Em bé Hà Giang.
Đến hẹn lại lên. Hàng năm cứ vào tầm tháng 10, tháng 11, những đoàn xe lại ồ ạt nhắm hướng Hà Giang trực chỉ và điểm hẹn là những cái tên rất quen thuộc và nổi tiếng như: Đỉnh Lũng Cú - điểm cực đầu phía Bắc của Tổ quốc, đèo Mã Pì Lèng, phố cổ Đồng Văn hay loài hoa tam giác mạch.
Nhưng cũng không ít người trở về sau chuyến đi lại than thở rằng, cảnh sắc Đồng Văn bị phá hoại nhiều bởi du khách, nhiều điểm du lịch quá tải, không có khách sạn...
Theo anh Hoàng Xuân Đôn – một “thổ địa” sinh ra và lớn lên ở Hà Giang, những than thở và bực mình này vừa đúng và không đúng. Và để giúp những “phượt thủ” có một chuyến đi Hà Giang mãn nguyện, anh Đôn đã chia sẻ một số bí quyết vô cùng hữu ích.
Thứ nhất, đi du lịch Hà Giang mà chỉ đi 2 ngày cuối tuần là không đủ. Tốt nhất là 4 ngày. Nếu bạn thích tự đi khám phá các nơi ở Hà Giang bằng xe máy, bạn nên đi xe khách đêm giường nằm lên Hà Giang rồi thuê xe máy. Từ bến xe khách Mỹ Đình hàng đêm có hàng chục chuyến xe giường nằm rất thoải mái. Tại Hà Giang, có rất nhiều nơi cho thuê xe máy với chất lượng xe tốt, giá cả cũng dễ chịu. Bạn cần có lộ trình chi tiết nếu quyết định tự khám phá bằng xe máy.
Xuống tận dòng Nho Quế rồi lại phi lên cao đứng ngắm ngược sang bên kia Mã Pì Lèng ở tuyến này là một trải nghiệm tao nhã chả khác gì hát giữa đại ngàn.
Thứ hai, giới hạn số km đi lại trong một ngày. Theo kinh nghiệm, nếu bạn mới đi ít lần thì nên giới hạn dưới 100km/ ngày. Khi bạn đã đi lại nhiều, là “cao thủ phượt” thì có thể nâng lên 150km. Trên mức đó thì không gọi là đi chơi nữa, gọi là đi… xe. Lý do là đường ở Hà Giang thường khó đi, chạy xe lâu tăng nguy cơ xảy ra tai nạn. Lưu ý: các bạn nên dành thời gian CHƠI chứ đừng dành hết thời gian cho việc ĐI.
Một chuyến đi được hòa mình vào với hoạt động của người dân bản địa, những người vô tư và thật thà “nhất quả đất” là một kỷ niệm tuyệt vời mà bạn sẽ mang theo tới lúc nhắm mắt.
Thứ ba, hãy chuẩn bị đồ bảo hộ thật tốt. Mũ, găng, bịt tay chân ống quyển, giày leo núi... Mùa hoa tam giác mạch Hà Giang có rất ít mưa, đêm thì hơi lạnh nhưng không khí và không gian ban ngày thì mê ly, nhất là khi bạn hàng ngày vẫn nhích từng cm trên các con đường bê tông trong các thành phố.
Thứ tư, nếu mong chờ được ở trong những khách sạn sang chảnh, wifi rộn ràng, dịch vụ cao cấp thì bạn nên ở Hà Nội. Dù Đồng Văn không thiếu khách sạn kiểu đó nhưng tôi khuyến nghị các bạn hãy ở homestay (ở chung với nhà của người dân). Loại homestay của đồng bào dân tộc và không nằm trong các trung tâm thị trấn. Ví dụ như ở Nặm Đăm, Lũng Cú, Lũng Cẩm... Trải nghiệm văn hóa ấy không có nhiều cơ hội trên cuộc đời này đâu.
Thứ năm, quốc lộ 4C hiện nay đang mở rộng, đường khá bụi bặm, lại quá tải, phong cảnh dọc đường bị ảnh hưởng, không có gì ngắm. Sao các bạn không đi vào các ngõ ngách lẻ. Nhiều chỗ ở Đồng Văn đẹp mê hồn với những cánh đồng hoa bát ngát, điểm xuyết vài mỏm đá tai mèo, đôi hàng rào đá, 1 nếp trình tường mái ngói âm dương. Và tịnh không bóng người.
Những nơi ấy văn hóa bản địa còn nguyên sơ nữa cơ. Đường hơi khó tí thôi. Một vài tuyến ví dụ: Bạch Đích- Thắng Mố - Phú Lũng - Sủng Thài - Sủng Tráng có chợ biên giới Bạch Đích. Hay tuyến Pả Vi - Xín Cái - Thượng Phùng. Xuống tận dòng Nho Quế rồi lại phi lên cao đứng ngắm ngược sang bên kia Mã Pì Lèng ở tuyến này là một trải nghiệm tao nhã chả khác gì hát giữa đại ngàn.
Hay tuyến đi Khau Vai.... Cơ bản là những tuyến này sẽ lấy của bạn hết trọn vẹn một ngày là ít. Đi ngắn nửa ngày thì vào thôn Lao Xa, hay xã Tùng Vài, Bát Đại Sơn...
Thứ sáu, đồ đạc mang theo như máy ảnh, máy tính… nên nhỏ gọn nhẹ nhàng thôi. Mình đi chơi mà. Ai đó nói: đừng lấy gì ngoài những tấm ảnh, đừng để lại gì ngoài dấu chân. Nhưng khi bạn thật lòng yêu thì hãy giữ cho người đến sau.
Thứ bảy, hãy thu xếp lấy 1 ngày, hay 1 buổi đi bộ xuyên từ thôn này sang thôn kia.
Thứ tám, đừng mang nhiều đồ ăn, mặc. Thiếu gì mua đó. Đấy là bạn đang đóng góp cho kinh tế địa phương đó. Trên Đồng Văn hầu như chả thiếu gì. Hãy mua/ăn/nghỉ cùng dân địa phương ý. Đó là việc từ thiện đấy.
Hãy có 1 chuyến đi thú vị, tận hưởng.
Tác giả bài viết: Xuân Đôn