Dù mới 7 tuổi và 11 tuổi, nhưng Thiên Ân và Thiên Anh sở hữu thành tích phượt đáng nể cùng gia đình khi đã đặt chân đến hầu khắp các tỉnh của Việt Nam và hơn 10 nước trên thế giới.
Những chuyến đi tri thức
Chị Tống Ngọc Anh – mẹ Thiên Ân cho biết ngay từ khi một tháng tuổi, chị đã cho bé theo các chuyến pinic cùng gia đình. Chuyến đi chơi dài đầu tiên của Thiên Ân bắt đầu khi cậu tròn 2 tuổi. Từ Sài Gòn, Đà Lạt, Huế, Hội An, Đà Nẵng đến Quy Nhơn, Mũi Né, bao nhiêu điểm dừng là bấy nhiêu kiểu thời tiết trái ngược mà Ân phải thích nghi. Nhưng nhờ dày dạn sương gió từ nhỏ nên các bé ít ốm vặt và thích nghi khá nhanh.
Gia đình chị Tống Ngọc Anh trong chuyến đi đến Hungary. Ảnh: NVCC
Các chuyến đi được vợ chồng chị Ngọc Anh sắp xếp thường xuyên vào cuối tuần hoặc kỳ nghỉ hè hay Tết của các con. Không đơn thuần là tham quan, du lịch, chị Ngọc Anh luôn lồng ghép vào những bài học và trải nghiệm thực tế, vừa giúp chuyến đi thêm ý nghĩa, vừa để các con nhớ lâu hơn. Như tại Kê Gà (Bình Thuận), Thiên Ân và Thiên Anh được qua đêm ở trạm gác hải đăng, đi thuyền thúng. Hay đến Nam Du, các bé được câu cá bằng sợi cước, bắt nhum, hỏi chuyện ngư dân.... Tại Mộc Châu, 2 bé ngủ nhà người Thái, tự tay tặng quà cho trẻ em vùng cao...
Bên cạnh những điểm đến gần gũi với thiên nhiên, bảo tàng và thư viện cũng thường xuyên được anh chị lựa chọn để ghé thăm tại mỗi vùng đất. Như tại Malaysia, hai cậu bé đã thăm bảo tàng chim, bảo tàng bướm và vườn trái cây, tới Pháp thì tham quan bảo tàng nghệ thuật Louvre, đến Đức ghé bảo tàng sinh vật học... "Đến đây Thiên Anh đúng như thả cá về nước, gãi đúng chỗ ngứa... Con chạy lên chạy xuống, xem đi xem lại... Đến giờ về, mẹ gọi mà Thiên Anh cứ lờ đi, lảng vào trong xem tiếp", chị Ngọc Anh nhớ lại.
Các kỹ năng như xem bản đồ, tìm đường đi theo các loại bảng, biển báo, Ân và Anh cũng được bố mẹ chỉ dẫn khi đi trên đường. Để lưu lại chuyến đi, Thiên Anh còn có thói quen vẽ lại những cảnh tượng trên đường, thậm chí còn tự sáng tác truyện tranh về thiên nhiên dựa trên những điều nhìn thấy. Trong mỗi chuyến đi, hai anh em đều mang theo sách đọc thêm và có những thời gian làm toán cùng bố mẹ.
Những sự cố bất ngờ
Một trong những mục đích lớn nhất chị Ngọc Anh muốn con được đi thật nhiều là để cân bằng giữa sách vở và thực tế. Theo chị, các con cũng sẽ rút ra được những bài học cho chính mình từ tình huống bất ngờ trong chuyến đi.
Thiên Ân tự leo trong chuyến chinh phục Lang Biang. Ảnh: NVCC
Thử thách thực sự đến với cậu bé Thiên Ân trong chuyến phượt Đà Lạt năm 4 tuổi. Chị Ngọc Anh cho biết khi đó bố đi vắng, ba mẹ con chị vẫn lên đường, nhập đoàn cùng một nhóm gia đình khác và quyết định chọn chinh phục đỉnh Lang Biang bằng cách leo núi, theo lộ trình không đường mòn trong 2 ngày.
Không chỉ phải leo đường núi, cả đoàn còn phải dựng lều, cắm trại, chuẩn bị đồ ăn, kiếm củi... nên mọi người đều phải tham gia và Ân cũng không ngoại lệ. “Con phải tự dùng gậy leo lên dốc núi. Tôi chỉ dạy con kỹ năng để không bị tụt sâu trên núi khi ngã bằng cách bám chặt vào cây gần nhất, phòng lúc người lớn không đỡ kịp”, tuy nhiên chị Ngọc Anh cho biết yếu tố an toàn luôn được chị đặt lên hàng đầu trong các chuyến đi.
Trong chuyến du lịch châu Âu một tháng, Thiên Ân và Thiên Anh phải tự mình mang vác hành lý và sẵn sàng ngủ lều ngoài sân bay cùng bố mẹ. Chị Ngọc Anh kể cả nhà cũng được phen hú hồn khi từ làng Hallstatt (Áo) đón xe gần như chuyến cuối về thành phố mà "cậu cả" lại bị tào tháo đuổi. Xuống xe mà lòng chị vẫn thấp thỏm không yên: "Làm sao nếu không còn chuyến nào? Giữa lưng chừng núi, đường cao tốc, trời tối đen, ngày càng lạnh, vé tàu qua Italy đêm đó của cả nhà đã mua, khởi hành lúc 1h từ Salzburg, giờ đã gần 9h tối". May mắn thay sau hơn một giờ chờ đợi tưởng như vô vọng giữa cái lạnh cắt giá, chiếc xe buýt hy vọng đã tới, đưa cả nhà về khách sạn kịp giờ.
Mới đây, chuyến khám phá Australia trong vòng 3 tháng cũng gặp phải sự cố bất ngờ khi chiếc xe chở cả gia đình bị lún xuống hồ muối giữa hoang mạc. Chị Ngọc Anh cho biết đó là một hồ muối đã kết tinh trắng xóa tuyệt đẹp và có nhiều xe qua lại. Tuy nhiên, lớp muối bề mặt bị vỡ, lớp đất dưới yếu nên không chịu được lực lúc xe dừng lại ngắm cảnh nên lún xuống khiến cả nhà hoảng loạn, phải nhảy ra khỏi xe để tránh lún sâu. Trời đã chiều muộn nên nơi đây càng vắng người qua lại. Nếu không nhanh chóng thoát khỏi, nhiều khả năng gia đình chị Ngọc Anh phải qua đêm ở hoang mạc với nguy cơ thiếu nước, đồ ăn, chưa kể bị thú hoang tấn công.
Các bé đều tự mình xách hành lý. Ảnh: NVCC
Cả nhà phải chia thành 2 nhóm, Thiên Ân cùng bố đi tìm đá rải thành đường để xe nổ máy đi lên, Thiên Anh cùng mẹ ra ngoài đường lớn tìm sự trợ giúp. "Ân lì hơn nên bố mẹ bảo gì làm đó, còn Thiên Anh ra đến đường cùng mẹ thì òa khóc vì sợ", chị Ngọc Anh nhớ lại. May mắn là sau hơn một tiếng nỗ lực, anh Khanh (chồng chị Ngọc Anh) đã tìm được một cành củi khô giúp xe thoát khỏi chỗ lầy.
Theo chị Ngọc Anh, sau mỗi chuyến đi, gia đình trở nên gắn bó hơn, các con cũng trưởng thành hơn vì phải học cách thích nghi với các tình huống cũng như bình tĩnh giải quyết các sự cố. Bài học từ thực tiễn cũng giúp các bé theo nhanh chương trình học trên lớp và luôn được cô giáo đánh giá cao.
Tác giả bài viết: Vy An