Hàng chục tấn hóa chất công nghiệp còn tồn trong kho dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
“Tẩm” hóa chất cho thức ăn heo, thủy sản
Ngày 15/7, trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra Chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN&PTNT) cho biết: Cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa rồi, Thanh tra Bộ phối hợp với Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm về Môi trường (C49), kiểm tra, phát hiện 6/8 cơ sở sản xuất TACN ở phía Nam sử dụng hóa chất công nghiệp.
Trong đó, có nhà máy lớn, công suất tới 15 nghìn tấn/tháng (hóa chất công nghiệp chỉ sử dụng trên một số mã hàng). Các sơ sở vi phạm nằm ở TPHCM, Long An, Tiền Giang, Đồng Nai, Bình Dương… Đoàn thanh tra phát hiện 43,5 tấn hóa chất công nghiệp trong kho của các cơ sở trên và yêu cầu đình chỉ sử dụng.
Đoàn Thanh tra đã xử phạt các cơ sở vi phạm gần 580 triệu đồng. Đồng thời, thông báo vấn đề trên tới Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), yêu cầu các địa phương thanh, kiểm tra thực trạng đó. Hồ sơ các cơ sở vi phạm chuyển cho cơ quan công an giám sát, mở rộng điều tra nếu cần thiết.
“Vấn đề vi phạm chất cấm, an toàn thực phẩm đã được đưa vào Bộ luật Hình sự 2015 vừa rồi, đáng tiếc là Bộ luật này đã bị hoãn thi hành đến đầu năm 2017. Việc áp dụng các mức xử lý hiện quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Về lâu dài, cần đưa hóa chất công nghiệp vào danh mục cấm sử dụng trên thực phẩm và thức ăn chăn nuôi” Trưởng phòng Thanh tra Chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN&PTNT) Phạm Tiến Dũng |
Theo ông Dũng, trên bao bì chứa các hóa chất (hầu hết có nguồn gốc Trung Quốc), nói rõ chỉ sử dụng cho công nghiệp. Tuy nhiên, cơ sở “giải thích lòng vòng” là để bổ sung khoáng cho thức ăn vật nuôi trên cạn và thủy sản.
“Các chất này chứa nhiều kim loại nặng như Asen, Cadimi, chì, thủy ngân… là những chất có thể gây tồn dư trên sản phẩm động vật, từ đó, người tiêu dùng ăn vào, tích tụ, là một là trong những nguyên nhân gây ung thư”- ông Dũng nói.
Đại diện Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, do các hóa chất trên chưa có tên trong danh mục cấm trong sản xuất TACN, nên cơ sở vi phạm chỉ bị phạt ở mức 35 triệu đồng (chất cấm sẽ bị phạt 140-200 triệu đồng) và chưa áp dụng các xử lý hình sự do Bộ luật Hình sự 2015 bị lùi thời gian có hiệu lực.
Trước tình trạng trên, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã ký kết một chương trình phối hợp nhằm kiểm soát, xử lý việc lạm dụng hóa chất công nghiệp trong thực phẩm.
Xử hành vi “đầu độc” còn nhẹ
Theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, gần đây, lực lượng chức năng cũng phát hiện việc bơm thuốc mê - loại thuốc an thần cho heo trước khi giết mổ ở TPHCM. Hoạt động này diễn ra tại các cơ sở giết mổ và cơ sở thu gom và đây là vấn đề đáng báo động.
“Họ tiêm loại thuốc mê này để hạn chế heo cắn nhau, và bơm nước vào heo để tăng trọng lượng. Người ăn phải sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh thực vật, những người bị bệnh mãn tính sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ, sinh hoạt”- ông Dũng nói. Tình trạng này xảy ra những năm trước, nhưng hành vi xử lý vi phạm rất thấp, chỉ 5-6 triệu đồng, chưa có tính răn đe.
Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, hiện chất Vàng ô (hóa chất dùng trong công nghiệp nhuộm), ngành nông nghiệp đã đưa vào vào danh mục chất cấm, vi phạm sẽ bị xử lý nặng. Tuy nhiên, thực tế, nhiều đối tượng vẫn sử dụng trên măng, dưa muối…đầu độc người tiêu dùng. “Hiện nay, Bộ Y tế chỉ xử phạt khi vi phạm chất Vàng ô là chất ngoài danh mục, mức phạt rất thấp. Như vụ vi phạm ở Long An, tới 5-7 tấn măng chứa Vàng ô mà xử phạt vài chục triệu đồng”- ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, các hóa chất công nghiệp cần được đưa vào danh mục cấm sử dụng trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Đồng thời, cần xử lý hình sự, tăng sức răn đe và “không thể chấp nhận sự tham lam trên sự nguy hại cho người khác”.
Trong khi đó, theo thông tin trinh sát của liên ngành, hiện dù tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã giảm, nhưng vẫn còn nhiều đối tượng lén lút sử dụng tại nhiều nơi như Hưng Yên, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang… Theo quy định mới, khi phát hiện heo dính chất cấm ở lò mổ, sẽ tiêu hủy toàn bộ lô heo đó.
Tác giả bài viết: Nam Khánh