Chè củ mài là món ăn dân dã, có từ lâu đời, được nấu từ những nguyên liệu đơn giản. Trước đây, bà con thường dùng chè củ mài để cúng Phật. Giờ chè củ mài còn là món ăn để mời du khách thập phương thưởng thức chút đặc sản quê hương.
Chè củ mài có tác dụng bổ gân cốt, thanh nhiệt, mát gan. Với hương vị nhẹ nhàng, thanh, chè củ mài còn là món ngon đọng lại dư vị ấn tượng trong lòng du khách.
Củ mài tươi được coi là đặc sản riêng của vùng đất Hương Sơn. Ảnh. Đỗ Thảo
Chè củ mài được nấu từ củ mài và đường kính. Củ mài có hình dáng xù xì, vỏ đen, cứng, thịt củ trắng ngà, mịn ngậy. Là loại củ mọc sâu dưới lòng đất núi, nên thu hoạch củ khá tốn công sức.
Củ mài trồng thì có năng suất hơn, nhưng không đậm vị như củ mài núi, nên để thưởng thức được hương vị đậm nhất, phải nấu chè bằng củ mài núi.
Chè củ mài hấp dẫn. Ảnh. Đỗ Thảo
Chè được nấu bằng 2 cách là dùng thịt củ tươi hoặc bột khô. Với củ tươi, đem gọt vỏ, thái mỏng, nhỏ rồi ngâm qua nước muối cho sạch nhựa rồi đem đun nhừ, giã nát thành bột, cho đường kính vào đánh đều, đun cho đến khi chè sền sệt và tỏa mùi thơm nhẹ. Nhiều người kĩ tính, nấu chè với mật ong để nâng mùi thơm ngon của chè hơn.
Với bột khô, trong những mùa thu hoạch củ, bà con rây bột rồi phơi khô để dùng dần. Hòa bột với nước, đun sôi liu riu, khuấy đều cho tới khi bột sánh thì thêm đường vào cho tới khi sôi đều, bột ngả sang màu trắng đục.
Mỗi gia đình có một bí quyết nấu chè riêng, tạo những hương vị thơm ngon khác nhau. Ảnh. Đỗ Thảo
Bát chè củ mài trắng đục, thêm vài lát củ mài chín hoặc đỗ xanh, vừng rang trải trên mặt, ăn chay hoặc ăn kèm cùng xôi vò. Chè có vị thơm thanh, mát, thấm vào vị giác, xua tan mệt mỏi trên bước đường hành hương.
Chỉ với 5-10 nghìn đồng là có thể thưởng thức những bát chè củ mài trên đường tới động Hương Tích. Cái lạ là cùng với ngần ấy nguyên liệu và cách nấu như nhau, nhưng vị chè củ mài của các hàng quán có chút gì đó rất riêng. Dường như mỗi gia đình lại giữ riêng một bí quyết chọn củ mài và nấu chè.
Tác giả bài viết: Đỗ Thảo
Nguồn tin: