Du lịch

Thăm làng bánh in An Lạc

Nằm nép mình bên dòng sông Ly Ly thơ mộng, làng nghề làm bánh in đậu xanh An Lạc, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam đang tất bật sản xuất phục vụ tết cổ truyền dân tộc những ngày cuối năm.


Nhân công đang in bánh - Ảnh: Lê Trung

Chiếc bánh in là một vật phẩm không thể thiếu của người dân Quảng Nam - Đà Nẵng trong lễ tết. Bánh dùng để thờ cúng tổ tiên, dọn chung với bánh kẹo, bánh mứt vào dịp năm mới.

Những ngày này đến làng bánh in An Lạc, bạn sẽ nghe được những tiếng ầm ầm của máy xay bột, tiếng gõ lốc cốc của người thợ đổ bánh ra khỏi khuôn và đặc biệt là mùi thơm nức mũi của nếp mới, đậu xanh.

Tại cơ cở bánh in Kim Yến (thôn An Lạc), khoảng năm nhân công đang tất bật làm bánh, sấy bánh và gói bánh. Theo bà Võ Thị Hoài, chủ cơ sở, mỗi ngày nơi đây có thể sản xuất hơn 100 bịch bánh với số lượng hơn 1.000 cái bánh các loại. Bánh in nếp trắng, bánh in đậu xanh và nhiều bánh in nhiều màu sắc để thờ cúng.

Bà Hoài cho biết cơ sở bà làm bánh in quanh năm nhưng rộ nhất là tháng 12 (âm lịch). Nguyên liệu để làm bánh in gồm bột nếp, đậu xanh, đường cát, vani. Quy trình làm bánh cũng không phức tạp như những loại bánh khác, đậu xanh bóc vỏ, rang vàng, xoay nhuyễn thành bột.

Bột nếp cũng làm tương tự, xong xuôi nấu đường cho tới đổ vào hỗn hợp bột nếp và đột xanh. Sau đó, trộn hợp hỗn cho đều. Tiếp tục công đoạn bỏ vô khuôn gỗ với nhiều hoa văn, họa tiết đẹp và cán bánh cho chặt, sau xếp bánh đã cán lên kệ.

Công đoạn cuối cùng là đem bánh đi sấy khô.


Dùng máy để xay bột làm bánh - Ảnh: Lê Trung


Bột nếp, đậu xanh, đường xay nhuyễn cho vào khuôn bánh có họa tiết, hoa văn đẹp để in thành những chiếc bánh - Ảnh: Lê Trung


Sấy bánh cho chín - Ảnh: Lê Trung

Bánh ra lò - Ảnh: Lê Trung

Cơ sở làm bánh in của bà Hoài phục vụ cho các tiểu thương ở khắp nơi đếp lấy sỉ để bán các thị trường TP Tam Kỳ, TP Đà Nẵng, Quảng Ngãi… bán.

Ngoài ra, những người dân đến đặt làm, đêm về ăn tết hoặc làm quà biếu người thân xa xôi ở khắp nơi. Một bịch bánh in đã thành phẩm với hơn 10 cái được bán với giá 8.000 đồng.

Ông Lê Hồng Minh, một tiểu thương cho biết vào dịp tết, ông hay đến các cơ sở lấy bánh để bỏ mối ở TP Đà Nẵng. Mỗi ngày ông có thể bỏ mối hơn 500 bịch bánh để kiếm lãi.

“Ngày tết bỏ nhanh, có người đặt hàng sẵn, ngoài ra có thể bán cho người đi đường" - ông Minh nói.

Anh Nguyễn Văn Khỏe (thợ làm bánh) cho biết mỗi khi tết đến, mỗi ngày anh có thể kiếm từ 200.000 - 300.000 đồng từ việc làm bánh in.

Hiện nay, làng nghề bánh in An Lạc có hơn 20 cơ sở sản xuất bánh in đậu xanh với hàng trăm lao động làm việc. Mỗi mùa tết, các cơ sở sản xuất từ 10-30 tấn bánh đậu xanh.

Những năm gần đây, người làng bánh An Lạc mạnh dạn vay vốn mua sắm máy móc, trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, tạo ra nhiều mẫu mã hấp dẫn, đẹp mắt.

Bánh in An Lạc có nhiều màu nhưng phổ biến nhất là hai màu trắng và vàng. Bánh có vị ngọt thanh của đường, thơm của nếp và đậu xanh, rất xốp.

Mỗi dịp tết đến xuân về, chiếc bánh in, ly trà gừng ấm càng làm hương vị ngày tết thêm ấm cúng, sum vầy.


Gói bánh. Bình quân một ngày, các cơ sở ở làng bánh in An Lạc có thể sản xuất hơn 1.000 bịch bánh in - Ảnh: Lê Trung


Bánh in bột nếp có màu trắng - Ảnh: Lê Trung


Những chiếc bánh in đậu xanh mới ra lò có màu vàng óng rất đẹp mắt - Ảnh: Lê Trung


Ông Minh, một tiểu thương cho biết một ngày ông có thể lấy hơn 500 bịch bánh in để bỏ mối và bán ở TP Đà Nẵng - Ảnh: Lê Trung

Tác giả bài viết: Lê Trung - Ly Hoàng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP