Tới vùng Viễn Đông của nước Nga vào thời khắc chuyển giao từ Đông sang Xuân mới thấy hết sức sống mãnh liệt của thiên nhiên nơi đây. Tuyết đã tan gần hết. Cả vùng đất này như bừng dậy hồi sinh sau mùa Đông dài lạnh giá. Chỉ vài ngày trước, người ta còn thả bộ dưới mưa phùn, trong tiết trời âm u lạnh giá thì nay đây, ai cũng thấy ngạc nhiên với không gian quang đãng, với sức sống trỗi dậy từ trong lòng đất.
Thành phố Vladivostok cách thủ đô Moscow khoảng 9.000km, nằm trên bờ Thái Bình Dương, giáp đường biên giới trên đất và trên biển với CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc và Nhật Bản. Từ xa xưa, vùng Vladivostok thuộc vương quốc Bohai (năm 698 - 926), bắt đầu từ thế kỷ thứ 10 thuộc bộ tộc Kidan, Mông Cổ, sau đó là người Mãn Châu, Trung Quốc.
Trong hàng trăm năm kế tiếp, vùng đất này là nơi giao tranh giữa các tộc người rồi chìm vào quên lãng cho đến nửa sau thế kỷ 19. Tới khi Nga ký Hiệp ước Aigun về vùng lãnh thổ và thương mại với Trung Quốc vào năm 1858, Vladivostok chính thức nằm dưới quyền quản lý của Điện Kremlin. Sau đó, thành phố nhanh chóng được đầu tư xây dựng, dù nằm cách xa thủ đô thời bấy giờ hàng tháng đi đường.
Vladivostok trong tiếng Nga có nghĩa là "người cai trị phương Đông". Đặt tên này, hẳn là khi khởi lập, Nga hoàng đã không giấu khao khát mở rộng hơn nữa đế chế Âu – Á rộng lớn của mình, đồng thời muốn thành phố trở thành thành trì quan trọng nhất trấn giữ phía Đông đất nước cũng như điểm "trung chuyển" nối nước Nga với hai miền Đông - Tây xa xôi.
Sau chiến tranh Nga – Nhật năm 1904, Vladivostok trở thành căn cứ hải quân mạnh nhất của Đế chế Nga, của Liên bang Xô Viết rồi của nước Nga ngày nay trên Thái Bình Dương. Từ những năm 1958 tới 1991, Vladivostok trở thành căn cứ quân sự bí mật và cấm tuyệt đối với người nước ngoài, hay thậm chí cả người Liên Xô nếu không có giấy phép.
Một góc thành phố Vladivostok. Ảnh: TASS |
Đấy là xưa, còn nay, nhận thấy vị trí chiến lược của Vladivostok, trong thập niên qua, Moscow đã không ngừng đầu tư cho thành phố Viễn Đông với kì vọng biến nó trở thành “cánh cử thần kỳ” đưa Nga đến với những nhà đầu tư châu Á giàu có và quyền lực.
Ít ai biết rằng, vùng đất đặc biệt kia, thành phố xa xôi kia, nơi có vị trí chiến lược kia còn có một tình cảm vô cùng sâu đậm với Việt Nam, với người Việt và hơn ai hết là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thành phố Vladivostok chính là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ba lần dừng chân vào các năm 1924, 1927 và 1934 khi Người đang trên đường đi thực hiện nhiệm vụ Quốc tế cao cả, để lại những dấu ấn đầu tiên trong quan hệ giữa Vladivostok nói riêng và vùng Viễn Đông của nước Nga nói chung với Việt Nam.
Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ bảo vệ Tổ quốc vào thập niên 50 và 60 của thế kỷ trước, chính những người dân, người công nhân cảng và thuỷ thủ thành phố Vladivostok cũng như các sỹ quan, chiến sĩ Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô đã hết mình giúp đỡ nhân dân Việt Nam anh em.
Rất may mắn khi đặt chân tới Vladivostok, chúng tôi đã có dịp đến thăm khách sạn Versailles (Tiếng Nga là Версаль) và được biết đây chính là nơi Bác Hồ từng nghỉ ngơi trong những lần đến vùng đất này, rồi lại được trò chuyện với những người Việt đang sinh sống ở đây, cũng như những thế hệ người Nga luôn theo dõi và dành tình cảm đặc biệt cho Việt Nam, cho Bác.
Rất nhiều người từng là những công dân Liên Xô đã học tập, giúp đỡ và gắn bó với Việt Nam. Trong số họ, có người đã vinh dự được gặp Bác. Đó là ông Victor Mikhailovich Miskov và Vasile Fedrovich Bugrov - những thuyền trưởng, hiện đang là cựu chiến binh đáng kính của Công ty Vận tải Hàng hải Viễn Đông (FESCO). Trong những năm 50 của thế kỷ trước, khi mà Việt Nam dồn toàn lực cho cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc ác liệt và cam go, các công dân Viễn Đông này đã ở trên những con tàu nước ngoài hiếm hoi cập cảng Hải Phòng ở miền Bắc Việt Nam.
Các đội tàu mà họ vận hành đã hoạt động không mệt mỏi vận chuyển cả ngàn chuyến hàng tình nghĩa của nhân dân Xô Viết gửi tới nhân dân Việt Nam anh em. Các cựu chiến binh này nhớ lại, trong một lần cập cảng ở Việt Nam, họ đã vô cùng vinh dự và bất ngờ khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp gặp mặt. Vị lãnh tụ đáng kính của nhân dân Việt Nam khi biết con tàu tới từ vùng Viễn Đông đã lập tức tới thăm những phái viên của thành phố Vladivostok, nơi mà Người từng ghé chân, yêu mến và gọi đây là thành phố đã từng cứu sống mình. Có thể nói, thời gian trôi xa với nhiều biến động, song những thay đổi đó không làm ảnh hưởng đến tình cảm ấm áp mà họ dành cho Việt Nam, cho Bác Hồ.
Cũng nhân chuyến đi này, chúng tôi đã có cơ hội gặp mặt với ông Sokolovsky A.Y, tiến sỹ ngôn ngữ, Giám đốc trung tâm Văn hoá-Giáo dục Việt Nam (Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông), Chủ tịch Hội Hữu nghị với Việt Nam vùng Primorye. "Nhà ái quốc cuồng nhiệt, người chiến sỹ vì tự do và chính nghĩa, một con người trong sáng và đức hạnh", đây là những cụm từ cửa miệng mà ông Sokolovsky dùng để miêu tả Bác.
Ông cũng là người tin rằng, "cho đến ngày nay, bất cứ ai may mắn được gặp Hồ Chí Minh cũng sẽ kể đúng như vậy". Chúng tôi thật sự thấm thía hơn cái tình cảm sâu nặng mà người Nga dành cho Việt Nam, cho Bác, khi nghe ông Sokolovsky tự hào kể về quá trình cùng với các đồng nghiệp ở Vladivostok dày công nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và mối quan hệ giữa thành phố quê hương ông với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam anh em.
Ông cho biết, trong thời gian dài, tư liệu về việc "lãnh tụ Hồ Chí Minh của nhân dân Việt Nam từng ở Vladivostok" đã không được ghi rõ trong các tài liệu, nói cách khác là "mơ hồ như trong không khí". Điều này cũng dễ hiểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó theo yêu cầu của Quốc tế Cộng sản, thực hiện nhiệm vụ bí mật đi sang Trung Quốc qua Vladivostok và quay trở về Moscow cũng qua thành phố trên bờ Thái Bình Dương này.
Tuy nhiên, có cái gì đó từ sâu thẳm đã thúc giục ông cùng đồng nghiệp và giới báo chí Vladivostok cố gắng tìm tòi và để rồi kể lại cho công chúng những chi tiết quan trọng về "Chủ tịch Hồ Chí Minh và thành phố Vladivostok" trong những bài báo, cuốn sách nhiều năm qua.
Ông nhớ lại rằng, mối quan tâm đặc biệt đến chủ đề "Hồ Chí Minh tại Vladivostok" đã nổi lên một cách đặc biệt vào thời điểm, khi theo sáng kiến của Hội Hữu nghị với Việt Nam vùng Primorye, chính quyền thành phố Vladivostok quyết định dựng Bia tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay tại đây.
Có thể nói, với tình cảm sâu đậm dành cho Người, Bia tưởng niệm là công trình có ý nghĩa lịch sử, văn hoá và chính trị đặc biệt, thể hiện mối quan hệ hợp tác giữa hai bên, đồng thời là niềm tự hào, chỗ dựa tinh thần cho cộng đồng người Việt đang làm ăn và sinh sống ở vùng Viễn Đông, cũng như nhắc nhở những thế hệ trẻ Vladivostok về một mối quan hệ tốt đẹp giữa quê hương họ với vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam.
Bởi vậy, vấn đề đặt ra là cần đặt Bia tưởng niệm ở đâu và ghi gì trên tấm bia ấy. Một lần nữa, người tiến sĩ ngôn ngữ học Nga này lại lao vào tìm hiểu, nghiên cứu và trao đổi với các đồng nghiệp trong nước, cũng như ở Việt Nam để đảm bảo rằng mọi thông tin liên quan đến những lần tới thăm Vladivostok của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều được cân nhắc và lưu lại một cách chính xác nhất.
Thực tế, những lần đến Vladivostok của Hồ Chí Minh, hay bất cứ thông tin nào liên quan đến mối quan hệ tốt đẹp giữa Người và vùng đất Viễn Đông đều có ý nghĩa vô cùng quan trọng với lịch sử quan hệ Việt - Nga và đối với việc củng cố mối quan hệ này trong tương lai.
Bởi một lẽ, hàng năm, vào đúng ngày sinh nhật Bác (19-5), các cựu chiến binh của FESCO, của Hạm đội Thái Bình Dương, đại diện Hội hữu nghị với Việt Nam vùng Primorye, sinh viên, học sinh sẽ tới đặt hoa dưới chân dung Người và vang lên các bài thơ của Hồ Chí Minh cả bằng tiếng Việt lẫn tiếng Nga qua giọng đọc của những người trẻ Vladivostok đang học tiếng Việt...
Tác giả: Thiện Nhân
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân