Giáo dục

Thiếu giáo viên trầm trọng

Ngày 20/8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết một năm thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông.

Năm qua, nhiều địa phương thiếu giáo viên, cơ sở vật chất để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: Quỳnh Anh

Sau một năm triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đối với lớp 1, các địa phương nói rằng, đã dồn lực để thực hiện, nhưng còn nhiều khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng, ông Vũ Văn Trà, cho biết, để học sinh lớp 1, lớp 2 học 2 buổi/ngày, thành phố cần có thêm khoảng 600 giáo viên. Những năm tới, khi chương trình áp dụng đến lớp 5, Hải Phòng sẽ phải bổ sung 1.572 giáo viên mới đáp ứng được yêu cầu dạy học 2 buổi.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, ông Phạm Duy Hưng, nói rằng, năm đầu tiên thực hiện chương trình mới, tỉnh đã ưu tiên chọn giáo viên có chuyên môn, nghiệp vụ tốt dạy lớp 1 đảm bảo 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, địa phương cũng gặp khó khăn về cơ sở vật chất và thiếu giáo viên cho những năm tiếp theo. Nhiều trường thiếu phòng học bộ môn, thiếu nơi ăn, chỗ nghỉ để học sinh bán trú, nội trú. Ông kiến nghị, các cấp xem xét việc giao biên chế giáo viên cho các tỉnh căn cứ vào số lớp trên thực tế, thay vì số học sinh/lớp.

Bộ GD&ĐT khẳng định, mặc dù các tỉnh, thành phố đã chủ động nhiều giải pháp nhưng tình trạng thừa, thiếu giáo viên vẫn xảy ra ở nhiều địa phương trong nhiều năm qua và chưa được giải quyết một cách căn bản do nhiều nguyên nhân. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở cấp tiểu học nhiều nơi chưa đạt 1,5 theo quy định (có nơi chỉ ở mức 1,2).

Việc đào tạo, bố trí giáo viên Tiếng Anh, Tin học còn nhiều khó khăn, bất cập. Cấp tiểu học hiện thiếu 6.348 giáo viên Tin học và 5.107 giáo viên Tiếng Anh.

Ưu tiên trang bị kỹ năng sống cho học sinh

Về SGK thực hiện chương trình mới, năm học 2020-2021 cũng lần đầu tiên thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK. Hiện nay, toàn quốc có 7 nhà xuất bản (NXB) có đủ điều kiện tham gia tổ chức biên soạn SGK. Trong đó, 4 NXB được phê duyệt SGK lớp 1 (năm 2019), 5 NXB được phê duyệt SGK lớp 2 và 4 NXB được phê duyệt SGK lớp 6 (năm 2020).

Học sinh lớp 1 năm học qua có một số năng lực nổi trội hơn so với các khóa học trước. Tỷ lệ học sinh lớp 1 cả nước hoàn thành tốt chương trình môn Tiếng Việt và Toán lớp 1 cao hơn năm học 2019-2020; tỷ lệ chưa hoàn thành giảm. Tỉnh Kiên Giang có tỷ lệ học sinh hoàn thành tốt chương trình môn Tiếng Việt, Toán lớp 1 lần lượt tăng 6,53% và 3,86% so với năm học trước; tỷ lệ chưa hoàn thành lần lượt giảm 1,34% và 0,45%. Tỉnh Hải Dương có tỷ lệ học sinh được đánh giá hoàn thành tốt 2 môn Tiếng Việt, Toán tăng trên 10%.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn yêu cầu các địa phương kiên định đổi mới, chuyển mạnh từ trang bị kiến thức, truyền thụ bị động sang tăng cường sự sáng tạo, năng động của cả thầy và trò, từ đó phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng của người học. Lấy mục tiêu ưu tiên số 1 của giáo dục phổ thông là dạy người, thái độ sống, kỹ năng sống, trách nhiệm xã hội, năng lực tự học…, làm nền tảng để tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ngoài ra, ngành giáo dục cần tăng cường thu hút các nhà giáo, chuyên gia có chuyên môn tốt tham gia biên soạn SGK, đảm bảo chất lượng. Riêng về đội ngũ giáo viên, Bộ GD&ĐT sẽ có kế hoạch làm việc với các trường đại học sư phạm về nội dung tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo để bảo đảm cung cấp đủ giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông những năm tiếp theo.

Tác giả: Hà Linh

Nguồn tin: Báo Tiền phong

  Từ khóa: bộ GD&ĐT , thiếu giáo viên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP