Giáo dục

Thiếu gần 1.000 biên chế giáo viên, nhân viên trường học các cấp

Qua rà soát của HĐND tỉnh Đắk Nông, địa phương này đang thiếu đến gần 1.000 biên chế ngành giáo dục. Trong đó, bậc mầm non thiếu 720 biên chế, bậc tiểu học thiếu 158 biên chế, bậc trung học cơ sở thiếu 99 biên chế.

Riêng bậc trung học phổ thông có nơi thừa nơi thiếu, nhưng gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác điều tiết từ nơi thừa sang nơi thiếu.

Trong số gần 1.000 biên chế cần bổ sung, thì ngành giáo dục Đắk Nông có nhu cầu lớn nhất là giáo viên. Địa phương xảy ra tình trạng thiếu giáo viên nhiều nhất là huyện Tuy Đức và Đắk G’Long, TX. Gia Nghĩa.

Theo Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Đắk G’Long, năm học 2017-2018, số học sinh các cấp trên địa bàn huyện tang khoảng 1.400 em. Với số lượng học sinh tăng như trên, địa phương đang đứng trước tình trạng thiếu khoảng 30 phòng học và 187 giáo viên, riêng bậc mầm non cần thêm 133 giáo viên để đứng lớp theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT.

Tình trạng thiếu giáo viên buộc các trường phải tăng cường dạy kê, dạy gác, dồn lớp…


Trong khi đó, tại huyện biên giới Tuy Đức, theo Thông tư 06 của Bộ GD-ĐT thì toàn huyện còn thiếu khoảng 50 giáo viên, trong đó phần lớn là giáo viên mầm non. Nhưng để giảm xuống con số này cũng đã là nỗ lực lớn của ngành giáo dục địa phương, bởi có năm cả huyện này thiếu cả gần 100 giáo viên các cấp.

Năm học 2017 - 2018, do việc triển khai chương trình phổ cập giáo dục Mầm non, chương trình bán trú đòi hỏi phải tăng giáo viên nên nhiều trường tại thị xã Gia Nghĩa thiếu giáo viên trầm trọng. Địa phương này phải ký hợp đồng với 111 giáo viên, tăng 31 trường hợp so với năm học trước đó.

Nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên là tình trạng gia tăng dân số tự nhiên cao và số lượng người thuộc diện di dân tự do, đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc lớn. Trong khi đó, số lượng giáo viên biên chế, giáo viên hợp đồng được phân bổ về rất hạn chế, nên không đáp ứng kịp nhu cầu dạy học.

Việc các trường học trên địa bàn thiếu giáo viên diễn ra nhiều năm liền, buộc các trường phải khắc phục tình trạng bằng cách bố trí giáo viên dạy kê, dạy gác nhằm bảo đảm cho hoạt động dạy và học. Ngoài ra, nhiều trường đã phải bố trí dạy dồn lớp, dạy 2 buổi/ngày, ký hợp đồng ngắn hạn với giáo viên. Cách làm này mặc dù đảm bảo thực hiện nhiệm vụ dạy và học, tuy nhiên, chất lượng bị ảnh hưởng rất lớn.

Để giải quyết triệt để vấn đề này, ông Đoàn Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nội vụ Đắk Nông cho biết: “Hiện Sở Nội vụ đã tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Nông làm công văn gửi Bộ Nội vụ để xin bổ sung biến chế ngành giáo dục. Năm học vừa qua, UBND tỉnh đã xem xét để ký hợp đồng với 385 giáo viên để đáp ứng nhu cầu của các trường”.

Tác giả: Dương Phong

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP