho rằng để ngành hồ tiêu Việt Nam phát triển bền vững, cần quy hoạch diện tích hồ tiêu cả nước xuống mức 100.000 ha thay vì 153.000 ha tính đến cuối năm 2017. Như vậy, có đến 1/3 diện tích hồ tiêu cần được thay thế bởi cây trồng khác để ngành hồ tiêu không rơi vào tình trạng cung vượt cầu như hiện nay.

Việc thương lái thu mua rễ tiêu là phần bỏ đi giúp nông dân có thêm thu nhập nhưng bị ngăn chặn khiến nhiều người cho rằng cơ quan chức năng đang điều hành theo kiểu "không quản lý được thì cấm". Bởi lẽ, rễ tiêu không phải mặt hàng cấm nên người dân có quyền tự do mua bán.

Trao đổi với phóng viên trưa 8-5, ông Trần Lâm Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai, cho rằng về mặt kỹ thuật, các bộ phận của cây trồng (như rễ, gốc, thân,…) khi vận chuyển từ vùng này sang vùng khác nếu không kiểm soát kỹ có thể lây lan dịch bệnh. "Đây là quy định về kiểm dịch thực vật, tương tự như kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật như bên ngành thú y (kiểm dịch heo, bò, gà,.. – PV). Chúng tôi không khuyến khích việc mua bán rễ hồ tiêu vì lý do kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Nếu cây hồ tiêu bị bệnh chết thì gốc và rễ phải được chôn ở hố có rải vôi để xử lý dịch bệnh chứ không được vận chuyển sang nơi khác làm lây lan dịch bệnh. Trường hợp dùng gốc và rễ tiêu để làm nguyên liệu chế biến thực phẩm hoặc dược liệu cũng không đảm bảo do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trong quá trình canh tác." – ông Sinh giải thích

Tác giả: NGỌC ÁNH

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP