Thế giới

Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Hủy đột ngột nhưng không sốc!

Bình Nhưỡng tiến hành phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri trước sự chứng kiến của khoảng 20 nhà báo nước ngoài

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 24-5 quyết định hủy cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, dự kiến diễn ra tại Singapore ngày 12-6 tới ngay cả khi Bình Nhưỡng phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri như cam kết.

"Cơ hội bị bỏ lỡ"

Trong lá thư gửi đến ông Kim Jong-un, ông Trump cho biết giờ không phải là thời điểm phù hợp cho cuộc gặp vì "sự tức giận và thù địch" trong tuyên bố gần đây nhất của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Ông chủ Nhà Trắng gọi đó là "cơ hội bị bỏ lỡ" và đây là "thật sự là khoảnh khắc buồn trong lịch sử."

Dù vậy, ông Trump vẫn bày tỏ mong muốn được gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên và sẵn sàng nhận điện thoại hoặc thư từ nếu ông thay đổi ý kiến. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ cảm ơn ông Kim Jong-un vì trả tự do cho "3 con tin Mỹ" và gọi đây là "cử chỉ đẹp đẽ" nhưng không quên cảnh báo Bình Nhưỡng về kho vũ khí hạt nhân "khổng lồ và mạnh mẽ" của Washington.

Hình ảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong một bản tin truyền hình tại Hàn Quốc Ảnh: AP

Ông Trump có động thái trên bất chấp Triều Tiên đã tiến hành phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri trước sự chứng kiến của khoảng 20 nhà báo nước ngoài được mời tới đưa tin không lâu trước đó. Theo mô tả của nhà báo Tom Cheshire từ Sky News - đài duy nhất của Anh được mời, các nhà báo được chứng kiến đợt phá nổ đường hầm của bãi thử ở khoảng cách 500 m. Ví von hành động này là "phá hủy trái tim của chương trình vũ khí hạt nhân" Triều Tiên, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc ca ngợi sự giữ vững cam kết của Bình Nhưỡng góp phần làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Chương trình phá hủy bao gồm cho nổ 4 đường hầm ngầm, đóng tất cả cửa vào và dỡ bỏ các cơ sở khác tại Punggye-ri. Yonhap dẫn lời các phóng viên Hàn Quốc có mặt tại bãi thử hạt nhân này cho biết đã nghe thấy nhiều tiếng nổ lớn trong ngày, kéo dài từ 11-16 giờ ngày 24-5 (giờ địa phương).

Trong khi đó, theo Sky News, các nhà báo còn được quan chức Triều Tiên chia sẻ những chi tiết chưa từng được hé lộ về chương trình vũ khí hạt nhân của nước này. Họ cũng được cho xem các đường hầm giăng chi chít dây điện ở cửa - nơi từng diễn ra 6 cuộc thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên.

Phía Bình Nhưỡng nói sự hiện diện của các phóng viên quốc tế bảo đảm tính minh bạch của việc đóng cửa bãi thử hạt nhân. Tuy vậy, nhiều chuyên gia tỏ ra đáng tiếc khi không được mời và cho rằng những bằng chứng có thể thu thập từ bãi thử sẽ hoàn toàn biến mất sau lễ phá hủy.

Hành động thiện chí

Triều Tiên ban đầu đi đến quyết định phá hủy Punggye-ri như một hành động thiện chí trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều nhưng một bước đi như thế không đủ cứu vãn cuộc gặp trong bối cảnh Bình Nhưỡng vài lần đe dọa rút khỏi sự kiện lịch sử này.

Trong thông điệp mới nhất hôm 24-5, Triều Tiên khẳng định rằng ngồi vào bàn đàm phán hay đối đầu hạt nhân thì sự sẵn sàng của nước này đều như nhau. Cảnh báo này được đưa ra sau những phát ngôn gần đây của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence rằng Bình Nhưỡng có thể có kết cục giống Libya nếu không tiến tới phi hạt nhân hóa.

Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui hôm 24-5 dùng những lời lẽ nặng nề như "ngu dốt" và "thiếu suy nghĩ" để chỉ trích phát biểu của ông Pence. Nữ quan chức ngoại giao cấp cao của Triều Tiên còn đặt nghi vấn liệu cuộc gặp tại Singapore có đáng hay không nếu bình luận (của ông Pence) phản ánh lập trường của Washington. Đài CNN dẫn một số nguồn tin cho biết ông Trump và các phụ tá tỏ ra giận dữ trước tuyên bố mới nhất này, nhất là khi ông Pence là mục tiêu bị chỉ trích và muốn đáp trả mạnh mẽ.

Sự sụp đổ của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên không hoàn toàn là cú sốc dù thông báo của ông Trump được đưa ra khá đột ngột. Trong vài thập kỷ qua, Bình Nhưỡng từng vài lần đề nghị đàm phán với Washington để rồi sau đó đưa những lời đe dọa "hiếu chiến".

Lần này, ngay cả sau khi ông Trump đồng ý lời mời hội đàm của ông Kim Jong-un hồi tháng 3, hầu hết quan chức Mỹ nhận định cơ hội cuộc gặp diễn ra chưa đến 50%. Ngoài ra, họ còn ngày càng hoài nghi về cam kết phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng.

Tác giả: Phương Võ - Thu Hằng

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP