Xã hội

Thanh Hóa: Ký bổ nhiệm cán bộ trái Nghị định Chính phủ, nguyên Chủ tịch huyện Hoằng Hóa vẫn... thăng chức!

Ông Phạm Bá Oai, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa, sau khi ký Quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm sai phạm hàng chục công chức cấp xã, huyện, đã lên chức làm Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa.

Sau sai phạm vẫn được thăng chức

Như Pháp luật Plus đã thông tin, nhiều sai phạm từ giai đoạn từ tháng 1/2011 đến tháng 5/2017 xảy ra tại huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) liên quan việc ông Phạm Bá Oai khi đó giữ chức Chủ tịch UBND huyện.

Ông Oai đã ký hàng loạt Quyết định sai phạm về bổ nhiệm, tuyển dụng công chức, không báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo thẩm quyền, vi phạm Nghị định số 24/2010/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư số 13/2010TT-BNV và Thông tư số 05/2012 TT-BNV của Bộ Nội vụ.

Sau khi ký hàng loạt Quyết định sai phạm, ông Phạm Bá Oai, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa đã lên giữ chức Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: hoanghoa.gov.vn)

Hàng chục trường hợp tuyển dụng, bổ nhiệm sai quy trình, cố tình áp dụng sai quyết định 798 về thu hút nhân lực (22 trường hợp tuyển dụng công chức cấp xã sai quy định căn cứ theo Quyết định 798; 9 hợp đồng công chức huyện trái quy định; 6 trường hợp được bổ nhiệm là Trưởng, Phó các phòng ban cấp huyện), không báo cáo, không được sự đồng ý của Chủ tịch UBND tỉnh.

Tất cả những trường hợp trên, đều do ông Phạm Bá Oai, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa ký tiếp nhận, tuyển dụng, bổ nhiệm.

Ông Oai sau khi giữ chức Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa, thì chuyển sang làm Bí thư huyện Hoằng Hóa. Hiện đương kim chức Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa.

Trao đổi với PV Pháp luật Plus, ông Phạm Bá Oai, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa nói: "Tôi thừa nhận, sai thì đúng là có sai rồi. Nhưng ở bối cảnh lúc đó, khi các quy định chưa chặt chẽ, nhu cầu huyện lại thiếu nhân lực phục vụ các mảng, phòng ban hoặc các xã, nên mới có thiếu sót không báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh".

Ông Oai cho biết, bộ phận tham mưu là Trưởng phòng Nội vụ đã không tham mưu đúng và đủ. Hơn nữa, khi Thường vụ huyện ủy đã thông qua, đồng ý, thì ông buộc lòng phải ký các Quyết định.

"Hiện cá nhân tôi chưa phải chịu quy trình hình thức kỷ luật nào qua vụ việc trên. Khi tổ chức kết luận thế nào, thì mình phải chịu hình thức đó thôi", ông Oai nói.

Tại Công văn số 442/KL-SNV ngày 1/9/2017 của Sở Nội vụ Thanh Hóa nêu rõ "Khuyết điểm trên thuộc trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa và Trưởng phòng Nội vụ, thành viên Hội đồng tuyển dụng công chức cấp xã và công chức liên quan thuộc UBND huyện giai đoạn từ tháng 1/2011 đến 7/2015.

Sở Nội vụ đề nghị thu hồi 6 quyết định tuyển dụng không đúng quy định của UBND huyện Hoằng Hóa đồng thời kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa thực hiện nghiêm kết luật Thanh tra và kiểm điểm trách nhiệm các nhân, tập thể có liên quan, đặc biệt là trách nhiệm ông Phạm Bá Oai, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa và Trưởng phòng Nội vụ.

Điều khó hiểu là ngày 26/10/2017, huyện Hoằng Hóa đã tổ chức "Hội đồng xét kỷ luật công chức lãnh đạo thuộc UBND huyện Hoằng Hóa" họp xét kỷ luật đối với ông Nguyễn Trọng Cần, Trưởng phòng Nội vụ, gồm 5 thành viên, do Chủ tịch UBND huyện Lê Đức Giang là Chủ tịch Hội đồng.

Kết quả có 5/5 phiếu kín không đề nghị hình thức kỷ luật. Và ông Cần được Hội đồng "miễn" không áp dụng bất kỳ hình thức kỷ luật nào!

Huyện "nín thở" chờ tỉnh vào cuộc

Ông Lê Văn Nhuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa cho biết, mặc dù sau tới 4 tháng kể từ sau kiến nghị của Sở Nội vụ Thanh Hóa, việc thu hồi Quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm, tiếp nhận sai quy định tại Hoằng Hóa vẫn chưa thể thực hiện.

"Đến thời điểm này, huyện không quyết định được, mà phải chờ xin ý kiến của UBND tỉnh và do tỉnh quyết định.

Việc thu hồi Quyết định đã ký đối với 6 trường hợp tuyển dụng công chức huyện không qua thi tuyển là đương nhiên phải thực hiện, nhưng phải chờ quyết định từ tỉnh.

Đây là một bài toán khó, vì khi thu hồi, hủy Quyết định, thì những trường hợp trên trở thành nhân viên bình thường.

Sau đó bổ nhiệm lại như thế nào? Quy trình ra sao? Bổ nhiệm tính từ thời điểm này hay chấp nhận từ thời điểm nhiều năm trước? Áp dụng theo quy định, chế tài nào? Điều đó không hề dễ thực hiện", ông Nhuần bộc lộ quan điểm.

Trưởng phong Nội vụ huyện Hoằng Hóa Nguyễn Trọng Cần thoát hình thức kỷ luật sau kết quả bỏ phiếu.


Việc xin ý kiến tỉnh không được thực hiện bằng văn bản. Theo ông Nhuần, bởi lý do "nhạy cảm" nên chỉ xin ý kiến miệng.

Liên quan đến nội dung tuyển dụng công chức qua thi tuyển, chuyên ngành Môi trường và chuyên ngành Xã hội học, mỗi chuyên ngành được huyện đăng ký 1 người, thế nhưng người thi đỗ lại không được tuyển dụng, mà chuyên ngành khác lại tuyển vượt số đăng ký.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa giải thích: “Trước khi thi thì thiếu. Khi thi xong, sắp xếp nhân sự lại thì thấy vừa đủ, huyện không có nhu cầu nữa. Huyện Hoằng Hóa khi đó được giao 88 biên chế cho 12 phòng ban. Việc sắp xếp, cân đối nhân sự các phòng ban là do Chủ tịch UBND huyện có thẩm quyền sắp xếp"

Cũng theo ông Nhuần, có tới 9 trường hợp là công chức tại các phòng ban của huyện (8 hợp đồng không thời hạn, 1 hợp đồng có thời hạn) gồm các ông, bà gồm: Lê Xuân Tùng, Phòng kinh tế - hạ tầng; Hoàng Văn Bằng, Lê Thị Thúy An đều ở phòng LĐTB&XH; Phạm Thị Hằng, Đinh Thị Ngọc, Lê Xuân Nhất, Trịnh Trung Kiên đều ở Phòng TNMT; Nguyễn Thị Bằng, Văn phòng; Nguyễn Thị Ánh, phòng y tế, đều do nguyên Chủ tịch Phạm Bá Oai ký tiếp nhận có sai phạm, do đó sẽ chính thức bị chấm dứt hợp đồng chậm nhất vào ngày 31/12/2017.

Được biết, 9 trường hợp trên, sau khi chấm dứt hợp đồng, phải tự đi tìm công việc mới, huyện Hoằng Hóa không có trách nhiệm gì tiếp theo. Nhiều người đã ổn định công việc, cuộc sống, chính thức đứng bên bờ vực thất nghiệp!

"Chúng tôi rất trăn trở những trường hợp này. Lỗi không phải từ họ, mà do tổ chức, do người đứng đầu ký quyết định sai phạm", ông Nhuần thẳng thắn chia sẻ.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Tác giả: Hoàng Anh Thắng

Nguồn tin: Pháp Luật Plus

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP