Bạn cần biết

Tập thể dục tốt cho người điều trị ung thư vú như thế nào?

Nghiên cứu đã giải thích việc tập aerobic và tpaj đối kháng có thể làm tăng tuổi thọ cho những người đã điều trị ung thư vú thành công như thế nào.

Tập thể dục thường xuyên có thể làm tăng tuổi thọ cho những người đã điều trị thành công ung thư vú

Theo ước tính của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, có khoảng 252.710 ca ung thư vú mới được chẩn đoán ở nước này trong năm 2017. Tuổi thọ sau điều trị loại ung thư này khá tốt, với tỉ lệ sống thêm 5 năm là 89,7%.

Tuy nhiên, điều trị ung thư thường liên quan đến sự xuất hiện của hội chứng chuyển hóa, một nhóm các tình trạng bệnh bao gồm bệnh tim, cao huyết áp, béo phì, đường huyết cao và kháng insulin. Hội chứng chuyển hóa cũng liên quan đến tỷ lệ sống thêm thấp hơn ở bệnh nhân ung thư vú sau điều trị.

Đó là lý do tại sao các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Nam California ở Los Angeles đặt mục tiêu tìm hiểu xem liệu có thể kéo dài tuổi thọ sau điều trị ung thư vú thông qua tập thể dục thường xuyên, giúp đối phó hoặc ngăn ngừa sự xuất hiện của hội chứng chuyển hóa.

Christina Dieli-Conwright, tác giả chính của nghiên cứu, lý giải tại sao tập thể dục đều đặn có thể giúp làm tăng tuổi thọ: "Nhiều người không biết nguyên nhân hàng đâu gây tử vong ở người bị ung thư vú là bệnh tim, chứ không phải ung thư”.

Tập thể dục là một loại thuốc

Dieli-Conwright nhấn mạnh: "Ở những bệnh nhân ung thư vú, hội chứng chuyển hóa càng trầm trọng hơn do béo phì, lối sống ít vận động và hoá trị liệu”.

Các tác giả nghiên cứu cũng lưu ý rằng những người bị hội chứng chuyển hóa có dễ bị chẩn đoán ung thư vú hơn 17%. Họ cũng dễ bị tái phát ung thư sau khi điều trị, và tuổi thọ có thể ngắn hơn.

Sau khi xem xét những yếu tố này, nhóm nghiên cứu đã giả định rằng tuân thủ một lịch tập thể dục đều đặn có thể cải thiện tỷ lệ sống thêm về lâu dài nhờ nhằm vào tăng cân và các rối loạn liên quan.

Nhóm đã tiến hành thử nghiệm ngẫu nhiên với 100 người đã điều trị thành công ung thư vú trong dưới 6 tháng trước khi nghiên cứu bắt đầu.

Khi bắt đầu nghiên cứu, khoảng 46% số người tham gia là béo phì, trong khi khoảng 77% đã được chẩn đoán hội chứng chuyển hóa.

Can thiệp bao gồm ba buổi tập một-một hàng tuần trong 4 tháng, bao gồm các bài tập nâng tạ và tối thiểu 150 phút tập aerobic vừa phải.

Sau chương trình tập kéo dài 4 tháng, những người tham gia thực hiện nếp luyện tập này có sự cải thiện đáng kể về sức khoẻ; chỉ có 15% trong số đó có hội chứng chuyển hóa, so với 80% số người tham gia trong nhóm chứng.

Các nhà nghiên cứu cũng nhận xét rằng những phụ nữ tham gia vào chương trình tập thể dục đã tăng khối cơ và thải được lượng mỡ thừa, và việc tập thể dục đều đặn làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Hơn nữa, những người tham gia chương trình tập thể dục cũng giảm 10% huyết áp và tăng 50% lipoprotein tỷ trọng cao, còn gọi là "cholesterol tốt", có tác dụng hấp thu các loại cholesterol khác, mang chúng trở lại gan để đào thải ra ngoài.

Béo phì có thể gây viêm, từ đó tạo điều kiện cho khối u phát triển và tái phát ung thư sau khi điều trị.

Một nghiên cứu của Dieli-Conwright tiến hành vào năm ngoái đã xem xét các mẫu máu và mẫu sinh thiết mỡ từ 20 bệnh nhân đã điều trị ung thư bị béo phì, cho thấy những người tập thể dục đều đặn thấy ít bị viêm trong tế bào máu và cũng có đáp ứng viêm toàn thân tốt hơn.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập thể dục để duy trì sức khoẻ tốt, và cam kết thực hiện các nghiên cứu sâu hơn về tiềm năng điều trị của thói quen này.

"Tập thể dục là một loại thuốc. Cả hai nghiên cứu đều ủng hộ ý tưởng này, và chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành nghiên cứu về các liệu pháp bổ sung điều trị ung thư truyền thống", các tác giả kết luận.

Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Clinical Oncology.

Tác giả: Cẩm Tú

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP